Nhà máy điện hạt nhân Việt Nam – những cọc mốc quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cần nhiều thời gian, trải qua nhiều công đoạn, đánh dấu bằng nhiều cọc mốc. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều cọc mốc và từng bước hoàn thành các cọc mốc để nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có thể vận hành trước năm 2032, đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia và hướng tới phát triển bền vững.
Mô hình phối cảnh Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Mô hình phối cảnh Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Trung tâm Nghiên cứu Khoa học công nghệ hạt nhân – ưu tiên hàng đầu

Giáo sư Phạm Duy Hiển, chuyên gia năng lượng nguyên tử, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam khẳng định: Việc phát triển điện hạt nhân trở nên quan trọng và cần thiết trong bối cảnh năng lượng toàn cầu đang phải đối mặt với các thách thức lớn như tình trạng thiếu hụt nguồn năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, sự gia tăng nhu cầu năng lượng. Tái khởi động các dự án điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050 theo cam kết tại COP26 - Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.

Theo Giáo sư Phạm Duy Hiển, kinh nghiệm của các nước phát triển hạt nhân đều nghiên cứu, vận hành những lò nghiên cứu, từ đó xây dựng và phát triển thành một ngành công nghiệp hạt nhân. Tại Việt Nam, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chính thức vận hành ngày 20/3/1984 với công suất 500 kWt. Trải qua 40 năm hoạt động, các lĩnh vực nghiên cứu - triển khai của Viện đã đạt được nhiều kết quả đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể nói, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là bước đầu tiên trong việc đưa năng lượng nguyên tử vào Việt Nam và bước tiến xây dựng Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai sẽ là cọc mốc để Việt Nam có thể hoàn thành dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đúng tiến độ. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ đưa Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với lò nghiên cứu công suất lớn thành hạng mục ưu tiên hàng đầu trong chương trình phát triển điện hạt nhân Việt Nam hiện nay.

Giáo sư Phạm Duy Hiển cho rằng, việc hoàn thành và đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân sẽ là "cái nôi" đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam.

Sẵn sàng cho cọc mốc nhân lực dự án điện hạt nhân

Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Hiện nay, khoa học công nghệ hạt nhân được đánh giá là “xương sống” để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng. Thời gian qua, ngành năng lượng nguyên tử vẫn “lặng lẽ” chuẩn bị củng cố đội ngũ và nguồn nhân lực để sẵn sàng cho việc Việt Nam tái khởi động dự án điện hạt nhân.

Tái khởi động điện hạt nhân không chỉ là một quyết định chiến lược về an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững, đưa nền khoa học công nghệ của đất nước phát triển lên tầm cao mới. Để đảm bảo dự án thành công, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt. Nhận thức rõ vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những phương án xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia bài bản, lâu dài, đặc biệt là nguồn nhân lực cho quản lý và triển khai thực hiện dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân ở các giai đoạn khác nhau.

Đồng thời, Bộ đưa ra kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho vận hành đảm bảo an toàn, khai thác hiệu quả Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân sau khi đi vào hoạt động cũng như đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng, vận hành và phát triển nhà máy điện hạt nhân.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt Cao Đông Vũ, thời gian qua, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật và hợp đồng nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và các đối tác.

Các dự án tập trung vào các lĩnh vực như nâng cấp các hệ công nghệ lò phản ứng và chuyển đổi nhiên liệu lò phản ứng; nâng cấp và phát triển các thiết bị phục vụ phân tích kích hoạt nơ-tron và nghiên cứu vật lý hạt nhân; nâng cấp các dây chuyền công nghệ sản xuất dược chất; sản xuất thiết bị điện tử hạt nhân; thúc đẩy các nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ bức xạ, công nghệ sinh học, an toàn phóng xạ, xử lý thải phóng xạ, nghiên cứu môi trường…

Ngoài ra, Viện cũng tích cực tham gia vào các hợp tác đa phương khác như Hợp tác vùng châu Á-Thái Bình Dương, Diễn đàn hạt nhân châu Á và hợp tác trong khuôn khổ song phương với các phòng thí nghiệm quốc gia ở Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Hằng năm, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt phối hợp đăng cai tổ chức nhiều hội thảo quốc tế và các lớp huấn luyện chuyên ngành, tập trung vào các khóa huấn luyện về an toàn bức xạ, công nghệ lò phản ứng, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp và môi trường, quan trắc phóng xạ môi trường, ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân…

Phó Đại sứ Ishikawa Isamu, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định: Thời gian qua, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã dành nhiều tâm huyết và nỗ lực nghiên cứu về năng lượng hạt nhân, nỗ lực này đã đóng vai trò nền tảng để tái khởi động và thúc đẩy triển khai các dự án điện hạt nhân. Những đề tài về điện hạt nhân, công nghệ hạt nhân, thậm chí cả công nghệ lò phản ứng mô đun nhỏ (SMR) đã cho thấy Việt Nam vẫn giữ được sự liên tục và luôn sẵn sàng nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân./.

Phát hiện dấu ấn Pharaoh Ai Cập cổ đại tại Jordan
Phát hiện dấu ấn Pharaoh Ai Cập cổ đại tại Jordan
(Ngày Nay) - Một khám phá khảo cổ học đầy bất ngờ vừa được công bố tại vùng Đông Nam khu bảo tồn Wadi Rum của Jordan, hé lộ mối liên hệ lịch sử sâu sắc giữa Ai Cập cổ đại và vùng đất Trung Đông này.
Nhà thơ Nguyễn Duy sinh năm 1947 tại Thanh Hóa, ông là tác giả "Tre Việt Nam" được giảng dạy trong sách giáo khoa lâu nay
Nhà thơ Nguyễn Duy “tìm thân nhân” khắp ba miền
(Ngày Nay) - Sáng 20/4 tại hội trường Liên hiệp các Văn học Nghệ thuật TPHCM, nhà thơ Nguyễn Duy đã có buổi đọc thơ và giao lưu với chủ đề “Tìm thân nhân”. Đây là buổi đầu tiên trong chương trình đọc thơ của tác giả “Tre Việt Nam” dự kiến sẽ diễn ra tại Nha Trang, Huế, Thanh Hóa và Hà Nội nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên các lực lượng diễu binh, diễu hành của Bộ Quốc phòng tại Biên Hoà, Đồng Nai. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Thủ tướng động viên các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành
(Ngày Nay) - Chiều 19/4, tại tỉnh Đồng Nai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, kiểm tra, động viên các lực lượng Quân đội, dân quân tự vệ, Công an đang tập luyện để tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).