Nhìn thẳng vào dịch bệnh COVID-19

(Ngày Nay) - Dịch COVID-19 chưa biết đến lúc nào sẽ bị ngăn chặn, những tác động đến xã hội đã hiển hiện rõ và tất cả các ngành nghề đều đang tìm cách thích ứng với khó khăn trong mùa "bão dịch".
Nhìn thẳng vào dịch bệnh COVID-19

Những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã thể hiện quá rõ ràng và thiệt hại lớn là không thể tránh khỏi. Không chỉ riêng Trung Quốc bị ảnh hưởng, mà còn có rất nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới chịu chung tác động, trong đó có Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có con số thống kê cụ thể về những thiệt hại mà COVID-19 gây ra cho kinh tế-xã hội của Việt Nam; nhưng một số ngành như: du lịch, xuất nhập khẩu nông sản, vận tải hàng không… đã nổi rõ những sự thiệt hại vô cùng lớn. Mặc dù tổn thất là khó tránh khỏi nhưng ở một góc độ nào đó, vẫn có những tín hiệu tích cực được nổi lên trong “cơn bão dịch”  COVID-19.

Tổn thất là không thể tránh khỏi

Gia đình anh Trần Mạnh Hải, 40 tuổi, trú tại phường Lộc Vượng (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) đang phải đôn đáo tìm công việc làm thêm vì kinh tế gia đình lao đao khi không còn kiếm được khoản tiền kha khá nhờ vào việc trông xe trong dịp lễ hội phát ấn đền Trần. Do năm nay, lễ hội phát ấn đền Trần không được tổ chức nên công việc trông xe ô tô của gia đình anh Hải cũng coi như “mất mùa”.

Mọi năm, chỉ tính riêng trong 2 ngày 14 và 15 tháng Giêng âm lịch, nhờ vào bãi đất rộng của gia đình mà anh Hải trông giữ được từ 500 đến 700 lượt xe. Giá cả trông xe được thực hiện theo quy định của chính quyền, cũng có khi cao hơn chút ít thế nhưng ít nhất mỗi dịp lễ hội phát ấn đền Trần, gia đình anh Hải cũng thu được khoản tiền trên dưới 50 triệu đồng nhờ vào việc trông giữ xe ô tô. 

Không có nguồn thu từ việc trông xe ngày lễ hội, kinh tế gia đình anh Hải bị ảnh hưởng rõ rệt. Để ổn định kinh tế gia đình, vợ anh Hải đã xin đi làm thêm ca tại công ty may mặc, còn riêng bản thân người đàn ông này phải tính đến chuyện chạy xe ôm chở khách vào buổi đêm để kiếm thêm thu nhập. Khó khăn là vậy, nhưng anh Hải vẫn lạc quan cho rằng: Dịch thì dịch, trước sau gì cũng bị ngăn chặn mà thôi, năm nay thất thu nhưng sang năm kiểu gì cũng… gỡ lại. Chịu khó là có thêm thu nhập, kinh tế gia đình rồi sẽ ổn định mà thôi. 

Tại phường Lộc Vượng nói riêng và nhiều khu vực phụ cận của TP Nam Định nói chung, có rất nhiều trường hợp cùng cảnh ngộ với gia đình anh Hải. Mặc dù vậy, từ chính quyền thành phố cho đến các hộ gia đình tuy rằng luôn cảm nhận được thiệt hại đáng kể về việc dừng lễ hội nhưng tất cả đều quyết tâm vượt qua khó khăn để mà chống dịch. Nói như cách của anh Hải thì việc ngăn chặn dịch quan trọng hơn, còn sức khoẻ là còn tất cả…

Nhìn thẳng vào dịch bệnh COVID-19 ảnh 1
Nhìn thẳng vào dịch bệnh COVID-19 ảnh 2

UBND thành phố Nam Định đã quyết định dừng lễ hội Khai ấn đền Trần để phòng chống dịch bệnh COVID-19

Thống kê sơ bộ cho đến giữa tháng 2/2020 của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình - một trong những địa phương có nhiều du khách quốc tế ghé thăm nhất miền Bắc cho thấy, so sánh với với cùng kỳ năm 2019, nếu tính từ thời điểm 01/01/2020 đến nay, lượng khách du lịch đến Ninh Bình ước đạt khoảng 78%, nếu tính từ 01/02 (sau thời điểm công bố dịch) lượng khách đến Ninh Bình chỉ đạt khoảng 25-30%. 

