“Thời điểm nghỉ việc, lương của tôi được 5,3 triệu đồng/tháng. Trừ các loại phí BHXH, BHYT, BHTN mỗi tháng cầm về chưa đầy 5 triệu. Thu nhập của chồng cũng chỉ 2 triệu/tháng. Ngần đó thu nhập không đủ trang trải sinh hoạt gia đình với 3 đứa con”- Tâm sự của cô giáo mầm non Nguyễn Thị Vân (xã Nam Tiến, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).
Có thể cô giáo Vân vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với bọn trẻ mầm non, cô vẫn coi như những đứa con, vẫn “làm vì đam mê”- như suốt 12 năm qua... nếu không có một biến cố.
Cô Vân nhớ lại, đó là “thời điểm khó khăn nhất” khi đứa con út bị đau ốm triền miên... mà mỗi lần về Hà Nội thăm khám là “mất nửa tháng lương”.
Vân, khi đó vẫn kiên trì tranh thủ giao nhận hàng sau mỗi giờ lên lớp để có thêm tiền chữa bệnh cho con. 30 ngàn đồng cho mỗi ngày ship hàng. Vâng, 30 ngàn đồng mỗi ngày, chứ không phải mỗi giờ. Thậm chí, Vân phải vượt qua nổi xấu hổ “người ta nhìn vào”- chuyện một cô giáo đi ship hàng.
Nhưng quyết định nghỉ việc như một sự phải đến khi Vân liệt dây thần kinh số 7. Nước mắt đã rơi rất nhiều khi cô giáo có 12 năm gắn bó với trẻ phải “lựa chọn nghiệt ngã”. Tâm sự của Vân, hiển hiện rất rõ trong đó mấy chữ “lực bất tòng tâm”.
Không có gì phải bàn cãi về lựa chọn của cô Vân cả. Người ta muốn sống, muốn đam mê, muốn cống hiến, muốn hy sinh thì cứ hẵng phải ấm cái bụng, phải đừng có “thiếu” đã.
Thời điểm cô giáo Vân nghỉ việc tháng 8 năm ngoái, trước Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) dẫn số liệu từ chính Bộ Giáo dục cho biết: Từ năm 2021 đến tháng 8/2022 đã có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, 6.000 trong số này là các cô giáo mầm non.
Là Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bà Mai Hoa nói qua giám sát cho thấy số giáo viên trường công chuyển sang tư rất ít. Và “Đây là hiện tượng không bình thường”.
Giáo viên từ trường công không sang trường tư thì họ đi đâu? Họ bán hàng online, họ chạy xe ôm công nghệ, họ làm bất cứ gì - trừ dạy học, để kiếm tiền.
Phép trừ, cho riêng cái nghề đã cả chục năm gắn bó như Vân- xác nhận nguyên nhân mà bà Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ ra rất rõ và rất đúng: Là vì “lương thấp”. Hay nói cách khác là “Không sống được bằng lương”. Một thực tế đã từ rất lâu.
Từ lâu là từ bao lâu?
Là từ trước 2010... rất lâu.
Còn 2010 là thời điểm mà một cựu bộ trưởng từng cam kết “Giáo viên sẽ sống được bằng lương”
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm học hôm 20/7, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng “tựu trung” giáo dục mầm non lại trong một từ khoá chính là “Thiếu”: Thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nhiều thứ…
Dẫn tới những cái thiếu này, thầy Bộ trưởng nói “có lẽ là thiếu vĩ mô, thiếu sự quan tâm đầy đủ ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương”. Bởi “nơi quan tâm nhưng lực bất tòng tâm, nơi có điều kiện thì tâm bất tòng lực”.
Mầm non là bậc học hình thành nhân cách, tình cảm... của mỗi con người. Lẽ ra phải là bậc học được quan tâm đầu tư nhất. Nhưng trong thực tế lại là bậc học có tỉ lệ kiên cố trường lớp thấp nhất, đời sống giáo viên thấp nhất. Cũng là khu vực “xã hội hoá” mạnh mẽ nhất, trong khi đáng lẽ phải “cần cả 2 để tăng cường phát triển giáo dục mầm non mới là sự quan tâm đúng”.
Thầy Sơn nói đúng lắm. Trong rất nhiều chữ thiếu của mầm non, nhiều đến mức phải dùng 3 dấu chấm (...) sau vô vàn những liệt kê, thì cái thiếu nhất lại là thiếu nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục mầm non.
Có lẽ, chỉ khi nào từ các nhà lãnh đạo, thiết kế chính sách, quản lý giáo dục, cho đến từng cá nhân trong xã hội thay đổi được nhận thức ấy thì giáo dục mầm non mới thôi “thiếu”, mới thoát cảnh “lực bất tòng tâm”.