Người phụ nữ bí ẩn đứng sau những kiệt tác đèn Tiffany

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Clara Driscoll xuất thân trong một gia đình nông dân khiêm tốn ở Ohio. Vào năm 1887, khi mới 21 tuổi, bà tìm được công việc đầu tiên tại công ty nổi tiếng trong lĩnh vực làm kính màu của Louis Comfort Tiffany. Hơn một trăm năm kể từ sự kiện ấy, Driscoll đã làm sửng sốt giới học giả chuyên nghiên cứu về đèn Tiffany khi họ khám phá ra tầm quan trọng của bà với di sản độc đáo này.
Clara Driscoll trong văn phòng làm việc ở Tiffany Studios.
Clara Driscoll trong văn phòng làm việc ở Tiffany Studios.

Những cô gái Tiffany

Câu chuyện về Driscoll đã trở thành điểm nhấn đặc biệt trong triển lãm về đèn Tiffany được tổ chức cách đây nhiều năm ở Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland. Bởi bà chính là người đã trực tiếp thiết kế nhiều mẫu chao đèn, cửa sổ kính màu cùng các đồ nội thất để bàn mang tính biểu tượng của thương hiệu này.

Là người gốc Tallmadge (Ohio), Clara Driscoll đã đến New York vào năm 1888 để theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật. Sau khi hoàn thành chương trình học tại Trường Nghệ thuật Bảo tàng Metropolitan, bà nhận công việc cắt mài kính màu tại Công ty Kính Tiffany - nơi sau này sẽ trở thành Tiffany Studios danh tiếng.

Một năm sau đó Driscoll kết hôn, theo phong tục của thời bấy giờ, bà phải rời bỏ công việc của mình để đảm nhận nghĩa vụ của một bà nội trợ. Nhưng với cái chết quá sớm của người chồng đầu, Driscoll lần nữa trở lại Tiffany, đảm nhận vị trí giám sát bộ phận cắt mài kính với nhân sự ban đầu chỉ vỏn vẹn sáu phụ nữ. Khả năng lãnh đạo của Driscoll cộng hưởng với thời kỳ bùng nổ của ngành công nghiệp kính màu, khiến trong thời kỳ hoàng kim bộ phận cắt mài kính, từng có lúc bà sở hữu số thuộc cấp lên tới 35 người. Tất cả họ đều được gọi trìu mến bằng biệt danh độc đáo: “Những cô gái Tiffany”.

Người phụ nữ bí ẩn đứng sau những kiệt tác đèn Tiffany ảnh 1

Vẻ đẹp của những chiếc Đèn Chuồn chuồn từng giúp Clara Driscoll giành giải thưởng tại Triển lãm Quốc tế Paris 1900.

Nhờ việc phát hiện ra bộ sưu tập các bức thư gửi về gia đình của Driscoll vào năm 2005, giới chuyên môn biết rằng rất nhiều tác phẩm vốn được xem là sáng tác độc lập của Tiffany, thực ra lại được thể hiện bởi các nhà thiết kế nữ trong thời kỳ đó. Ví dụ trong bức thư gửi mẹ và chị gái ở Ohio, Driscoll cho biết bà đã có bước phát triển mạnh mẽ trong sự nghiệp dưới sự chỉ đạo của Mr. Tiffany. Driscoll ca ngợi quý ông hơn mình 20 tuổi, vốn xuất thân từ một vọng tộc ở New York, là người bà có thể chia sẻ tầm nhìn nghệ thuật, tình yêu thiên nhiên cho đến sự trân trọng dành cho những vật liệu độc đáo.

Không ai có thể phủ nhận nỗ lực sáng tạo của Louis C. Tiffany, người nghệ sĩ thiên tài đã sáng tạo ra những chiếc đèn, các bức tranh kính tuyệt diệu, đem lại thành công rực rỡ cho Tiffany Studios ngay cả khi công ty này đã chìm vào quá khứ. Nhưng rõ ràng Driscoll và những người phụ nữ ẩn danh khác, những người đứng sau hậu trường, cũng đóng góp đáng kể trong việc tạo nên di sản này. Theo đó, vào khoảng năm 1898, Driscoll bắt đầu những thử nghiệm thiết kế một số mẫu đèn. Có lẽ bà chính là người đã chịu trách nhiệm giới thiệu các mẫu đèn lắp kính pha chì.

Người phụ nữ bí ẩn đứng sau những kiệt tác đèn Tiffany ảnh 2

Clara Driscoll (1861 - 1944).

Trước đó, Tiffany đã nắm bắt các ý tưởng của mình rồi yêu cầu Driscoll và Những cô gái Tiffany thực hiện các sản phẩm theo một chủ đề xuyên suốt lấy cảm hứng từ các loài hoa và côn trùng trong thiên nhiên. Bản thân tên tuổi của Driscoll cũng gắn với những chiếc đèn mang tính biểu tượng nhất của nhà Tiffany ngay từ thời điểm chúng ra mắt, chẳng hạn như Đèn Chuồn chuồn (Dragonfly) hay Đèn Hoa Tử đằng (Wisteria).

