Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ
Nghị định 153/2018 có hiệu lực từ ngày 24/12 quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 đến năm 2021, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng như sau: Mức điều chỉnh sẽ được tính bằng mức lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu.
Nếu nghỉ hưu năm 2018, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 12,3%; thấp nhất là 1,08%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH. Nếu nghỉ hưu năm 2019, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018-2021 và số người có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH là khoảng 91.000, gồm 20.500 người nghỉ hưu vào năm 2018; 22.000 người vào năm 2019; 23.500 người vào năm 2020 và 25.100 người vào năm 2021.
Miễn học phí với trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn
Có hiệu lực từ ngày 1/12, Nghị định 145/2018 nêu rõ ngoài 15 trường hợp đã được miễn học phí theo quy định trước đây thì từ năm học 2018-2019 (tức từ ngày 1/9/2018), Nhà nước miễn học phí đối với trẻ học mẫu giáo 5 tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo...
Nhiều trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh
Nghị định 146/2018 có hiệu lực từ ngày 1/12 quy định hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Y tế đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 đến khởi nghĩa tháng tám năm 1945; mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; trẻ em dưới 6 tuổi...
Học viên lái xe được đào tạo trên thiết bị mô phỏng
Theo Nghị định 138 sửa đổi quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe có hiệu lực từ tháng 1/12, phòng học lái xe phải được trang bị phương tiện nghe nhìn phục vụ giảng dạy như băng đĩa, đèn chiếu; có hình hoặc tranh vẽ mô tả thao tác lái xe cơ bản như điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng; có xe được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng và có thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe...
Ngoài ra, văn bản cũng quy định tiêu chuẩn chung giáo viên dạy lái xe, như phải đáp ứng tiêu chuẩn với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp về giáo dục nghề nghiệp. Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, ở các chuyên ngành luật, công nghệ ôtô, công nghệ kỹ thuật ôtô, lắp ráp ôtô...
Tạm ngừng nhập khẩu một số loại phế liệu
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BCT quy định danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu.
Danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu gồm: Thạch cao; thạch cao khan; thạch cao plaster đã hoặc chưa nhuộm màu, có hoặc không thêm một lượng nhỏ chất xúc tác hay chất ức chế.
Xỉ hạt từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; xỉ, xỉ luyện kim, vụn xỉ và các phế thải khác từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; xỉ, tro hoặc cặn, có chứa kim loại, arsen hoặc các hợp chất của chúng;
Các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng hoặc các dạng tương tự, các hợp chất hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử cũng nằm trong danh mục này.
Ngoài ra, giấy loại hoặc bìa loại thu hồi; tơ tằm phế liệu; phế liệu lông cừu hoặc lông động vật loại mịn hoặc loại thô, kể cả phế liệu sợi nhưng trừ lông tái chế... cũng phải tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu.
Thông tư nêu rõ danh mục phế liệu trên không áp dụng đối với trường hợp kinh doanh chuyển khẩu theo hình thức hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu, không qua cửa khẩu Việt Nam.
Đối với những lô hàng phế liệu đã làm thủ tục hải quan tạm nhập, chuyển khẩu trước ngày thông tư có hiệu lực, được tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định hiện hành.
Thông tư 41 có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2018 đến hết ngày 31/12/2019.
Không được tổ chức họp kết hợp tham quan, nghỉ mát
Có hiệu lực từ ngày 25/12, Quyết định 45/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng về chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính Nhà nước là quy định 5 trường hợp không tổ chức họp.
Trong đó có họp kết hợp với tham quan, giao lưu, nghỉ mát hoặc dùng hình thức họp để tổ chức vui chơi, giải trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Họp giải quyết các công việc thường xuyên trong tình hình có thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp; họp giải quyết công việc đã được phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới giải quyết…