Đây đều là những câu chuyện đời thực được gửi đến chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” do tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Ủy ban Dân tộc triển khai. Chiến dịch kêu gọi cộng đồng chia sẻ những câu chuyện cá nhân của mình, khẳng định tầm quan trọng của giáo dục và truyền cảm hứng cho những trẻ em gái dân tộc thiểu số tiếp tục đi học, đặc biệt là sau sự gián đoạn bởi đại dịch COVID-19.
Theo ước tính của UNESCO, trên thế giới, hơn 11 triệu học sinh nữ – từ bậc mầm non đến đại học – có thể đã không trở lại trường học trong năm 2020. Chiến dịch toàn cầu #KeepingGirlsinthePicture - “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” do Liên minh Giáo dục toàn cầu phát động hướng tới mục tiêu đảm bảo việc học tập của trẻ em gái không bị gián đoạn trong thời gian đóng cửa trường học, tạo môi trường an toàn cho trẻ em gái khi các cơ sở giáo dục mở cửa trở lại, đồng thời kêu gọi nỗ lực bảo vệ những tiến bộ đã đạt được trong giáo dục cho trẻ em gái.
Tại Việt Nam, chiến dịch được triển khai trong khuôn khổ dự án “Chúng tôi CÓ THỂ - Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn”, thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Dự án do UNESCO phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Ủy ban Dân tộc triển khai, với sự hỗ trợ của tập đoàn CJ của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng và Ninh Thuận.
Chiến dịch khuyến khích những câu chuyện đời thực từ cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục đối với cuộc sống của chúng ta, nhất là với trẻ em gái. Gần 50 câu chuyện truyền cảm hứng đến từ các vùng miền, dân tộc, ngành nghề khác nhau đã được gửi đến UNESCO. Những câu chuyện đến từ các dân tộc Tày, Thái, Êđê, H’Mông, Mường, Sán Chay, Xtiêng, Khmer, Hoa, Chăm, Kinh sống trải dài trên khắp mọi miền đất nước. Họ là học sinh, giáo viên, nhân viên công tác xã hội, nữ doanh nhân, diễn giả truyền cảm hứng, v.v.
Cô giáo Hà Ánh Phượng, người được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu, cũng tham gia ủng hộ chiến dịch. Trên Facebook UNESCO Office in Viet Nam, chiến dịch đã có gần 300.000 lượt tiếp cận và 40.000 lượt tương tác organic (không sử dụng quảng cáo). UNESCO sẽ là cầu nối mang những câu chuyện đó đến những trẻ em gái và trẻ em trai dân tộc thiểu số, những bậc phụ huynh và cộng đồng trong địa bàn dự án “Chúng tôi CÓ THỂ”.
“Giáo dục thay đổi cuộc sống của chúng ta. Khi trẻ em gái dân tộc thiểu số nghe được tiếng lòng và những câu chuyện đời thực từ những người từng trải, bạn bè đồng trang lứa, hay từ những con người đồng cảnh ngộ, thông điệp về lợi ích của việc học tập sẽ trở nên gần gũi và thuyết phục hơn với các em. Chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn những bạn đã mang đến những câu chuyện của chính mình để truyền cảm hứng cho các em học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái, giúp các em đạt được nguyện vọng và mơ ước của bản thân thông qua con đường học tập.” - Ông Toshiyuki Matsumoto , Trưởng ban Giáo dục, văn phòng UNESCO tại Việt Nam.
“Trong mỗi câu chuyện gửi tới, bên cạnh những hoàn cảnh chung là nỗi niềm riêng của các tác giả và nhân vật. Hành trình nỗ lực bước tiếp trên con đường học tập đã đưa họ tới những điểm đến đầy tự hào, và chắc chắn những đích đến tuyệt vời hơn vẫn đang tiếp tục chờ đợi họ phía trước. Mỗi câu chuyện người thật, việc thật đó sẽ truyền lửa cho học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái, nỗ lực học tập, vượt qua khó khăn, để bức tranh tương lai của các em sẽ nhuộm những màu sắc rực rỡ và tươi vui.” - Bà Bế Thị Hồng Vân, Giám đốc Ban quản lý dự án EMPS, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc.