Triển lãm lần này do công ty TNHH Salmon tổ chức sẽ trưng bày 25 bản in từ các kiệt tác của những họa sĩ nổi tiếng như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm. Các tác phẩm được chọn lọc từ hơn 1000 tác phẩm đã qua thẩm định bởi nhà đấu giá danh tiếng Aguttes (Pháp). Không gian triển lãm tái hiện lại cách bày trí đặc trưng của Trường Mỹ thuật Đông Dương, mang đến trải nghiệm chân thực về thời kỳ hoàng kim của hội họa Đông Dương, khi dòng chảy mỹ thuật phương Tây hòa quyện với tinh hoa văn hóa Việt.
Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ và phong cách độc đáo, các họa sĩ Đông Dương đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử mỹ thuật hiện đại. Họ không chỉ khai phá những chất liệu và kỹ thuật mới mà còn góp phần đưa nghệ thuật Việt Nam lên bản đồ mỹ thuật quốc tế, tạo nên những chuẩn mực thẩm mỹ mang đậm dấu ấn Á Đông kết hợp cùng tinh thần hiện đại phương Tây.
Điểm đặc sắc của sự kiện không chỉ nằm ở triển lãm mà còn ở các phiên thảo luận do Charlotte Aguttes Reynier – chuyên gia hàng đầu về nghệ thuật hiện đại châu Á, điều phối. Bà Reynier là chủ tịch Hiệp hội Nghệ sĩ châu Á tại Paris (AAP), cũng là tác giả của cuốn sách "Nghệ thuật hiện đại Đông Dương" (L’Art Moderne En Indochine). Cuốn sách được biên soạn trong suốt 10 năm, là tài liệu quý giá ghi nhận vai trò của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong lịch sử nghệ thuật quốc tế.
Bà Charlotte Aguttes Reynier. Ảnh: Aguttes |
Tại tọa đàm nghệ thuật, bà Reynier sẽ cùng các hậu duệ của các tên tuổi lớn của nền mỹ thuật Đông Dương như: ông Nicola Baudo, hậu duệ của Victor Tardieu, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương; ông Arnaud Fontani, hậu duệ của nghệ sĩ Evariste Jonchère, hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương; ông Ngô Kim Khôi, cháu trai họa sĩ Nam Sơn; Yannick Vu-Jakober, con gái của họa sĩ Vũ Cao Đàm; bà Lebas con gái Jacques Lebas; ông Trịnh Lữ, con trai họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc… chia sẻ những câu chuyện đầy cảm xúc về tình bạn, sự hợp tác và những sáng tạo đột phá của Trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương trong giai đoạn 1925–1945. Những hồi ức từ hậu duệ của các họa sĩ không chỉ làm sáng tỏ hành trình nghệ thuật của các bậc tiền bối mà còn khơi gợi niềm cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Cụ thể, tọa đàm nghệ thuật sẽ mở màn với phần công chiếu video hội thảo "Sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương" được tổ chức tại Paris trong năm 2024. Phiên thảo luận đầu tiên sẽ tập trung vào ký ức về tình bạn giữa Jacques Lebas và Victor Tardieu. Tiếp theo là thảo luận về sự đổi mới của nghệ thuật hiện đại Đông Dương, đặc biệt là sự đóng góp từ các kỹ thuật truyền thống Trung Hoa. Vào buổi chiều, các phiên thảo luận sẽ tập trung vào vai trò của Évariste Jonchère trong việc phát triển nghệ thuật trang trí và đi sâu vào tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật đa văn hóa.
Có thể nói, tọa đàm nghệ thuật "Sự đổi mới của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương" không chỉ đơn thuần là một dịp kỷ niệm mà còn là cơ hội để tôn vinh giá trị di sản của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đây là bước đệm quan trọng để giới thiệu rộng rãi hơn nghệ thuật Việt Nam đến công chúng quốc tế, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy tinh hoa nghệ thuật dân tộc.
Với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và hậu duệ của các nghệ sĩ lớn, sự kiện hứa hẹn sẽ mang đến nhiều góc nhìn đa chiều về lịch sử và tương lai của mỹ thuật Đông Dương. Qua đó, công chúng sẽ hiểu rõ hơn về những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ, cũng như tình yêu mãnh liệt dành cho nghệ thuật của các thế hệ đi trước.
Charlotte Aguttes Reynier Là chuyên gia về nghệ thuật hiện đại châu Á, hiện bà giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội Các Nghệ sĩ Châu Á tại Paris (AAP). Bà tập trung nghiên cứu và tổng hợp tài liệu về nhiều khía cạnh của nghệ thuật hiện đại châu Á, đặc biệt là tác phẩm của các nghệ sĩ như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm.
Vào đầu năm 2024, bà đã ra mắt độc giả Việt Nam cuốn sách Nghệ thuật hiện đại Đông Dương, tác phẩm do chính bà lên ý tưởng và biên soạn từ năm 2014. Đây là ấn phẩm đầu tiên đề cập một cách toàn diện về vai trò của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong giai đoạn sáng tạo nghệ thuật nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường (1925–2025).
Cuốn sách, được viết bằng ba thứ tiếng, hé lộ một phần lịch sử nghệ thuật quốc tế đã bị che khuất suốt hơn 70 năm qua, mang đến cho độc giả bức tranh về một thời kỳ thi đua nghệ thuật vô cùng sôi nổi của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương dưới sự điều hành của Victor Tardieu và Évariste Jonchère. Giai đoạn từ 1925 đến 1945 cũng là thời kỳ có nhiều tên tuổi nổi bật, từ Inguimberty đến Alix Aymé, từ Nguyễn Phan Chánh đến Vũ Cao Đàm, qua Mai Trung Thứ và Lê Phổ. Các tác phẩm và cuộc triển lãm của họ đã khơi nguồn cho sự canh tân nghệ thuật hiện đại Việt Nam.
Tác phẩm của Charlotte Aguttes Reynier chú trọng vào việc diễn giải những bước đi quan trọng giúp hình thành nên tầng lớp nghệ sĩ ưu tú mà Tardieu luôn mong chờ. Bà làm sáng rõ những vùng tối, che phủ sự phong phú và tầm quan trọng của nền nghệ thuật trong thời kỳ này tại Đông Dương.
Charlotte Aguttes Reynier cũng là người điều hành Aguttes, nhà đấu giá hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực hội họa châu Á, đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá nghệ thuật Đông Dương ra thế giới. Với đội ngũ gồm nhiều chuyên gia về hội họa châu Á, Aguttes đã giới thiệu hơn 1000 tác phẩm từ các nghệ sĩ nổi bật như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm. Những nỗ lực này đã thiết lập nhiều kỷ lục thế giới, giúp các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế.