Rèn luyện thường xuyên kỹ năng xử lý của CSGT
Thời gian qua, không ít trường hợp CSGT bị người tham gia giao thông phạm lỗi chống đối, dẫn đến những sự cố gây thương tích nghiêm trọng cho lực lượng thực thi công vụ. Mới đây nhất, chiều 4/8, anh Nguyễn Hữu Đạt (SN 1993, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) điều khiển ô tô trên đường Nguyễn Chí Thanh, hướng đi Trần Duy Hưng. Đến nút giao Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh, tài xế rẽ phải vào đường Đê La Thành thì bị chiến sĩ Đội CSGT số 2 yêu cầu chuyển hướng vì đường cấm. Sau hồi đôi co, tài xế xuống xe dùng gậy đánh golf tấn công CSGT rồi lái ôtô bỏ đi.
Sau khi tổ công tác Đội CSGT số 2 thông báo qua bộ đàm, tổ tuần tra Đội CSGT số 3 chốt tại ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh, ra tín hiệu dừng xe Đạt. Tài xế này tiếp tục dùng gậy đánh golf tấn công một cảnh sát rồi bỏ chạy. Sau khi được người dân hỗ trợ, cảnh sát đã khống chế và đưa Đạt về trụ sở công an làm rõ. Theo Công an phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội), người thân cho biết Đạt bị trầm cảm. Đơn vị đã bàn giao Đạt, hồ sơ vụ việc lên cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa và đề xuất tạm giữ hình sự để làm rõ.
Trao đổi với Tiền Phong, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 - Công an Hà Nội cho biết, thông tin trên báo chí cho thấy tổ công tác Đội CSGT số 2 đã làm đúng quy trình theo quy định của Bộ Công an về việc nhắc nhở xử lý, hướng dẫn phương tiện. Về nguyên tắc, trường hợp dừng xe xử lý vi phạm trong giờ cao điểm nếu phát hiện vi phạm có nguy cơ gây tai nạn, ùn tắc, gây mất an ninh trật tự thì CSGT được phép cưỡng chế, ngăn chặn. Tuy nhiên, tổ tuần tra cũng có thể nhắc nhở để tài xế hiểu và chấp hành thay vì tranh cãi dẫn đến xô xát.
Về thông tin tài xế có biểu hiện trầm cảm, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cho biết, pháp luật quy định người điều khiển phương tiện phải đảm bảo sức khỏe, năng lực hành vi và am hiểu luật giao thông. Tài xế có đủ giấy tờ chứng minh bệnh trầm cảm được xem là tình tiết giảm tội. Tuy nhiên, chủ phương tiện cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, bị phạt hành chính. Cũng trong tình huống này, kỹ năng xử lý tình huống của nam cảnh sát Đội CSGT số 3 chưa đạt, còn hạn chế. “Khi tài xế đang có bức xúc, cáu gắt, lăng mạ thì cảnh sát có nhiều cách để làm dịu tình hình, phòng ngừa ngăn chặn xô xát từ xa để tránh làm xấu tình hình, đặc biệt đối với người có biểu hiện hành vi bất thường. Tôi cho rằng, kỹ năng này cần được tăng cường rèn luyện hơn nữa cho cán bộ CSGT”, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ nói.
Không được dùng bạo lực
Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh – Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, hành vi chống người thi hành công vụ nói chung và chống đối CSGT nói riêng, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Trường hợp bị xử phạt hành chính, ngoài lỗi vi phạm giao thông, người chống đối còn bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nếu bị xử lý hình sự, người vi phạm có thể bị phạt tù mức cao nhất 7 năm về tội chống người thi hành công vụ áp dụng Điều 257 Bộ luật hình sự.
Về trường hợp tài xế Nguyễn Hữu Đạt sử dụng vũ lực đối với các chiến sỹ Đội CSGT số 3 Công an Hà Nội, luật sư Thanh cho rằng hành động này vi phạm pháp luật. Chưa bàn đến chuyện đúng sai trong cách xử sự của các chiến sỹ CSGT và cũng chưa có căn cứ nào để cho rằng có sự thiếu chuẩn mực trong tác phong, thái độ của những cán bộ này. Tuy nhiên, giả sử họ có hành động không đúng điều lệ, hiệu lệnh thì người dân cũng không được dùng vũ lực để chống lại họ.Trong trường hợp này, cơ quan CSĐT chưa kết luận mức độ sai phạm nên chưa thể xác định tài xế Đạt bị phạt hành chính hay bị xử lý hình sự.
Cục CSGT Bộ Công an cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 30 vụ chống đối CSGT đang thi hành công vụ khiến 2 cán bộ hy sinh, 2 đồng chí bị thương. Cục CSGT cho nhận định, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra ngày càng nghiêm trọng.