Chờ đợi hàng năm để được đi học mầm non
Chuẩn bị cho con đi học mầm non vô cùng tỉ mỉ
Để đưa một em bé ở Nhật đi học mầm non, người mẹ cũng phải trải qua kha khá sự chuẩn bị, và bắt đầu phải làm quen dần với triết lý giáo dục tỉ mỉ ở đây. Mỗi ngày, mẹ phải chuẩn bị cho bé 5 chiếc bỉm (đối với những bé chưa cai bỉm), tạp dề và nhiều khăn gaze (khăn xô) cho bé dùng trong ngày, quần áo thay dự phòng, tất cả đều phải ghi tên của bé. Chăn và vỏ nệm riêng cho em bé cũng sẽ được mang tới dùng trong tuần và mang về vào mỗi cuối tuần để giặt và phơi sạch.
Nhà trường cũng căn cứ vào giai đoạn phát triển tự nhiên của trẻ để yêu cầu phụ huynh chuẩn bị cho trẻ học các kỹ năng mới: Khi các bé được 2 tuổi, chúng tôi phải chuẩn bị cho các bé bàn chải đánh răng tới lớp để tập đánh răng sau mỗi bữa ăn. Cha mẹ cũng phải chuẩn bị việc cai bỉm dần cho trẻ bằng cách phối hợp dạy trẻ đi vệ sinh và ngồi bô.
Giai đoạn này tôi cũng phải mua quần áo pijama mà phần áo có cài cúc để bé tập mặc quần áo. Lũ trẻ được yêu cầu không đeo bất cứ thứ trang sức nào để đảm bảo sự an toàn nhất có thể và được khuyến khích mặc quần áo mềm dễ cử động.
Bản đồ nhà trường ở cửa ra vào có chú thích quãng đường tản bộ mỗi ngày và ghi chú các khu vực cần chú ý nguy hiểm.
Bù lại, chúng tôi cũng nhận được sự chu đáo hết mực của nhà trường. Mỗi tháng, chúng tôi đều được phát những tờ khóa biểu thông báo chi tiết lịch hoạt động trong tuần, trong tháng của các bé, thời khóa biểu giờ chơi và thực đơn món ăn trong ngày. Mỗi ngày, hoạt động của bé cũng được các cô mô tả tỉ mỉ trong sổ liên lạc. Điều tôi thích là cô giáo ít nhận xét về cá tính của trẻ, trẻ ăn ít hay nhiều, những thứ khiến cha mẹ thường hay lo ngại tiêu cực, mà cô tập trung miêu tả những mặt tích cực của bé.
Đến giờ, việc đọc sổ liên lạc của con là niềm vui nho nhỏ của gia đình tôi vào mỗi bữa cơm, đơn giản chỉ là khi biết được hôm nay đi chơi, bé nhà mình nhìn thấy con chó đã bắt chước tiếng chó kêu oăng oăng và cười vui như thế nào, hay bé đã kêu lên thích thú khi nhìn thấy máy bay khi đi dạo ra sao.
Triết lý giáo dục nhân văn và tuyệt vời
Ngay ở cửa ra vào của nhà trẻ, mỗi ngày, chúng tôi đều được nhìn một bữa ăn trong ngày của bé được bày biện trong hộp mica sạch sẽ.
Bữa cơm hàng ngày cho bé.
Nếu cha mẹ có kiến nghị gì đặc biệt, họ có thể ghi ra giấy gửi nhà trường hoặc điền trực tiếp vào các phiếu điều tra. Nhà trường còn cẩn thận phát thêm các tờ rơi hướng dẫn công thức nấu các món mà trẻ em thích để cha mẹ có thể thực hành.
Bữa ăn thử do trường mời phụ huynh tới ăn và tham khảo ý kiến về khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ.
Cách thức người Nhật thể hiện sự tỉ mỉ trong việc giáo dục và liên lạc với phụ huynh khiến chúng tôi thấy cảm động. Để ra vào nhà trẻ, chúng tôi phải qua ba cửa ra vào, trong đó có một cửa soát thẻ từ mà chỉ phụ huynh học sinh mới được cấp thẻ để đảm bảo an toàn cho lớp học. Ngay ở cửa ra vào của nhà trẻ là nước rửa tay sát trùng để cha mẹ có thể rửa tay trước khi tiếp xúc với con trẻ. Ở đây cũng treo bản đồ khu vực nhà trường, ghi chú những khu vực nguy hiểm như nắp cống, chỗ đông xe cộ qua lại… để cha mẹ lưu ý và đảm bảo an toàn cho bé.
Tuy nhiên, điều tỉ mỉ phiền toái nhất đối với tôi đó là việc mỗi ngày các cô đều đo nhiệt độ cho bé. Chuyện này sẽ không có gì làm phiền phức nếu như con tôi không có hẳn một giai đoạn hễ cứ sáng ra là cơ thể hơi sốt nhẹ. Chỉ cần bé đạt mốc 37,5 độ là nhà trường sẽ yêu cầu mẹ đưa bé về để đảm bảo bé được chăm sóc tốt nhất và không lây bệnh cho các bạn khác. Sự cẩn thận này đôi khi khiến tôi dở khóc dở cười vì cứ hễ về tới nhà là bé lại hạ nhiệt và coi như mẹ mất trắng ngày hôm đó không thể đi làm.
Xem thêm:
- Cận cảnh một giờ học về thiên nhiên của trẻ mẫu giáo Nhật
- Một buổi trưa tại trường mẫu giáo ở Nhật
Theo Trí thức trẻ