Bà Ngarmpring, 52 tuổi, tham gia Đảng Mahachon cánh tả vào năm ngoái, nhưng đã được chọn làm ứng cử viên Thủ tướng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 24/3 tại Thái Lan.
Quân đội Thái Lan đã nắm quyền đất nước kể từ cuộc đảo chính diễn ra vào năm 2014. Chính quyền quân sự, được đặt tên là Hội đồng Hòa bình và Trật tự (NCPO), đã nhanh chóng hứa hẹn các cuộc bầu cử dân sự mới nhưng đã liên tục trì hoãn kể từ đó. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, người đứng đầu NCPO, cũng sẽ tham gia cuộc bầu cử vào tháng 3.
"Ngày nay mọi người nói: 'Ồ, bà là người chuyển giới? Bà muốn trở thành Thủ tướng của chúng tôi. Đây là câu chuyện hết sức buồn cười và kỳ lạ'", bà Ngarmpring nhắc lại phản ứng của đám đông khi nghe về mục tiêu của mình. Bà mới chỉ bắt đầu quá trình chuyển đổi giới tính của mình 3 năm trước.
"Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Dù bạn là ai, bạn đều có giá trị của mình. Bạn yêu chính mình và sau đó bạn chia sẻ với mọi người", nữ ứng cử viên chia sẻ.
Trong khi Thái Lan nổi tiếng với những người phụ nữ chuyển giới, thường được gọi là "kathoey", những người như Ngarmpring tự gọi mình là "loại phụ nữ thứ hai" hoặc đơn giản là "phụ nữ". Tuy nhiên, đây vẫn là một chủ đề tranh luận trong dư luận về việc họ có phải là người chuyển giới hay tạo thành giới tính thứ ba khác biệt trong xã hội Thái Lan hay không.
Tuy nhiên, những khó khăn về kinh tế và xã hội mà phụ nữ chuyển giới ở Thái Lan phải đối mặt là điều khó tranh luận và Đảng Mahachon và bà Ngarmpring hy vọng sẽ có thể đại diện cho toàn thể những người dân Thái Lan thuộc giới LGBTI sau ngày 24/3.
"Chúng tôi không nói rằng chúng tôi tốt hơn nam hay nữ. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta bình đẳng", bà Ngarmpring cho biết.
Một đạo luật năm 2015 của Thái Lan cấm phân biệt đối xử giới tính hoặc khuynh hướng tình dục, nhưng vẫn có những khuyến cáo cho giáo dục và các dịch vụ khác mà nhiều phụ nữ và những người ủng hộ giới LGBTI đã lên tiếng phản đối.
Ứng cử viên chuyển giới Pauline Ngarmpring tham gia vận động tại các khu chợ đêm ở Thái Lan. Ảnh: The Hindu |
Bà Ngarmpring đang tham gia vận động cử tri mạnh mẽ tại các "phố đèn đỏ" ở Bangkok, nơi nhiều người dễ bị tổn thương và bị bóc lột, chẳng hạn như phụ nữ chuyển giới, đang làm việc trong các tiệm massage hoặc làm nghề mại dâm. Đảng Mahachon đã đưa hợp pháp hóa mại dâm trở thành một trong những chiến dịch tranh cử của mình, theo hãng tin AP.
Thái Lan hiện có gần 200.000 gái mại dâm và gần 3 triệu người làm việc trong ngành mại dâm. Ngành công nghiệp tình dục này tạo ra 6,4 tỷ USD hàng năm, đóng góp cho 1% GDP của đất nước.
Cô Wassana Sorsawang - người làm nghề massage, nói với AP mối quan tâm của cô bao gồm "phúc lợi của chúng tôi, chủ yếu là sức khỏe".
Ứng cử viên Ngarmpring không nghĩ rằng mình sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử của mình, nhưng bà cho rằng điều đó vẫn quan trọng "bởi vì tôi là người đầu tiên dám tuyên bố: 'Chúng ta có thể làm được!'"
"Tôi sẽ không trở thành Thủ tướng. Nhưng điều đó không thành vấn đề. Sẽ mất một thời gian và sẽ chưa phải là ngày tận thế sau cuộc bầu cử tiếp theo. Điều này không phải dành cho tôi. Nó có thể dành cho thế hệ tiếp theo".