3 - 5 phút có một chuyến tàu
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, đang nỗ lực triển khai hoàn thiện nốt 5% khối lượng xây dựng (khu Depot, 12 nhà ga), lắp đặt các thiết bị và đồng thời xây dựng quy trình vận hành khai thác, chạy tàu trong thời gian sớm nhất. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu phải đưa dự án vào khai thác ngay trong năm nay.
“Khi các đoàn tàu được đưa vào khai thác, ở các nhà ga đều có thang máy để phục vụ khách lên xuống. Trong ga có thiết bị phục vụ nước uống miễn phí; khu vực vệ sinh tiện nghi. Mỗi chuyến tàu gồm 4 toa, sức chở tối đa được hơn 1.000 người. Trung bình mỗi đoàn tàu sẽ di chuyển cách nhau 3-5 phút; trong tương lai chỉ 2 phút/chuyến, với tốc độ bình quân 35km/h”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin.
Đề cập vấn đề cơ chế khai thác, vận hành của tàu, ông Trương Thanh Tùng, Trưởng phòng Dự án 6 (Ban QLDA Đường sắt) cho biết, tàu được điều khiển bằng thông tin tự động (vô tuyến, hữu tuyến, camera, tín hiệu tự động) nên có chế độ lái tự động, chỉ khi cần thiết, như đưa tàu về Depot, mới cần người trực tiếp điều khiển. Theo đó, các đoàn tàu trên cùng một ray hoạt động theo nguyên lý tự động duy trì khoảng cách an toàn, dựa trên các thông tin tín hiệu tự động, khi tàu này tăng tốc hay giảm tốc bao nhiêu thì tàu đi phía sau cũng tăng, giảm bấy nhiêu.
Ngay cả vé lên tàu cũng chứa thông tin, khách đi tàu chỉ cần quẹt thẻ tại cửa soát vé để lên tàu. Trong tương lai, hệ thống bán vé tàu có khả năng được dùng để cấp thông tin cho mạng lưới xe buýt để phục vụ điều hành xe buýt đón khách tại ga.
Liên quan đến nhân sự, đơn vị quản lý dự án cho biết, 97% nhân sự phục vụ quản lý, khai thác vận hành dự án đã hoàn thành đào tạo tại nước ngoài, đào tạo trong nước cũng đạt 95% và quá trình đào tạo thực hành hoàn thành trước khi tuyến đường sắt hoạt động thử. Hà Nội cũng đã thành lập Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội để sẵn sàng đảm nhận khai thác, vận hành tuyến đường sắt đô thị này.
Dân hào hứng chờ đợi
Khi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội đi vào hoạt động sẽ tạo ra một phương thức đi lại mới hiện đại và văn minh. Điều này chắc chắn sẽ giúp tạo ra thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng cho nhiều người.
Trong những năm tới, khi tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, cũng như 8 tuyến đường sắt đô thị khác của Hà Nội đã được quy hoạch đến năm 2030 dần hình thành sẽ tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong bức tranh giao thông bằng đường sắt của Thủ đô. Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi tuyến đường sắt được đưa vào khai thác, hệ thống xe buýt công cộng của thành phố sẽ được tổ chức lại để kết nối hợp lý với đường sắt Cát Linh - Hà Đông, với buýt nhanh BRT. Mạng lưới xe buýt sẽ cung cấp và giải tỏa tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga, gom và cung cấp khách cho các tuyến buýt.
Gần đây, người dân Hà Nội thích thú khi bắt gặp hình ảnh đoàn tàu màu xanh của đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thi thoảng chạy qua chạy lại trên đường ray. Người Hà Nội từng ngày mong chờ thời điểm dự án chính thức đưa vào khai thác, giải tỏa áp lực giao thông cửa ngõ phía Tây vào nội đô.
Bác Vũ Hồng (Hà Đông) chia sẻ, cơ sở hạ tầng nhà ga, tàu đều rất hiện đại. Khi tàu khai trương, sạch sẽ thì vé đắt gấp đôi cũng sẵn sàng đi.
Còn bác Vũ Ngọc Hưng, nhà ở phố Khương Trung cho biết, nhiều năm nay chứng kiến thi công dự án đường sắt trên cao nên rất mong chờ ngày tàu khai trương. Ngắm tàu mẫu thấy thiết kế hiện đại, dễ lên xuống, màu sắc hợp lý. “Khi đưa vào khai thác, nhất định tôi sẽ lựa chọn để đi lại”, bác Hưng nói.
Theo Giao thông