Nhiều thách thức phải ứng phó trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (2013-2023), có thể thấy, đây là văn kiện quan trọng của Trung ương Đảng, định hướng mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn của Đảng đối với việc phát triển giáo dục và đào tạo trong tổng thể phát triển đất nước. Nhiều việc đã được triển khai và nhiều việc dù tình hình đã có thay đổi song vẫn thấy rất rõ ý nghĩa soi sáng, dẫn dắt, chỉ đạo sát, đúng trong cả hiện tại và tương lai.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.

Thể chế mở đường cho đổi mới giáo dục

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã đi qua 10 năm đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết 29/NQ-TW (Nghị quyết 29). Xin Bộ trưởng chia sẻ về những kết quả nổi bật mà ngành đã đạt được trong chặng đường vừa qua?

Nghị quyết 29 đã đề cập đầy đủ, sâu sắc đến các thành tố của giáo dục và đào tạo, cũng như những thành tố liên quan để đổi mới.

Trước hết, có thể khẳng định Nghị quyết 29 chính là chỗ dựa để thống nhất về quan điểm, tư duy, nhận thức đối với giáo dục và đào tạo. Trong 10 năm qua, đã có sự đổi mới, chuyển biến quan trọng trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, của người dân và toàn xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển của đất nước.

Từ nhận thức về vai trò của giáo dục và đào tạo, Đảng ta đã xác định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược cho sự phát triển của đất nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước”, từ đó đưa đến những quyết sách khác, những phương châm, hành động khác.

Một điểm rất quan trọng trong suốt 10 năm triển khai Nghị quyết 29 là việc chuyển đổi nền giáo dục từ nặng về trang bị kiến thức chuyển sang một nền giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Việc thể chế hóa Nghị quyết 29 cũng có nhiều kết quả. Rất nhiều tinh thần quan trọng của Nghị quyết 29 đã được Luật hoá, trong đó, một số luật quan trọng của ngành Giáo dục như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, một số Luật khác có liên quan của các Bộ, ngành đã được xây dựng, ban hành. Bên cạnh đó, các văn bản dưới luật của Chính phủ, các Bộ, ngành và các quy định cũng đã được triển khai khá đồng bộ. Thể chế đã mở đường cho đổi mới trong thời gian qua.

Về một số kết quả cụ thể, trước hết là sắp xếp lại hệ thống các cấp học để tạo ra tính mở trong nền giáo dục, đặc biệt là những đổi mới đầu tiên trong giáo dục phổ thông với việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đưa vào triển khai trong thực tế, bước đầu tạo ra được những thay đổi rất quan trọng. Việc dạy, học, kiểm tra đánh giá thường xuyên, các kỳ thi quan trọng - đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đều có sự đổi mới theo hướng trang bị kiến thức có tính chất nền tảng, phổ thông, quan trọng trong 9 năm đầu, tăng cường sự phân luồng, hướng nghiệp ở bậc Trung học Phổ thông.

Đi cùng với triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một chủ trương rất quan trọng đã được triển khai là huy động các nguồn lực xã hội trong đổi mới sách giáo khoa, với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” - việc này đã đem đến sự chủ động rất cao cho cơ sở giáo dục, cho giáo viên, học sinh.

Hiện nay, chặng đường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi được những bước rất quan trọng, một vài năm nữa sẽ kết thúc chu trình. Qua đánh giá sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua kết quả giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các đánh giá khác cho thấy, bước đầu, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã mang lại dấu hiệu rất tích cực, sự chủ động của cả giáo viên, học sinh, tạo ra những khí thế mới, tinh thần mới cho giáo dục phổ thông. Trong các bảng xếp hạng quốc tế, xếp hạng của giáo dục phổ thông Việt Nam đã gia tăng đáng kể.

Giáo dục đại học cũng có những bước chuyển biến rất quan trọng với việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong đó, vấn đề trung tâm là triển khai tự chủ đại học bước đầu đã đem lại khí thế mới, sinh lực mới, giải phóng sức sáng tạo của các trường đại học, tạo ra bước phát triển cho các trường đại học trong suốt thời gian qua.

