Theo Huffington Post, các nhà nghiên cứu về cá bột (cá con mới nở) ngoài khơi Hawaii, Mỹ công bố phát hiện đáng lo ngại vào ngày 11/11. Theo đó, những hạt nhựa cực nhỏ trong nước biển đã hòa lẫn vào thức ăn của cá con.
Một số loại cá đã ăn các hạt nhựa này. Các nhà khoa học tin rằng việc ăn những hạt nhựa này sẽ khiến các con đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn.
Ban đầu, các nhà khoa học chỉ muốn nghiên cứu thói quen của một số loài cá bao gồm cá kiếm, cá bay... trong những tuần đầu tiên của chu kỳ sinh trưởng. Tuy vậy, trong lần lấy mẫu thử đầu tiên, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều nhựa hơn là cá.
Nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science.
Hầu hết cá bột ăn những vật chất phù du ở dòng thủy lưu tại vùng biển gần Hawaii. Thế nhưng, sự tồn tại những hạt nhựa siêu nhỏ đe dọa cuộc sống của chúng.
Nhóm nghiên cứu đã mổ 658 con cá ấu trùng và ghi nhận 8,6% đã ăn nhựa.
Ước tính có 8 triệu tấn nhựa bị đổ xuống đại dương mỗi năm. Loại rác thải này sẽ vỡ thành những hạt nhỏ theo thời gian. Mỗi hạt nhựa có kích thước 5 mm được gọi là microplastic. Chúng có kích thước tương đồng với các loài sinh vật phù du, thức ăn chính của cá con.
Trước đây, cá voi và nhiều loài chim trưởng thành cũng chết sau khi ăn phải một lượng lớn nhựa khó tiêu. Với hệ tiêu hóa chưa hoàn toàn phát triển, cá bột khi ăn hạt nhựa có tỉ lệ tử vong cao hơn gấp nhiều lần.
Ăn nhựa có thể gây tắc nghẽn đường ruột, tích tụ độc tố và suy dinh dưỡng ở cá, từ đó đe dọa hệ sinh thái thức ăn của các sinh vật đại dương và cả con người.