Trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của Nghi lễ và trò chơi kéo co của các nước, Việt Nam là nước có nhiều hình thức kéo co phong phú, phản ánh tính đa tộc người, nhiều địa bàn, thể hiện những đặc trưng về môi trường sinh thái tự nhiên, điều kiện lịch sử, xã hội của từng cộng đồng.
Nghi lễ và trò chơi gắn với nền nông nghiệp cổ xưa của dân tộc ta, bắt nguồn từ nghi lễ cầu mùa của cư dân trồng lúa. Sinh sống dựa vào nghề nông, từ xa xưa nhân dân ta đã tôn thờ những lực lượng tự nhiên như thần sông nước, thần mặt trời, mặt trăng, mây, mưa, sấm, chớp... và tiến hành các lễ nghi nông nghiệp cổ truyền để ước nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng no ấm.
Bởi vậy, kéo co hiện diện lâu đời ở nhiều cộng đồng như một trò diễn - nghi thức quan trọng trong các lễ hội làng, tổ chức vào dịp đầu xuân, nhằm chính thức khép lại một chu trình nông nghiệp và khởi đầu cho một mùa vụ mới. Kéo co được phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi, từ miền Bắc đến miền Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Tuy nhiên, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ - cái nôi của nền văn minh lúa nước, văn minh sông Hồng. Kéo co cũng được một số tộc người miền núi phía Bắc Việt Nam thực hành thường xuyên, như người Tày, Thái, Giáy - vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử.
Người Việt gọi “kéo co” bằng nhiều tên như “kéo song”, “kéo mây”, “kéo co ngồi”, “kéo mỏ”, người Tày gọi là “Nhanh vai”, “pẻng luông”, người Giáy là “So vai”, người Thái là “Nạ bai”. Không chỉ phong phú về tên gọi, vật liệu, cách thức chơi cũng như ý nghĩa biểu tượng của kéo co rất đa dạng. Từ những loài thực vật sinh trưởng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, gió mùa, người dân đã chọn lựa ra các loài cây thích hợp như cây tre, cây song, cây mây... làm vật liệu kéo và dây kéo co, cũng như sáng tạo nên những cách thức kéo co sinh động.
Nhìn chung có hai cách kéo co chính: Kéo co ngồi (người chơi ngồi trong hố đào vào mặt đất, chân tỳ vào điểm tựa phía trước để kéo một sợi dây ở hai hướng ngược nhau) và kéo co ở tư thế đứng. Người Tày, người Thái thường dùng dây mây hoặc sợi dây rừng để kéo trực tiếp, trong khi người Việt lại có tục kéo sợi dây song hay dây thừng luồn qua một cột gỗ… Quy tắc chọn lựa người tham gia kéo co cũng có nhiều biến thể khác nhau, phản ánh những yếu tố tộc người. Ví dụ, nếu trong kéo co nghi lễ của người Việt, người chơi thường là nam giới, thì ở tộc người Tày, Thái, nam và nữ đều tham gia vào kéo co và nữ giới còn được ưu tiên dành phần thắng, bởi quan niệm rằng phụ nữ là người biết sinh nở, gắn với sự phồn thịnh, sinh sôi của mùa màng.
Màn thi kéo co ngồi |
Một số lễ hội:
Lễ hội kéo co làng Hữu Chấp xã Hòa Long - Bắc Ninh:
“Mùng Bốn đi hội Kéo co, mùng Năm hội Ó chẳng cho nhau về”
Hàng năm sau các nghi thức và lễ tế thần trang trọng tại đình làng, vào buổi chiều ngày mùng 4 Tết, cuộc thi kéo co được bắt đầu. Trước khi bước ra sân, người ta dùng rượu để vẩy, vỗ và phun lên trai làng tham gia đội kéo co, hành động này mang ý nghĩa thanh lọc và có thể được liên tưởng như một nghi thức cầu mưa có tính “ma thuật” của người nông dân. Trong tiếng trống, chiêng dồn dập, kéo co ở làng Hữu Chấp diễn ra trong ba keo như quy định từ bao đời nay. Keo thứ nhất bên Đông thắng; keo thứ hai bên Tây thắng; đặc biệt keo thứ ba, dân làng và du khách thập phương cùng ùa vào kéo, tục gọi là “kéo xô” để đội phía Đông giành phần thắng. Người dân tin rằng đội bên Đông thắng thì mùa màng sẽ bội thu bởi phía Đông là hướng mặt trời mọc.
