Các nhà chức trách Ukraine cho biết khu vực Chernobyl phải mất tới 24.000 năm để con người quay lại đây sinh sống, sự biến mất của con người cũng mở ra cơ hội mới cho những đàn ngựa hoang dã.
Vụ nổ ở lò phản ứng thứ tư tại nhà máy điện hạt nhân vào ngày 26/4 năm 1986 khiến vùng đất của Ukraine và nước láng giềng Belarus bị ô nhiễm phóng xạ nặng và dẫn đến việc hình thành một vùng đất chết trong bán kính 30 km quanh nhà máy.
Hàng chục ngôi làng và thị trấn đã phải sơ tán, biến nơi đây này thành một khu bảo tồn khổng lồ chưa từng có ở châu Âu.
Loài ngựa hoang Mông Cổ từng có nguy cơ tuyệt chủng nay đang sinh sôi nảy nở tại "vùng đất chết" Chernobyl. Ảnh: AFP |
Hơn ba thập kỷ sau khi vụ việc xảy ra, đã có một lượng lớn du khách tò mò đổ đến khu vực này. Đây đã là nơi sinh sống của các loài động vật bản địa như nai sừng tấm, chó sói và giống ngựa hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao có nguồn gốc từ châu Á, ngựa hoang Mông Cổ.
Giống ngựa này từng sinh sống ở sa mạc Gobi rộng lớn nhưng đã tuyệt chủng vào giữa thế kỷ 20, một phần do nạn săn bắn quá mức. Các nỗ lực bảo tồn sau đó đã giúp khôi phục dân số loài ngựa này tại Nga, Trung Quốc và Mông Cổ.
Vào năm 1998, 30 con ngựa đã được thả vào vùng Chernobyl, thay thế một giống ngựa bản địa đã tuyệt chủng trong vùng: ngựa Tarpan.
Theo ông Denys Vyshnevsky, trưởng phòng khoa học của khu bảo tồn thiên nhiên Chernobyl, hiện khu vực này có khảng hơn 200 con ngựa hoang sinh sống.
Sergiy Zhyla - nhà nghiên cứu của Khu dự trữ sinh quyển Chernobyl, cho biết trong những điều kiện thích hợp, số lượng ngựa tại đây có thể lên tới 300-500 cá thể.
Sau thành công ở Chernobyl, đã có một cuộc thảo luận về việc đưa các loài có nguy cơ tuyệt chủng khác đến khu vực nhiễm phóng xạ của Ukraine và ứng cử viên hàng đầu là loài bò rừng châu Âu,
“Chúng ta sẽ có thể tái tạo cảnh quan ở đây giống như trước khi con người bắt đầu đặt chân tới", ông Vyshnevsky nói.