Có một cô bé Greta Thunberg ở Thái Lan

[Ngày Nay] - Bài phát biểu hùng hồn trước hội nghị môi trường của Liên Hợp Quốc của cô học trò 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg đã khiến cả thế giới xôn xao và làm dấy lên phong trào bảo vệ môi trường trong giới trẻ toàn cầu. Thái Lan cũng có một Greta Thunberg khác đang đóng vai “nữ chiến binh” âm thầm trong cuộc chiến chống rác thải nhựa.
Ralyn Satidtanasarn, 12 tuổi, được biết đến với biệt danh Lilly, dọn rác tại khu rừng và bãi biển thành phố Khung Bang Kachao ở Bangkok. AFP.
Ralyn Satidtanasarn, 12 tuổi, được biết đến với biệt danh Lilly, dọn rác tại khu rừng và bãi biển thành phố Khung Bang Kachao ở Bangkok. AFP.

“Anh hùng rác” 12 tuổi

Thay vì dành thời gian tại các lớp học thêm vào cuối tuần, Ralyn Satidtanasarn (được biết đến với tên gọi Lilly) lại chọn cách chèo thuyền dọc theo các con kênh ô nhiễm của thủ đô Bangkok để vớt rác thải và túi nilon.

Sau giờ học ở trường, thay vì nghỉ ngơi và đi chơi như những đứa trẻ khác cùng tuổi, Lilly lại chọn cách tham gia vào các buổi dọn dẹp do hiệp hội môi trường Trash Hero (Anh hùng Rác – ND) tổ chức.

“Em đang ở trong một cuộc chiến”, cô bé 12 tuổi vẫn giữ được tinh thần hang say sau một giờ miệt mài nhặt rác trôi trên kênh. “Em đã cố giữ tinh thần lạc quan, nhưng chứng kiến mọi thứ xung quanh càng làm em thêm mất bình tĩnh. Thế giới của chúng ta đang biến mất”, cô bé quả quyết.

Thái Lan hiện là quốc gia đứng thứ sáu trên toàn cầu về ô nhiễm đại dương, rác thải nhựa thực sự là một thảm họa đe dọa môi trường nước này. Túi nilon là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Thái, trung bình mỗi người dân tại Bangkok tiêu thụ 8 túi nhựa một ngày.

Trong bối cảnh học sinh khắp nơi trên thế giới sục sôi kêu gọi bảo vệ môi trường và phong trào của Greta Thunberg, Lilly lại lặng lẽ chọn cách gặp gỡ trực tiếp với các quan chức Thái Lan để vận động thay đổi chính sách sử dụng túi nilon. Ngoài ra, nữ sinh 12 tuổi trường Quốc tế St. Andrew cũng dành khoảng 3 đến 4 ngày một tuần để đến thăm các trường học khác để vận động cho chiến dịch chống rác thải nhựa.

Tuy nhiên, không phải lúc nào những hành động của cô bé được người lớn coi trọng.

“Khi thảo luận trực tiếp, một số người luôn tỏ ra hết sức bảo thủ. Em đã nói tất cả những khuyết điểm và lựa chọn thay thế đối với nhựa sử dụng một lần, nhưng họ chỉ nói em là một cô gái nhỏ và cô độc”, Lilly nhớ lại những giây phút khó khăn nhất của mình.

Có một cô bé Greta Thunberg ở Thái Lan ảnh 1

Thái Lan là nước xếp thứ sáu trên toàn cầu về ô nhiễm đại dương và nhựa sử dụng một lần. Nguồn: AFP.

Chuyến đi “nhớ đời”

Mọi chuyện bắt đầu vào mùa hè năm 2016, khi Lilly tới nghỉ mát tại một bãi biển miền nam Thái Lan cùng gia đình, nơi cô bé kinh hãi trước cảnh tượng rác thải tràn ngập khắp nơi. “Em đã vô cùng bối rối khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng này, bãi biển không hề giống như trong sách báo miêu tả. Sau đó em đã cùng bố mẹ cố gắng thu dọn sạch sẽ bãi biển ngày hôm đó, thế nhưng tới sáng hôm sau rác lại tràn ngập khắp nơi”, nhà hoạt động môi trường “nhí” nhớ lại.

Kể từ chuyến đi “nhớ đời” đó, Lilly đã có sự thay đổi trong nhận thức. Cô bắt đầu chiến dịch bảo vệ môi trường xung quanh bằng cách yêu cầu bạn bè, gia đình, nhà thờ, trường học và các cửa hàng địa phương tái chế và ngừng dùng các loại nhựa sử dụng một lần, cũng như gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương.

Hai tháng sau, văn phòng chính quyền địa phương đã gửi email lại cho cô bé và nói rằng họ không chịu trách nhiệm cho việc sử dụng nhựa và đề nghị cô bé liên hệ với các doanh nghiệp để kiến nghị.

Vì vậy, Lilly (khi đó 9 tuổi) đã cùng mẹ đến trung thương mại ẩm thực nổi tiếng Central Food Hall và yêu cầu được nói chuyện với người quản lý - và đó là lần đầu tiên một doanh nghiệp bỏ thời gian gặp Lilly.

Sau khi nghe bài thuyết trình của cô bé về việc giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, quản lý trung tâm ẩm thực đã bắt đầu triển khai các chương trình “xanh” như sáng kiến không sử dụng túi nilon trong một ngày mỗi tháng - chiến thắng đầu tiên trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường của Lilly.

Trước đó, cô bé đã tìm tới tòa nhà chính phủ để được gặp mặt Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, tuy nhiên mong muốn của Lilly đã không được đáp ứng. “Em đã tự nhủ rằng nếu chính phủ không lắng nghe ý kiến của mình, thì cần phải nói chuyện trực tiếp với những người phân phối túi nilon và thuyết phục họ dừng lại”, Lilly giải thích.