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, giáo dục nghề nghiệp cũng có bước phát triển, tạo ra nhiều chỗ học tập cho người học, cũng như nâng cao chất lượng dạy nghề. Kết quả này cũng đã được các tổ chức quốc tế, trong nước và người dân đánh giá cao.

Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu Nghị quyết 29 đặt ra là tăng cường xã hội hoá trong giáo dục và đào tạo. 10 năm qua cũng là 10 năm tỷ lệ khối trường ngoài công lập từ bậc phổ thông đến đại học đã phát triển nhanh chóng, tạo thêm nhiều cơ hội học tập cho người học và giúp cho cơ cấu, tỷ lệ trong giáo dục được điều chỉnh. Đến thời điểm này, giáo dục ngoài công lập chiếm trên 20% trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân.

Những vấn đề còn khó triển khai hoặc chưa triển khai được là gì, thưa Bộ trưởng?

Nghị quyết 29 bao quát rất nhiều nội dung, công việc, đối tượng và yêu cầu rất cao, mục tiêu rất lớn, nhưng trong điều kiện còn hạn chế nhất định. Một số nội dung cốt lõi, trọng tâm của Nghị quyết đã thực hiện được nhưng cũng còn những nội dung chưa triển khai được hoặc chậm mà trong thời gian tới phải tiếp tục.

Một trong những nội dung Nghị quyết 29 đặt ra là từ sau năm 2020 thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm đối với học sinh phổ thông, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được một cách đầy đủ. Một số nội dung khác của Nghị quyết 29, quá trình thể chế hoá chưa kịp thời, đầy đủ, thậm chí còn một số quy định chưa thực sự đồng bộ, dẫn đến hạn chế về chất lượng triển khai.

Trong Nghị quyết 29 nêu một nội dung rất quan trọng, đó là “lương của nhà giáo được bố trí ở mức cao nhất trong thang bảng lương của khối hành chính sự nghiệp” nhưng thực tế còn khó khăn nên chưa thực hiện được như mong muốn. Nghị quyết 29 cũng yêu cầu ngân sách cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước, nhưng thực tế chưa đảm bảo được.

Một trong những trọng tâm của Nghị quyết 29 là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo đội ngũ vừa đủ về số lượng, chất lượng, cơ cấu. Thời gian qua, đội ngũ đã có bước phát triển rất quan trọng nhưng vì nhiều lý do, tình trạng nghỉ việc, chuyển việc đặt ra thách thức về việc đảm bảo số lượng giáo viên cho các môn học mới và cho các khu vực có yêu cầu cao về nhu cầu học tập. Bên cạnh đó, việc đảm bảo các nguồn lực cho đổi mới (số lượng trường, lớp, trang thiết bị dạy học...) còn có phần hạn chế.

Về công tác xã hội hóa, đối chiếu với các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 29, có thể thấy, việc huy động các nguồn lực xã hội, sự tham gia của người dân và tổ chức xã hội đối với giáo dục, phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập còn rất nhiều điểm nghẽn phải tích cực tháo gỡ.

Đủ quan tâm - đủ nhận thức - đủ nguồn lực

Vậy từ thực tiễn hiện nay, để tiếp tục triển khai Nghị quyết 29 trong giai đoạn tiếp theo, ngành Giáo dục và Đào tạo phải đối mặt với những thách thức như thế nào?

Chúng ta vừa khẳng định ý nghĩa đúng đắn, tầm nhìn của Nghị quyết 29 nhưng cũng đồng thời phải phân tích trong bối cảnh mới, thách thức mới, Giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức mà ở thời điểm ban hành Nghị quyết chưa có điều kiện phân tích và đề cập tới nhiều.

