“Hồng Bàng Đất Mẹ Văn Lang” là tập nhạc gồm 50 ca khúc về lịch sử, với 140 trang, được in màu công phu, còn có cả những bản video, karaoke với những giọng ca chuyên nghiệp quen thuộc. Người đọc có thể dễ dàng dùng điện thoại quét mã QR để xem các ca khúc này được phát trên Youtube.
Phạm Đăng Khương nhạc sĩ đa tài
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương gắn bó suốt thời gian dài với Nhà Văn hóa Thanh Niên – một địa chỉ thu hút rất đông giới trẻ ở TPHCM. Từ năm 1977, khi còn là sinh viên khoa Toán trường Đại học Sư phạm TPHCM, anh đã theo học lớp Sáng tác ca khúc ở Nhà Văn hóa Thanh Niên. Sau này anh tiếp tục theo học âm nhạc và tốt nghiệp đại học chuyên ngành Lý luận - Sáng tác – Chỉ huy vào năm 1998 ở Nhạc viện TPHCM. Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương từng làm Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh Niên cho tới khi nghỉ hưu năm 2017. Anh cũng từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc TPHCM nhiều nhiệm kỳ.
“Hồng Bàng Đất Mẹ Văn Lang” là tập nhạc gồm 50 ca khúc về lịch sử |
Theo Nhà Văn hóa Thanh Niên, qua nhiều năm sinh hoạt và làm việc tại đây, anh đã viết rất nhiều ca khúc về thanh niên. Nhiều ca khúc của anh được chọn làm bài hát chính thức trong các dịp lễ hội lớn, như: “Sài Gòn 300 năm” (1998), “Thanh niên vì ngày mai” (bài hát chính thức của đại hội Đoàn TPHCM năm 1995), “Khi Tổ Quốc cần” (bài hát chính thức của Đại hội Thanh niên Việt Nam năm 2010)...
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương còn có nhiều ca khúc quen thuộc với công chúng, như: “Con đường đến trường”, “Khung trời mơ ước”, “Như cơn gió vô tình”, “Vầng trăng cổ tích” phổ thơ Đỗ Trung Quân, “Mùa hè sinh viên”...
Phạm Đăng Khương là người đam mê nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Ngoài việc sáng tác nhạc, giai đoạn sau này anh còn tự thiết kế phòng thu âm, quay phim, dựng phim, chụp hình nghệ thuật, đạo diễn những bản video và karaoke cho ca sĩ, thiết kế mỹ thuật các ấn phẩm âm nhạc, tham gia làm phim du lịch ở rất nhiều nước trên thế giới cho các công ty du lịch nổi tiếng.
Buổi ra mắt Hồng Bàng Đất Mẹ Văn Lang do Hội Âm nhạc TPHCM và Nhà Văn hóa Thanh Niên TPHCM tổ chức, nhằm giới thiệu công trình này với bạn đọc, những người yêu âm nhạc những ca khúc với hy vọng được công chúng đón nhận, đặc biệt là các em học sinh, giúp các em sẽ yêu thích hơn trong việc học môn lịch sử Việt Nam.
Bạn bè nói về Phạm Đăng Khương
Giáo sư – nhạc sĩ Thế Bảo: “Viết năm bài hát về lịch sử rất khó, viết năm mươi bài là vô cùng khó. Điều đó có thể đưa Phạm Đăng Khương vào danh sách Guiness Việt Nam.
Trong năm tháng, vừa viết, vừa thu âm, vừa làm năm mươi video, karaoke, trình bày mỹ thuật cho tập nhạc 140 trang không thể ngờ! Làm được như thế, cần phải có niềm say mê sáng tạo, khả năng tư duy, tìm cảm hứng từ những bài thơ, những tư liệu lịch sử để viết nên năm mươi ca khúc với nhiều sắc thái khác nhau”.
Nhà báo Quốc Vĩnh: “Tôi biết anh Khương lang thang khắp nơi, từ Mỹ đến Việt Nam, nhưng là người vô cùng yêu âm nhạc.
Rất bất ngờ khi biết anh một lần viết đến năm mươi bài hát về lịch sử Việt Nam. Tôi rất nể phục vì nghĩ rằng phải đọc và nghiên cứu kỹ càng lịch sử mới viết như vậy được.
Mặt khác, tâm hồn anh phải hướng về đất nước, phải yêu lắm quê hương này mới có được như thế.
Cảm phục hơn nữa khi được nghe những ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam thể hiện những ca khúc này, điều đó lan tỏa cho sử ca của Phạm Đăng Khương”.
Từ trái qua: nhà báo, nhiếp ảnh gia, tác giả Giản Thanh Sơn chụp hình tự sướng với nhà thơ Hồ Thi Ca và nhạc sĩ Phạm Đăng Khương |
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch: “…Ngoài chuyện sáng tác nhạc từ lúc học lớp 11 đến nay, Phạm Đăng Khương còn làm nhiều việc khác, đã từng làm phòng thu âm từ năm 2002, thu âm cho đài phát thanh, truyền hình, băng dĩa. Sau đó là quay phim, dựng phim, chụp hình nghệ thuật… Gần đây lại ra mắt tập nhạc về Phật
Giáo gồm cả video, karaoke. Không chỉ dừng lại đó, anh sẽ trình làng năm mươi ca khúc về lịch sử Việt Nam, được viết trong thời gian vài tháng, với phần tham gia của rất nhiều ca sĩ nổi tiếng. Đặc biệt là phần trình bày mỹ thuật cho tập ca khúc này cũng khá chuyên nghiệp, hy vọng làm vừa lòng những người yêu nhạc…”
Nhà văn Trần Nhã Thụy: “Phạm Đăng Khương là một nhạc sĩ không thích nghỉ ngơi. Nếu chọn nghỉ ngơi và dừng lại, hẵn ông cũng có thể yên tâm vì những ca khúc đã định danh mình. Nhưng không, tôi có cảm giác Phạm Đăng Khương luôn cố tình “phá vỡ” chính mình, vượt qua những lối mòn an toàn, tiếp tục khám phá bản thân, cũng chính là khám phá vẻ đẹp tiềm tàng của âm nhạc…”