Vệ tinh do thám tàu ngầm của Nga "Canopus-ST".
Vệ tinh quân sự mới nhất của Nga, thiết bị gắn liền với khối phóng tên lửa, sẽ bị phá hủy khi bay vào tầng đối lưu của lớp khí quyển trong 2-3 ngày tới. Đây là vệ tinh “Canopus-ST” mà các quân sự gia của Nga dự định sử dụng để tiến hành các hoạt động do thám đại dương, đặc biệt là phát hiện hoạt động của tàu ngầm nước ngoài.
Tên lửa đẩy “Unite-2.1B” mang hai vệ tinh quân sự đã rời khỏi bệ phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk vào ngày 5/12. Tuy nhiên, trong quá trình bay lên quỹ đạo, một trong hai vệ tinh này đã xảy ra sự cố.
Theo thông tin từ tờ báo Kommersant, đã có sự cố bất thường xảy ra với vệ tinh viễn thám Trái Đất “Canopus-ST”. Nguyên nhân ban đầu của sự cố này được cho là do xảy ra sự cố kỹ thuật giữa vệ tinh và ống phóng tên lửa. Hai thiết bị này đã không tách rời nhau đúng lúc.
Đến thời điểm hiện tại, vệ tinh vẫn đang hoạt động bình thường, song phía Nga xác định vệ tinh sẽ phát nổ trong một vài ngày tới khi đi vào tầng đối lưu của khí quyển, theo nguồn tin từ Ủy ban Liên Bộ, cơ quan được thành lập ngay sau khi sự cố xảy ra.
Vệ tinh "Canopus-ST" sẽ phát nổ trong 2-3 ngày tới ở tầng đối lưu của khí quyển.
Nếu giả thuyết ban đầu về sự cố này được xác định là do trục trặc kỹ thuật giữa khối phóng và vệ tinh thì khả năng chương trình thử nghiệm tên lửa đẩy hạng nhẹ “Unite-2.1B” mang vệ tinh lên quỹ đạo vẫn sẽ được tiếp tục và vụ phóng vẫn được coi là thành công.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện chính thức Cơ quan Vũ trụ cũng như Cơ quan Báo chí lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã từ chối đưa ra bình luận về sự kiện mất vệ tinh.
Theo Kommersant, vệ tinh do thám “Canopus-ST” là thiết bị lưỡng dụng hoạt rất được mong đợi ở Bộ Quốc phòng Nga. Các chuyên gia Nga phải mất tới 10 năm để nghiên cứu và chế tạo ra loại tên lửa này.
Theo kế hoạch ban đầu, Nga dự định sẽ đưa loại vệ tinh này lên quỹ đạo vào năm 2011, song mãi tới năm 2014, bên sản xuất mới bàn giao cho Bộ Quốc phòng Nga.
Vệ tinh “Canopus-ST” ngoài khả năng viễn thám đại dương, còn có thể phát hiện mọi hoạt động của tàu nổi, tàu chìm, cũng như tàu ngầm nước ngoài hoạt động ở sâu dưới đáy đại dương.
Hữu Kỷ