Trong tháng 9/2019, một số thương hiệu bán lẻ lớn tại Thái Lan, bao gồm cả cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, đã cam kết sẽ ngừng cung cấp túi nilon vào tháng 1 năm sau.

Có một cô bé Greta Thunberg ở Thái Lan ảnh 2

Lilly sử dụng một tấm ván chèo để thu gom rác thải nhựa từ một con kênh ở Bangkok. Nguồn: AFP.

Mặc dù Thái Lan không thiếu những hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường - từ làn sóng của học sinh và sinh viên tại các thành phố lớn, cho đến làn sóng biểu tình của người dân miền Nam chống lại các nhà máy than, thế nhưng chiến dịch của Lilly lại đem tới sự khác biệt.

“Em không chọn cách biểu tình. Em muốn nói chuyện với mọi người hơn. La hét vào mặt người khác không phải là cách để chạm vào được trái tim của họ. Chỉ giao tiếp bằng lời nói mới có thể giúp họ nhận ra vấn đề”, cô bé trần tình.

Hành động vì tương lai

Được truyền thêm cảm hứng từ Greta Thunberg, Lilly đã rất táo bạo khi tìm tới “gõ cửa” các cơ quan chính phủ Thái Lan. “Greta Thunberg đã cho em sự tự tin. Khi người lớn không làm gì cả, điều đó thôi thúc trẻ em phải hành động”, cô bé nói.

Đáng tiếc, Lilly đã không có mặt tại thành phố New York hồi cuối tháng 9 để cùng với Greta Thunberg bày tỏ ý kiến của mình. “Vị trí của em là ở đây, cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường cũng đang diễn ra ở Đông Nam Á”, Lilly chia sẻ.

Có một cô bé Greta Thunberg ở Thái Lan ảnh 3

Các nhà hoạt động môi trường khác luôn dành những lời ngợi khen cho nữ sinh 12 tuổi, nhưng cũng cho rằng chiến dịch phản đối túi nilon của cô bé đi ngược lại lợi ích lớn của nhiều công ty. Trở ngại chính là ngành công nghiệp hóa dầu, một trong những thị trường chính của nhựa, chiếm 5% GDP Thái Lan và tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho Thái Lan.

“Lilly đã góp phần tạo ra tiếng nói mạnh mẽ cho giới trẻ Thái Lan về vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng quyền lực của các doanh nghiệp là không thể phủ nhận và điều đó làm cho bất kỳ thay đổi nào cũng trở nên khó khăn”, anh Nattapong Nithi-Uthai, người đã thành lập một công ty biến rác thải thành dép tông thời trang, cho biết.

Tuy nhiên, Lilly vẫn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của cha mẹ mình, những người giúp đã giúp con gái mình soạn thảo bài phát biểu trước các quan chức chính phủ và nhiều doanh nghiệp. Bản thân bà Sasie – mẹ của Lilly, cũng từng là một nhà hoạt động môi trường.

“Ban đầu, tôi nghĩ đó chỉ là ý nghĩ nhất thời của Lilly, tuy nhiên sau khi thấy con bé kiên định với hành động của mình, tôi đã chuyển sang hoàn toàn ủng hộ và hỗ trợ con bé”, ánh mắt bà Sasie ánh lên một thoáng tự hào.

Dư luận Thái Lan đã bắt đầu thay đổi tư duy về túi nilon trong năm nay, sau cái chết của chú bò biển Marium nổi tiếng trên mạng xã hội. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy các mảnh vụn nhựa mắc trong ruột Marium, dẫn đến viêm và tích tụ khí, cũng như nhiễm trùng đường hô hấp và tích tụ mủ. Bài đăng về cái chết của bò biển Marium đã nhận được hơn 40.000 lượt chia sẻ với hơn 11.000 bình luận bày tỏ sự đau buồn và tiếc nuối.

Sự ra đi của Marium đã làm hồi sinh cuộc thảo luận của chính phủ Thái Lan về đề xuất cấm hầu hết các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2022. Hiện tại, các nhà hoạt động trẻ như Lilly có thể giúp thu hút thêm sự chú ý của dư luận trong nước.

Nhiều người cho rằng cần phải có cơ chế xử phạt thích hợp để ngăn ngừa thói quen sử dụng tràn lan túi nilon của người Thái Lan.

“Người lớn có thể lờ đi thực trạng trước mắt hay các phong trào vận động bảo vệ môi trường, nhưng rất khó để họ trả lời câu hỏi của con trẻ: ‘Tại sao người lớn lại đang phá hủy chính môi trường sống tương lai của bọn con?”’, bà Kakuko Nagatani-Yoshida, điều phối viên về hóa chất, chất thải và chất lượng không khí Môi trường LHQ tại khu vực Đông Nam Á, chia sẻ.

Lilly hiểu chiến dịch của mình vẫn là chưa đủ để thay đổi được nhận thức của mọi người xung quanh về thói quen sử dụng đồ nhựa và túi nilon. Cô bé đang tìm cách tác động tới các nhà lập pháp để yêu cầu đưa các bài học về môi trường vào chương trình giảng dạy ở các trường học Thái Lan.

Nhà bảo vệ môi trường 12 tuổi hy vọng rằng tất cả mọi người ở Thái Lan sẽ bắt đầu với những thay đổi nhỏ như mang túi vải để mua đồ.

“Em là một cô bé 12 tuổi và em có thể làm điều này. Nếu em có thể làm được thì mọi người đều làm dược. Chỉ một hành động nhỏ tại thời điểm này cũng có thể giúp làm trong sạch hơn cho thế giới trong tương lai”, Lilly kêu gọi mọi người hưởng ứng với chiến dịch của mình.

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.