Ngày nay, nơi góc phố thuộc khu thành cổ mang dấu ấn lịch sử Old Delhi mang bầu không khí độc nhất, thu hút du khách đến với những quầy ẩm thực đường phố sôi động. Những dấu tích kiến trúc của thời kỳ vàng son trước đây vẫn còn hiện diện, nhưng những căn nhà lộng lẫy của gia đình giàu thì không còn, nhiều ngôi nhà đã được chuyển thành khách sạn hoặc các cơ sở kinh doanh khác, chủ sở hữu trước đã rời đi từ lâu.
Dù vậy, Ajay Pershad vẫn ở lại. Ở tuổi 80 nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, ông Pershad ngồi trong sân dinh thự tổ tiên rộng lớn có đến 120 phòng, gần như là người bảo vệ cuối cùng của Chandni Chowk còn nắm giữ vẻ đẹp chói lọi của một thời đại đã qua. “Đây là dinh thự duy nhất còn tồn tại trên con phố lịch sử Chandni Chowk,” Pershad cho biết. Ông là hậu duệ của Chunna Mal, một thương gia xây dựng ngôi nhà vào năm 1864.
Gần 160 năm sau, mặc dù Pershad vẫn cố gìn giữ di sản của tổ tiên, nhưng phần lớn vẻ đẹp huy hoàng của những thế kỷ trước đã biến mất. Hầu hết các phòng trong dinh thự đều đóng cửa và không sử dụng. Những món đồ cổ bên trong đang phủ bụi theo thời gian.
Trong số 32 người thừa kế của Chunna Mal, chỉ còn lại Pershad và gia đình 10 người của ông. Theo lời Pershad, ông là người duy nhất muốn giữ lại ngôi nhà này.
“Gia đình tôi đang có kế hoạch bán dinh thự này, nhưng tôi phản đối,” ông nói. Pershad hy vọng rằng một trong số ít những biệt thự tư nhân còn lại trong khu vực sẽ không bị chuyển đổi thành khách sạn.
Ajay Pershad ngồi trong sân dinh thự tổ tiên rộng lớn có đến 120 phòng của gia đình ông. Ảnh: CNN. |
Vào thời đế chế Mughal, được thành lập vào thế kỷ 16, từng kiểm soát phần lớn tiểu lục địa Ấn Độ trước khi suy yếu và tan rã vào năm 1857, Ấn Độ đã có thêm nhiều công trình văn hóa và kiến trúc mang tính biểu tượng.
Ở Delhi, những công trình này bao gồm Lăng mộ Humayun, nhà thờ Hồi giáo Jama Masjid và Pháo đài Cổ. Thành phố Agra lân cận có Taj Mahal, một trong bảy kỳ quan của thế giới, thu hút hàng ngàn du khách mỗi ngày. Rồi đến Chandni Chowk, được xây dựng như một phần của thủ đô mới Shahjahanabad dưới triều đại của Hoàng đế Shah Jahan, sau này được gọi là Old Delhi.
Nhiều phần của con đường này đã bị phá hủy khi người dân nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Anh vào năm 1857. Ngày nay, ngôi nhà của Pershad là biểu tượng cho cả sự huy hoàng của thế kỷ 17. Vẻ đẹp huy hoàng ấy đang thay đổi hoặc bị lãng quên trong thời hiện đại.
Giao lộ ánh trăng
Sự u ám bên trong căn biệt thự rộng lớn tạo nên sự tương phản rõ rệt với con đường Chandni Chowk hiện đại bên ngoài. Con phố cổ nhất của quận, nằm ngay trung tâm Delhi, bắt đầu từ cổng Pháo đài Đỏ thời Mughal, nơi Thủ tướng Ấn Độ chủ trì lễ thượng cờ vào Ngày Độc lập hàng năm, kéo dài hơn 1,2km tới nhà thờ Hồi giáo Fatehpuri từ thế kỷ 17.
Con đường nhộn nhịp với các doanh nhân, xe xích lô và người tiêu dùng đến tìm mua quần áo, trang sức hoặc thưởng thức những món ăn ngon miệng, thu hút hàng ngàn du khách mỗi ngày.
Với Rameen Khan, người sáng lập công ty City Tales, nơi tổ chức các chuyến tham quan di sản trong và ngoài Delhi, tầm quan trọng của con đường này vượt xa các giá trị vật chất. "Trong từng ngõ ngách của con phố này đã lưu giữ hơn 150 năm lịch sử Ấn Độ. Nó ẩn mình trước mắt, không được chú ý và tôn thờ, nhưng là một minh chứng cho dòng chảy lịch sử của Ấn Độ," Khan cho biết.