Trong đó, ở thời đại kinh tế thị trường đang phát triển mạnh, thời đại công nghệ số, không gian số, trí tuệ nhân tạo và các yếu tố mới xuất hiện, con người đang đứng trước thách thức mới để phát triển và có một cuộc sống hạnh phúc. Những yêu cầu về năng lực mới, kỹ năng mới, số lượng nghề nghiệp đổi mới nhanh, ranh giới rất mờ, liên ngành và tích hợp nhiều lên... Đây cũng là thách thức chưa được đề cập nhiều ở thời điểm ban hành Nghị quyết 29.

Khi nền kinh tế phát triển, đất nước phồn vinh hơn, đời sống cao hơn nhưng đứng trước việc phân hoá giàu - nghèo gia tăng thì nguy cơ mất bình đẳng trong giáo dục có thể sẽ gia tăng.

Một thách thức khác đến từ những mô hình trường học mới, mô hình giáo dục mới, phương pháp giáo dục mới, không gian giáo dục mới trong thời đại số. Chúng ta phải ứng xử với hệ giá trị, cả giá trị thực và giá trị ảo. Chúng ta thường nói tới bệnh thành tích, nhưng sẽ còn những vấn đề lớn phía trước, vấn đề của giá trị ảo, đối mặt với những vấn đề phi truyền thống.

Chúng ta đứng trước thách thức lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, kể cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. 10 năm về trước, chúng ta chưa bàn gay gắt đến vấn đề học sinh phổ thông tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài, các trường phổ thông tốt ở nước ngoài cũng thu hút học sinh của chúng ta. Các trường đại học cũng phải cạnh tranh nguồn lực khoa học với các trường đại học trên quy mô toàn cầu. Chúng ta mải miết với câu chuyện tự chủ đại học, với câu chuyện đầu tư nhưng chúng ta còn phải ứng phó với thách thức trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về giáo dục.

Bộ trưởng có thể chia sẻ về những công việc quan trọng cần làm trong chặng đường đổi mới tiếp theo?

Với tầm nhìn chiến lược của Nghị quyết 29 thì chặng đường phía trước còn rất nhiều việc phải triển khai. Đổi mới giáo dục khác với các lĩnh vực khác, vì các kết quả cần phải có thời gian mới nhìn nhận, đánh giá được một cách đầy đủ. Cho nên, trong chặng đường phía trước, điều cần thiết là phải rất kiên trì, nhất quán trong định hướng đổi mới để đạt được các mục tiêu lớn và quan trọng mà Nghị quyết 29 đã đề ra.

Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới cần một số cái “đủ”: Thứ nhất là đủ mức độ quan tâm. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương, đã quan tâm rồi thì quan tâm hơn nữa, đầy đủ, sâu sắc hơn nữa.

Thứ hai là đủ về nhận thức. Nghị quyết 29 đã tạo ra những thay đổi quan trọng, đổi mới về tư tưởng và nhận thức nhưng vẫn cần tiếp tục có sự đổi mới đầy đủ và toàn diện hơn nữa, đặc biệt là trước những vấn đề mới của thời đại đặt ra, để tiếp tục mở đường cho tinh thần đổi mới của giáo dục và đào tạo.

Thứ ba là đủ về nguồn lực để thực hiện. Đầy đủ nguồn lực bao gồm: đủ nguồn lực về con người (giáo viên), đủ nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất - đủ trường, đủ lớp, đủ trang thiết bị. Có đầy đủ như thế, công cuộc đổi mới mới như kỳ vọng và đạt được kết quả lớn hơn nữa trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp: Châu Âu cần bớt lệ thuộc vào Mỹ
(Ngày Nay) - Tổng thống Pháp cho rằng châu Âu cần cần thay đổi quy mô phòng thủ giúp châu lục này thiết lập đối thoại với các nước thứ ba, bớt lệ thuộc vào Mỹ và có khả năng đương đầu tốt hơn với các mối đe dọa.
UBND tỉnh Quảng Trị, T&T Group và Công ty năng lượng SK E&S ký kết hợp tác đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh
Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK
Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.