Điều đáng nói là, dù năm 2020 là năm du lịch Quốc gia được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình nhưng trước bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19, chính quyền tỉnh này đã quyết định dừng rất nhiều lễ hội. Việc dừng lại lễ hội nằm trong chương trình năm du lịch Quốc gia chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến nghành du lịch tỉnh Ninh Bình, thế nhưng việc này là cần thiết để bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng trước “cơn bão dịch bệnh” COVID-19.

Không chỉ riêng Ninh Bình mà nhiều địa phương khác cũng đang phải chịu chung cảnh lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Theo ông Lê Hoài Chung - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thì trong ba tháng đầu năm 2020, ngành Du lịch Việt Nam sẽ tổn thất từ 5,9 đến 7 tỷ USD.  Cụ thể, theo tính toán, đối với thị trường Trung Quốc, khách du lịch sẽ giảm 90 - 100%, tương ứng giảm từ 1,7 - 1,9 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân 1.021 USD/lượt (theo kết quả điều tra năm 2019 của Tổng cục Du lịch), thiệt hại kinh tế sẽ là 1,8 - 2 tỷ USD.

Nhìn thẳng vào dịch bệnh COVID-19 ảnh 3

Chùa Bái Đính (Ninh Bình) cho dán rất nhiều các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh để khách hành hướng dễ dàng tiếp cận 

Nhìn thẳng vào dịch bệnh COVID-19 ảnh 4

Các hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh được Ban quản lý khu di sản Tràng An dán ở khắp nơi, các du khách được khuyến cáo phải thực hiện một cách nghiêm túc 

Đối với các thị trường khách quốc tế còn lại, khách du lịch giảm 50 - 70%, tương ứng lượng khách giảm từ 2 - 2,8 triệu lượt, với mức chi tiêu bình quân 1.083 USD/lượt, thiệt hại sẽ là 2,2 - 2,3 tỷ USD. Đối với thị trường khách nội địa, khách du lịch giảm 50 - 70%, tương ứng lượng khách giảm từ 10,9 - 15,3 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân 5,8 triệu đồng/lượt khách nghỉ qua đêm và 1,92 triệu đồng đối với khách không nghỉ qua đêm, thiệt hại sẽ là 1,9 - 2,7 tỷ USD.

Mới đây, thông tin về việc hãng hàng không Vietnam Airlines cho thuê máy bay khiến dư luận hết sức quan tâm vì đây vốn là chuyện… “xưa nay hiếm”. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành dịch vụ hàng không bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh, các chuyến bay đến Trung Quốc và nhiều vùng lãnh thổ khác đều bị hạn chế thì việc dư thừa máy bay là điều rất dễ dàng có thể nhận thấy. TS Lương Hoài Nam - Chuyên gia hàng không, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng: con số thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng của các hãng hàng không Việt Nam mới chỉ là ban đầu, nó sẽ còn lớn hơn nhiều nếu như dịch bệnh kéo dài.

Không chỉ du lịch, hàng không mà nhiều ngành khác như xuất khẩu nông sản, sản xuất công nghiệp và cả dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. 

Đối diện và vượt qua

Trong bối cách việc chống dịch được ưu tiên hàng đầu, khách du lịch sụt giảm nhưng theo ông Bùi Văn Mạnh - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình thì xét từ đầu năm 2020 đến nay, dù lượng khách suy giảm nhưng vẫn có những tín hiệu đáng mừng. Trong số những lượt du khách đến với Ninh Bình từ đầu năm cho tới nay, tỷ lệ khách quốc tế chiếm trên 40%, trong đó đa số đến từ các nước châu Âu, khách quốc tế có dấu hiệu tăng hơn so với năm trước. Điều này cho thấy, chúng ta vẫn giữ được sự ổn định đối với những thị trường trọng điểm. Hơn nữa, việc quyết liệt phòng chống dịch bệnh một cách nghiêm túc, chu đáo với chuyên môn cao cũng là những “điểm cộng” trong mắt du khách, tạo sức hút cho thời gian tiếp theo.