Trước khi Nhà nước quy định cấm đốt pháo (1994), theo phong tục, sau nghi lễ kéo co, dân làng còn chuẩn bị một quả pháo đại treo trên ngọn tre cao độ 10 mét ở giữa sân đình. Trai làng được phát mỗi người năm quả pháo tiểu, ném lên cho pháo đại nổ, người dân tin rằng nếu pháo nổ được thì năm đó mùa màng sẽ bội thu. Tiếng pháo (tựa như tiếng sấm đầu mùa) cùng với những tia lửa lóe lên như ánh chớp là cách thức dân gian mô phỏng để gọi những cơn mưa cho mùa vụ. Nếu kết hợp lại các trò diễn-nghi thức này, có thể thấy ý nghĩa cầu mùa độc đáo của lễ hội kéo co làng Hữu Chấp với các trò diễn nhằm mô phỏng và “giao cảm” với các lực lượng thiên nhiên (như mưa; sấm, chớp; mặt trời...), cầu mong cho thiên nhiên được an hòa và mùa vụ được tốt tươi.
Hội đền Trấn Vũ:
(trước đây thuộc thôn Ngọc Trì, xã Cự Linh, huyện Gia Lâm, nay thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) được tổ chức vào mùng 3 tháng 3 âm lịch thường niên, với nghi lễ “kéo co ngồi” độc đáo, gắn với ngày đản sinh đức thánh Trấn Vũ và việc thờ Linh Lang đại vương - mà trong tâm thức dân gian vốn là những vị thần trị thủy.
Hội đền Trấn Vũ |
Thôn Ngọc Trì xưa nằm sát trong đê sông Hồng và người dân nơi đây phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ lũ lụt, vì vậy trò kéo co ngồi được thực hành mang ý nghĩa cầu nước rút, cầu mùa, với biểu tượng dây kéo như con rắn trườn bò từ vùng cao xuống vùng thấp. Người dân nơi đây tin rằng, nếu Mạn đường (mạn gốc) thuộc xóm Đường, vùng trũng, xóm tiếp giáp với sông Nghĩa Trụ mà thắng Mạn chợ (tức cư dân xóm Chợ, xóm ngọn- vùng cao) thì năm đó làng có phúc lớn.
Kéo co của người Tày, Thái, Giáy ở Lào Cai:
Mang ý nghĩa như kéo rồng - kéo quân - kéo mây, kéo mưa. Người Tày xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, dây kéo được đặt cùng chiều với hướng của đường nước chảy, phần gốc dây kéo bao giờ cũng được đặt ở phía đầu nguồn nước và dành cho các bậc cao niên, ngọn dây kéo đặt ở phía dưới nguồn nước dành cho người trẻ. Nghi lễ kéo co mang tính thiêng liêng này được thầy mo dặn trước, dù thế nào thì bên trẻ cũng phải nhường bên người già chiến thắng, biểu trưng cho nguồn nước được dồi dào, vô tận.
Kéo co của người dân tộc Tày |
Là một đất nước phải trải qua nhiều binh lửa chiến tranh, khác với kéo co ở các nước Đông Á và Đông Nam Á, lễ hội kéo co Việt Nam còn lưu giữ những thông điệp của cha ông về truyền thống anh hùng giữ nước của dân tộc, hay để tưởng nhớ, tri ân các nhân vật lịch sử, những người có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân như lễ hội Kéo song ở ba làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh (nay là thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) để diễn tả lại việc thao luyện thuỷ quân của Ngô Quyền, dẫn đến thắng lợi hoàn toàn trong trận Bạch Đằng, hay lễ hội kéo co của người Tày ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai để ghi nhớ công lao chống lại giặc ngoại bang của Gia quốc công Vũ Văn Mật, tướng Hoàng Vần Thùng…