Trong buổi họp báo hôm 13/6, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn, cho biết kinh phí tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc là kinh phí của Nhà nước kết hợp với xã hội hóa. Đặc biệt, nguồn kinh phí từ phía Nhà nước khá thấp vì gần đây có yêu cầu giảm chi phí tổ chức các hội nghị, hội thảo tối đa.
Hội Nhà văn Việt Nam sau có đã gửi công văn tới các địa phương để đề nghị hỗ trợ mua vé máy bay, vé xe đi lại cho các đại biểu tham dự hội nghị tại Đà Nẵng. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều đồng ý hỗ trợ chi phí đi lại, riêng tỉnh Lạng Sơn từ chối cấp kinh phí, còn TP Hà Nội không trả lời.
Theo ông Nguyễn Quang Thiều việc TP Hà Nội "ngó lơ" hai công văn xin hỗ trợ kinh phí của Hội Nhà văn Việt Nam "làm thất vọng những nhà văn trẻ".
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lập luận rằng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra năm ngoái tại Hà Nội đều khẳng định văn hóa có vai trò ngang bằng kinh tế, chính trị, và "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", nhưng thực chất các địa phương đang thực hiện chủ trương đó ra sao?
Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 có 138 đại biểu tham dự, trong đó có 119 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu đến từ các vùng miền trong cả nước, 19 đại biểu là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tuổi đời từ 35 trở xuống (sinh năm 1986, tính đến thời điểm năm 2021 là năm dự kiến tổ chức Hội nghị). Số lượng đại biểu tham dự đông nhất là các tác giả độ tuổi từ 22-33 tuổi, sinh từ năm 1992-2000.
Đây là dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi của các cây bút trẻ trên cả nước về công việc viết văn. Đây cũng là dịp để Hội Nhà văn Việt Nam lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hiểu được những người trẻ đang viết gì, có thái độ và trách nhiệm như thế nào với việc cầm bút. Từ đó, Hội Nhà văn Việt Nam, thế hệ đi trước có thể trợ giúp, đồng hành với họ trên chặng đường sáng tác nhằm đóng góp cho sự phát triển của văn học nước nhà.