Các nhà khoa học mới đây đã công bố những bản ghi đầu tiên của những âm thanh được thu lại từ điểm sâu nhất trên bề mặt trái đất - Vực thẳm Challenger thuộc rãnh vực Mariana.
Vực Mariana hay vũng Mariana, là rãnh đại dương sâu nhất mà con người từng biết đến và là nơi sâu nhất trong lớp vỏ Trái Đất. Nó nằm trên phần đáy của khu vực tây bắc Thái Bình Dương.
Rãnh có chiều dài khoảng 2.550 km nhưng chiều rộng trung bình chỉ vào khoảng 69 km. Phần đáy của rãnh này thấp dưới mực nước biển một khoảng cách lớn hơn nhiều khi so với đỉnh Everest ở trên mực nước biển. Độ sâu tối đa của rãnh này là 10.971 m theo các phép đo gần đây nhất.
Đã có nhiều những nghiên cứu về rãnh Mariana trong quá khứ, tuy nhiên các kết quả thu thập được mới dừng ở mức quan sát bởi các điều kiện về kỹ thuật của con người chưa cho phép khám phá hoàn toàn ở nơi được coi là có môi trường khắc nghiệt nhất dưới lòng đại dương.
Trong các bản ghi âm được công bố người ta nghe thấy những tiếng "rên rỉ kỳ lạ", hòa lẫn với âm thanh "trầm" nhưng thỉnh thoảng lại "rít lên the thé" được mô tả như sự ồn ã của "địa ngục". Dù chưa nói lên được điều gì nhưng với những bản ghi âm đầu tiên này đã phần nào sáng tỏ cho chúng ta biết về những âm thanh đang tồn tại ở Mariana.
Thực tế, việc nghiên cứu rãnh Mariana gặp nhiều khó khăn bởi áp suất ở dưới độ sâu 10 nghìn mét hoàn toàn có thể đè bẹp bất cứ thứ gì được đưa xuống nơi đây. Chính bởi vậy việc ghi lại những âm thanh dưới khe vực cũng là một điều nan giải.
Theo nhà hải dương học Robert Dziak thuộc Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, nhóm của ông đã đưa một máy ghi âm nhỏ được bọc titan xuống Vực thẳm Challenger, điểm sâu nhất của rãnh, và ghi lại mọi âm thanh trong 23 ngày liên tiếp.
Với sức ép lên đến 11.318 tấn/m2 tương đương với 50 máy bay phản lực đè lên người và là nơi không có một tia ánh sáng mặt trời nào chiếu xuống, thực tế rãnh Mariana lại ồn ào hơn nhiều so với người ta tưởng tượng. Người ta còn ghi lại những âm thanh của những con cá voi vang xa khắp cả chiều dài của rãnh vực.
Ngoài ra trong các bản ghi, các nhà khoa học còn nghe thấy rõ âm thanh tàu thuyền đi lại trên bề mặt cùng với các rung chấn động đất.
Từ những thành quả thu được này, NOAA đang hy vọng sẽ sử dụng các bản ghi âm để thiết lập một cơ sở dữ liệu âm thanh tại khu vực sâu nhất của Thái Bình Dương.
Bằng cách thức trên họ có thể xác định được tính chất mà các âm thanh truyền dẫn ở dưới các vùng nước sâu để nghiên cứu phương thức giao tiếp âm thanh trong việc điều hướng và tìm thức ăn ở một số loài như cá voi hay cá heo.
Robert Dziak hy vọng sẽ trở lại rãnh Mariana để thu thập thêm nhiều dữ liệu và trong tương lai sẽ khám phá các vùng nước sâu của Bắc Băng Dương - nơi đang dễ tiếp cận hơn trong các mục đích nghiên cứu khoa học do hậu quả của việc băng tan.
"Nó cũng giống như việc gửi một tàu thăm dò vào không gian để nghiên cứu vũ trụ", Dziak nói với Gizmodo. "Chúng tôi đang gửi một tàu thăm dò vào nơi sâu nhất của đại dương để khám phá những điều mà chúng ta chưa hề biết tới".
J.K