Theo thông tin từ gia đình, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác giả bút ký xuất sắc ''Ai đã đặt tên cho dòng sông'' đã qua đời vào ngày 24/7, hưởng thọ 87 tuổi.
Chỉ 18 ngày trước đó, người bạn đời của ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mất tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh mất trí nhớ của người già.
[Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - tác giả 'Khoảng trời, hố bom' qua đời]
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9/9/1937 tại làng Bích Khê, xã Triệu Long (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Thời niên thiếu, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh sống và học tập tại Huế. Sau khi học hết bậc trung học ở Huế năm 1960, ông chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh học tại Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1960, ông tốt nghiệp khóa I ban Việt Hán, Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn.
Sau đó ông quay trở lại Huế và tiếp tục việc học tại Trường Đại học Văn khoa Huế. Năm 1964, ông chính thức tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân Triết học tại ngôi trường này.
Trong khoảng thời gian từ năm 1960-1966, ông dạy tại Trường Quốc học Huế và tham gia tích cực vào các phong trào học sinh, sinh viên và giáo chức chống Mỹ, đòi độc lập, thống nhất đất nước.
Năm 1966-1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường tình nguyện thoát ly gia đình và di chuyển lên các chiến khu để góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoạt động cách mạng trên mặt trận văn nghệ. Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978.
Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên-Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường để lại cho đời nhiều tác phẩm: Về bút ký, truyện ký có “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” (1971); “Rất nhiều ánh lửa” (1979, Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980-1981); “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (1984); “Bản di chúc của cỏ lau” (1984); “Hoa trái quanh tôi” (1995); “Huế-Di tích và con người” (1995); “Ngọn núi ảo ảnh” (2000); “Trong mắt tôi” (2001); “Rượu hồng đào chưa uống đã say” (2001); “Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé” (2005); “Miền cỏ thơm” (2007); “Ai đã đặt tên cho dòng sông - Tinh tuyển bút ký hay nhất” (2010); về thơ, có “Những dấu chân qua thành phố” (1976); “Người hái phù dung” (1992).
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm bệnh nặng vào năm 1998, nhưng vẫn tiếp tục sáng tác. Đa số các tác phẩm trong giai đoạn này được đăng tải trên chuyên mục Nhàn đàm của Báo Thanh Niên. Các tác phẩm của ông thời gian sau này có: “Nhàn đàm” (1997); “Người ham chơi” (1998); “Miền gái đẹp” (Tặng thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2001), và “Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường” (2002).
Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, cùng đợt với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Gia đình và các văn nghệ sỹ sẽ tổ chức một lễ tưởng niệm cho nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vào ngày 30-31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên-Huế.