Theo Rameen Khan, nơi đây từng có một hồ nước bát giác, phản chiếu ánh trăng lấp lánh. Đó là lý do nơi này có tên Chandni Chowk, nghĩa là "Giao lộ ánh trăng".
Nút thắt lịch sử và tín ngưỡng
Không chỉ có nhiều thời kỳ lịch sử đan xen ở góc phố cổ Old Delhi này, mà còn có sự hiện diện của nhiều địa điểm tôn giáo khác nhau tại Chandni Chowk như: đền Jain, đền Hindu, nhà thờ Hồi giáo, đền thờ Sikh, và nhà thờ Baptist.
Sheetal Saxena, 23 tuổi, một nội trợ và cư dân địa phương, chia sẻ rằng nơi đây vẫn duy trì mối quan hệ thân thiện giữa các cộng đồng khác nhau. “Thực tế nơi này chào đón tất cả mọi người, đó chính là điều khiến nó trở thành biểu tượng thật sự của Ấn Độ,” cô nói.
Những trung tâm tôn giáo này cũng là điểm thu hút du khách, nổi bật nhất là ngôi đền Digambar Jain Lal mang màu đỏ hồng rực rỡ. Đây là nơi linh thiêng đối với những người theo đạo Jain, một tôn giáo Ấn Độ nhấn mạnh vào bất bạo động và chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, không có tỏi và hành.
Ngôi đền này ban đầu được xây dựng vào những năm 1600 và sau đó được tu sửa lại bằng đá sa thạch đỏ vào năm 1878, từ đó nó có biệt danh là Đền Đỏ.
Vào thời điểm đế chế Mughal dần mất đi quyền lực, một quý tộc trong quân đội của đế chế này đã xây dựng một ngôi đền Hindu thờ thần Shiva vào những năm 1760.
Bên kia đường là Nhà thờ Baptist Trung ương, có từ thời kỳ thuộc địa Anh. Theo Khan, nhà thờ ban đầu đã bị phá hủy trong cuộc nổi dậy năm 1857, sau đó được xây dựng lại. Nhưng những du khách tinh ý có thể tìm thấy bên trong các tấm bia khắc các lời cầu nguyện và điều răn bằng tiếng Urdu trên các phiến đá vàng.
Những người lái xe kéo nghỉ ngơi dọc theo con phố ở Chandni Chowk, khu Phố Cổ Delhi. Ảnh: Getty Images. |
Một biểu tượng khác cho thấy sự suy tàn của đế chế Mughal là Nhà thờ Hồi giáo Vàng, nơi hoàng đế Ba Tư Nader Shah đã ra lệnh cướp phá Delhi vào năm 1793.
Tìm kiếm hướng đi mới
Người dân địa phương cho biết sự nổi tiếng của Chandni Chowk đã tăng lên trong thời gian gần đây khi chính quyền địa phương Delhi giới thiệu diện mạo mới, cấm tất cả phương tiện giao thông trừ xe kéo. Lối đi bằng đá sa thạch đỏ mới được lát để tạo ra khu vực đi bộ và thêm nhiều cây xanh được trồng.
Tuy nhiên, một số người cho rằng vẫn còn nhiều việc cần làm.
Dilip Saxena, một người về hưu sống gần đó cả đời chia sẻ rằng ngoài con đường chính, khu phố này vẫn bị ảnh hưởng bởi rác rưởi, lũ lụt mùa mưa và hỏa hoạn. Ông nói rằng khu vực này đang dần mất đi tính chất khu dân cư.
“Khi tôi lớn lên ở đây, có 13 ngôi nhà xung quanh, giờ chỉ còn hai. Người dân đã bán nhà để làm cơ sở kinh doanh hoặc chuyển đi", ông cho biết.
Một trong những cơ sở kinh doanh đó là trung tâm thương mại mới, cách Chandni Chowk chỉ 100 thước. “Với sự xuất hiện của trung tâm thương mại, có người lo ngại rằng vẻ đẹp riêng biệt của khu vực này sẽ bị lãng quên hoặc thay đổi theo thời gian. Khi các thế hệ tiếp nối, ngày càng ít người biết về lịch sử này, đó là điều đáng lo ngại,” Saxena nói.