Những cô gái Tiffany cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc chọn kính, cắt và tạo ra vô số các sắc thái trước khi bọc chúng bằng những lá đồng. Sau đó thành phẩm được giao cho một bộ phận khác, với nhân lực hoàn toàn là nam giới, những người sẽ thực hiện các công đoạn nặng nhọc hơn như lắp ráp chao đèn, hàn, cố định hình dạng của thủy tinh sau khi chúng được ghép lại với nhau trên khuôn gỗ.

Bất bình đẳng giới

Những người phụ nữ làm việc trong thời đại của Driscoll phải chịu đựng rất nhiều thử thách. Mặc dù bà và những cô gái Tiffany được xem là khá giả hơn so với các đồng nghiệp làm trong những công xưởng khác hay giúp việc gia đình, nhưng họ vẫn có những khó khăn nhất định.

Qua các lá thư, đôi khi Driscoll bày tỏ cảm giác bất lực khi bà nhận thấy việc lãnh đạo một tập thể toàn phụ nữ trẻ sẽ trở thành công cốc khi họ buộc phải nghỉ việc nếu kết hôn và bộ phận đã liên tục mất đi những người thợ tài năng nhất.

Người phụ nữ bí ẩn đứng sau những kiệt tác đèn Tiffany ảnh 3

Nơi làm việc của Những cô gái Tiffany.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa hai nhóm công nhân nữ và nam giới tại Tiffany Studios cũng đặc biệt trở nên gay gắt khi vào năm 1903, công đoàn thợ thủy tinh nam đã đòi đình công nếu Tiffany không sa thải các nhân viên nữ. Bởi họ nhận thức một cách rõ rệt rằng Driscoll và Những cô gái Tiffany là mối đe dọa với sự thống trị ở phân xưởng của họ.

Tuy nhiên, Tiffany đã ủng hộ giới nữ. Ông hiểu giá trị thực sự từ những người nghệ nhân có óc thẩm mỹ nhạy bén này và tính toán những thiệt hại có thể kéo đến nếu đánh mất họ. Tiffany giữ vững quan điểm cho tới cuối cùng khi đạt được thỏa thuận với công đoàn cho phép Những cô gái Tiffany tiếp tục làm công việc của họ trong phạm vi các sản phẩm xa xỉ như chao đèn, cửa sổ và đồ khảm thủy tinh. Dù vậy, giới nữ cũng phải đánh đổi bằng số lượng công nhân bị giới hạn ở mức 27 người.

Bầu không khí nghệ thuật

Về đời tư, Driscoll mô tả cuộc sống trong xã hội muôn màu ở New York đầu thế kỷ 20 của bà là đầy đủ và sôi động. Sau khi trở lại Tiffany Studios vào năm 1892, bà dọn đến ở chung trong một căn hộ với những nghệ sĩ thương mại thời danh như Alice Gouvey và Louise Minnick. Năm 1898, bà chuyển đến ngôi nhà trọ được miêu tả có đủ “nhà thiết kế công nghiệp, nghệ sĩ, diễn viên, giáo viên và ít nhất một doanh nhân”.

Người phụ nữ bí ẩn đứng sau những kiệt tác đèn Tiffany ảnh 4

Những chiếc đèn Tiffany tuyệt đẹp đang được lưu giữ tại bảo tàng.

Những lá thư gửi cho gia đình vào thời gian sau này ngập tràn câu chuyện về những chuyến đi dã ngoại bằng xe đạp, những cuộc đi thăm các phòng trưng bày nghệ thuật, các buổi tối ở nhà hát hay tham dự cuộc vui ở những tụ điểm giải trí trong thành phố với những người bạn cùng khu trọ. Cuối cùng, cả nhóm quyết định chung tiền để thuê một ngôi biệt thự nghỉ mát ở Point Pleasant (New Jersey), nơi họ thường xuyên qua lại trong một vài mùa hè. Lúc này Driscoll đã ngoài 40 tuổi, vẫn chưa lập gia đình và đang tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời.

Năm 1909, hôn nhân lần nữa vẫy gọi Driscoll khi bà kết hôn với người bạn cùng khu trọ và trở thành bà Edward Booth. Với lần kết hôn này, bà mãi mãi rời khỏi Tiffany Studios, tận hưởng cuộc sống hạnh phúc bên gia đình cho đến 35 năm sau khi bà qua đời ở tuổi 82.

Di sản tư liệu về cuộc đời của Driscoll cùng những thiết kế tuyệt đẹp bà từng cống hiến vẫn tiếp tục cuốn hút những người yêu thích đèn Tiffany và nghệ thuật kính màu trên toàn thế giới. Những chiều kích về tài năng, thành công và sự dấn thân của Clara Driscoll vào thời điểm phụ nữ chưa giành được quyền bầu cử càng làm sáng tỏ vốn hiểu biết của hậu thế về cả Tiffany Studios cũng như câu chuyện về những phụ nữ đi làm tại New York trong thế kỷ 20.

Theo The New York Times, Behind the scenes
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút và giữ chân giáo viên mầm non là một thách thức lớn đối với nhiều địa phương. Tại tỉnh Tây Ninh, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang trở thành một vấn đề nan giải, mặc dù ngành Giáo dục đã nỗ lực tuyển dụng.
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
(Ngày Nay) - Điện ảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng, khi sự cạnh tranh không chỉ dừng lại ở những tác phẩm nội địa mà còn đối diện với làn sóng mạnh mẽ từ các nền điện ảnh châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.