Đánh giá về kế hoạch triển khai năm du lịch quốc gia 2020, ông Mạnh cho rằng, việc dừng các lễ hội để chống dịch là phù hợp. Để đảm bảo kế hoạch của năm du lịch quốc gia 2020 thì Trung ương cùng tỉnh Ninh Bình sẽ có những chính sách phù hợp và chuẩn bị tốt các điều kiện để đảm bảo sự thành công theo như đã định. 

Trong khi đó, với việc dừng các lễ hội là việc tập trung đám đông sẽ được ngăn chặn, các hoạt động văn hoá có dấu hiệu mê tín dị đoan cũng vô tình được ngăn chặn. Theo nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹ, về mặt văn hóa, không chỉ là đại dịch COVID-19, mà mọi đại dịch vi khuẩn hoặc virus đều đem đến sự chấn động tâm lý lớn lao trong cộng đồng. Nhân loại đã tích lũy quá nhiều những ký ức về các đại dịch như vậy. Và cũng từ những thử thách đó, con người đã vượt qua và ngày càng khẳng định sức mạnh của khoa học và kỹ thuật, của tư tưởng nhân văn.

Nhìn thẳng vào dịch bệnh COVID-19 ảnh 5

Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹ 

“Biết mình biết người trăm trận trăm thắng” - binh pháp thời xưa đã nói như vậy. Nhưng kẻ thù của đại dịch như thế này thường có mấy đặc tính. Thứ nhất, đó là kẻ thù giấu mặt, chỉ có khoa học hiện đại mới có thể nhận ra được và trí tuệ thế giới đang quyết liệt tìm hiểu nó bằng kinh nghiệm và phương tiện y khoa hiện đại nhất, kỹ thuật y khoa đang gấp rút tạo ra vắc-xin và thuốc đặc trị.

Thứ hai, nó thuộc về con người cụ thể trong quan hệ giao tiếp trực diện, vì không biết ai là người mang virus nên mối quan hệ tin cậy bị ảnh hưởng. Thứ ba là nó ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống của từng cá nhân và cộng đồng. Cũng nhờ khoa học và kỹ thuật mà thông tin về đại dịch đến được với từng con người qua phương tiện truyền thông hiện đại. Cũng nhờ khoa học quản trị mà các nước trên thế giới đang tổ chức chống dịch một cách mạnh mẽ, quyết liệt nhưng bình tĩnh...

Nhìn thấy những giá trị của khoa học, kỹ thuật và nhân văn tức là đã bài trừ được mê tín dị đoan trong căn rễ của nó. Dừng tập trung đông người, dừng các lễ hội lớn là đúng đắn, góp phần khống chế dịch bệnh. Và trong chủ trương dừng đó, các hành vi mê tín ăn theo tín ngưỡng cũng sẽ giảm bớt đi. Đó là "tác dụng phụ" rất hữu ích của dịch bệnh. Chúng ta hướng đến điểm tích cực của nó và thấy rõ điều đó. Còn chống mê tín là một sự nghiệp lâu dài của khoa học. Điều chính yếu hiện nay là dẹp dịch cứu người, cái đó quan trọng hơn tất cả.  

Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đưa ra các giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất. “Có thể nói, những người chống dịch là những chiến sĩ xung kích bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những người sản xuất, kinh doanh để tăng cường bù đắp sự thiếu hụt cho nền kinh tế cũng là những người dũng cảm tiên tiến. Chúng ta cương quyết và có biện pháp mạnh mẽ không để giảm sâu tăng trưởng trong điều kiện có thể”. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch COVID-19 thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Vì vậy, thích ứng với tình hình hiện nay trong phát triển kinh tế để “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân là một yêu cầu để thảo luận tại phiên họp”.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đưa ra các giải pháp tốt hơn với tinh thần “bàn tiến không bàn lùi”, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, “việc hôm nay không để ngày mai”. Sự chậm trễ của bộ này, ngành kia, của tỉnh nọ, thành phố kia phải được khắc phục sớm hơn để thúc đẩy phát triển.

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.