Trước thông tin một người đàn ông trú tại đường Quang Trung, phường 12, quận Gò Vấp (TP.HCM) đã đến UBND xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) trình báo và đưa ra tấm bản đồ ghi 3 vị trí chôn giấu vàng 4.000 tấn của quân đội Nhật để lại.
Chia sẻ trên báo Vietnamnet, cụ Trần Văn Tiệp (100 tuổi) - người gần nửa cuộc đời sống chết với “kho báu” Núi Tàu khẳng định, không bao giờ có “kho báu” ở khu vực đó vì gần biển không thể chôn vàng được.
“Tôi đã mất biết bao tiền của, công sức đi tìm vài chục năm nay rồi mà vẫn chưa thấy, bây giờ muốn nói có thì phải khẳng định bằng khoa học, máy móc chứ không thể nói miệng kiểu đó được”, cụ Tiệp nói.
Một trong 3 giếng cổ được cho là chứa kho báu. Ảnh: Báo Bình Thuận
Tờ báo trên cũng dẫn lời những cán bộ được UBND tỉnh Bình Thuận phân công theo dõi, giám sát quá trình thăm dò, tìm kiếm “kho báu” của của cụ Tiệp trước đây khi nghe thông tin mới về “kho báu” núi Tàu: “Không biết đến bao giờ câu chuyện ảo tưởng về “kho báu” này mới kết thúc. Nó không chỉ gây thiệt hại cho người bỏ công sức, tiền của ra tìm kiếm mà chính quyền còn phải cử người ra giám sát, rồi ảnh hưởng cảnh quan môi trường, trật tự trị an xã hội.
Khi được hỏi liệu có “kho báu” ở núi Tàu như những gì người trình báo đưa ra hay không, hầu như không một người dân địa phương nào tại Tuy Phong tin là có. Nhiều người cho rằng trước năm 1975 họ nhìn thấy trực thăng của Mỹ thường xuyên đậu trên đỉnh núi Tàu, dưới chân núi thì lính rào hết không cho ai lên, nếu có thì Mỹ với kỹ thuật tiên tiến đã lấy đi hết rồi.
Trước đó, thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, ngày 10/3, một nguồn tin cho biết ông H.V.Đ., sinh năm 1972 (ngụ Gò Vấp, TP.HCM), báo cho chính quyền địa phương ba địa điểm mới nơi quân đội Nhật Bản chôn giấu 4.000 tấn vàng sau Thế chiến thứ hai là khu vực Cửa Sứt, xã Phước Thể, Tuy Phong (Bình Thuận).
Ông Đ. cung cấp cho UBND xã Phước Thể sơ đồ chứng minh rằng hàng ngàn tấn vàng đang được giấu dưới ba cái giếng cổ. Theo đó, giếng thứ nhất cách biển 5m tại khu vực cửa Sứt. Giếng thứ hai cách biển 50m và cách giếng thứ nhất 500m về hướng nam. Giếng thứ ba cách biển 50m ở khu vực Đầm và cách giếng thứ hai 600m về hướng Nam. Cũng theo ông Đ., kho chứa vàng nằm ở độ sâu 7-10m, dưới lớp bê tông dày 40cm.
Theo ông Đ., ông đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu nhiều tài liệu và được biết Thế chiến thứ hai, Nhật Bản xâm lược 12 nước châu Á trong đó có Việt Nam đã cướp bóc nhiều vàng bạc, châu báu đưa về nước. Năm 1943, tàu ngầm của Mỹ phong tỏa tuyến vận chuyển bằng đường biển về Nhật Bản nên nhiều vàng bạc, châu báu, đồ cổ được họ chôn giấu ở Việt Nam và Philippines.
Ông Đ. khẳng định số tài sản cực lớn quân đội Nhật Bản chôn giấu tại ba cái giếng trên chứ không phải núi Tàu. Ông Đ. cũng cho biết đã đề nghị Viện Địa lý tài nguyên TP.HCM tiến hành các phương pháp địa vật lý để thẩm tra ba giếng nước này.
Q.Mai