Tam Đảo là miền rừng núi của tỉnh Vĩnh Phúc, nằm giữa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, chỉ cách Hà Nội hơn 40 cây số theo đường chim bay, không chỉ nổi tiếng về thời tiết mát mẻ sánh ngang với Sa Pa và Đà Lạt mà còn nổi tiếng về các món ăn đặc sản.
Gà đồi
Gà Tam Đảo chủ yếu là gà tre, gà ri, thả trên núi, vì thời tiết lạnh nên số lượng không nhiều. Vì thế nếu không tinh ý, du khách dễ ăn phải món gà mềm, bở được nhập mua dưới xuôi thường bán ngoài chợ. Gà Tam Đảo rất dai và thơm, được chế thành nhiều món ngon như luộc, hấp, quay, bọc đất nướng... Phổ biến nhất là gà bọc đất nướng và gà nướng mật ong.
Trong tiết trời lạnh giá của màn đêm phố núi, được thưởng thức chú gà nướng dai giòn vừa mới xèo xèo tỏa hương trên bếp than hoa và nhâm nhi ly rượu chít cay thơm thì không gì kể xiết. Giá 250 - 300.000đồng/con.
Lợn rừng
Bất kỳ du khách nào khi ghé qua Tam Đảo đều bị hấp dẫn bởi món thịt lợn rừng nướng xiên được bày bán khắp nơi trong khu chợ. Thịt ba chỉ ngon được tẩm ướp gia vị đặc trưng và cho vào xiên nướng. Ngoài ra, trong các nhà hàng, khách sạn ở đây còn chế biến nhiều món ngon khác như lòng, dồi, món thủ...
Thịt lợn rừng nướng xiên là món ăn phổ biến được bày bán khắp nơi trong thị trấn. Chỉ với giá 15.000đồng/xiên, bạn đã có thể thưởng thức món đặc sản rất ngon ở đây rồi.
Người dân ở đây nuôi lợn rừng, thả rông trên đồi và không cho ăn cám nên thịt rất săn chắc mà giá cả lại không khác dưới xuôi là bao nên nhiều bà nội trợ không quản đường xa, mua từng ký lớn về làm quà hoặc bỏ tủ ăn dần.
Ngọn su su
Su su là đặc sản gắn liền với cái tên Tam Đảo. Khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng nơi đây thích hợp nhất để trồng cây su su. Khắp mọi nơi trên Tam Đảo, trong vườn nhà, ở bờ tường, khe suối, hay trên núi cao... bạn đều sẽ gặp hình ảnh giàn su su mọc lên thành giàn xanh tươi mướt mát. Người dân ở đây để su su mọc lên tự nhiên, không cần phun thuốc mà vẫn tươi tốt. Rau su su được trồng hái lấy ngọn là chủ yếu. Ngọn su su chỉ cần luộc chấm muối vừng hay xào không với tỏi là đã thấy ngọt mát vô cùng.
Là món rau sạch được nhiều người yêu thích, đa số khách du lịch đến đây đều muốn mua về làm quà. Giá bán hiện nay là 18 - 20.000 đồng/kg.
Rượu sâu chít
Con sâu chít chỉ to bằng nửa ngón tay út, dài độ hai đốt tay, thân mình trắng sữa, nằm ủ mình trong ngọn chít, ăn hết nõn cây để sống, vì thế càng những ngọn chít héo thì bên trong sẽ có con sâu to béo đẫy đà, giàu dinh dưỡng.
Vào những tháng mưa, khi trứng bướm ở trong ngọn chít hóa thành sâu, người dân Tam Đảo thường vào rừng tìm những ngọn héo trong bụi chít ven các khe suối để bắt con sâu ấy về ngâm rượu.
Sâu chít đem về có thể thả ngay vào chai hoặc rang qua rồi mới ngâm rượu, thứ rượu cay nồng của người dân tộc. Khoảng một tháng sau sẽ trở thành thứ rượu quý mà theo quan niệm của đồng bào vùng cao thì thức này rất tốt cho những người đàn ông bị “bất lực“. Với người mới ốm dậy, trẻ nhỏ suy dinh dưỡng hay người già, sâu chít hấp cách thủy cùng lòng đỏ trứng gà ăn vào sẽ giúp nhanh lại sức.
Măng rừng
Măng Tam Đảo chủ yếu là măng sặt và măng nứa, thân nhỏ. Măng chặt về, bóc nõn, bỏ hết vỏ rồi ngâm nước muối, trần qua nước sôi đem bỏ vào bình, thêm giấm, tỏi, ớt là có thể để lâu ngày. Ngoài ra, củ măng tươi khi luộc lên, chấm mắm tôm, chanh ớt, khi ăn cầm trực tiếp bằng tay mới thấy hết cái thú ăn chơi của người vùng núi.
Măng muối chua, đậm vị, thơm hương mà ăn cùng thịt vịt, thịt ngan dưới xuôi thì ngon không gì bằng.
Cơm lam
Cơm lam Tam Đảo cũng được nhiều khách du lịch ưa thích. Gạo nếp được ngâm kỹ cho vào ống nứa nhỏ rất bắt mắt, khi nướng trên bếp than hồng sẽ tỏa ra mùi thơm của gạo nếp hòa cùng mùi ống nứa tạo nên hương vị riêng có cho món ăn.
Chỉ vài chục nghìn đồng, bạn đã có thể nhâm nhi cả tối với những món ăn giản dị, đậm chất vùng cao này.
Buổi chiều se lạnh hoặc buổi tối dạo chơi trong thị trấn, bán hãy thử vào một quán nướng ven đường và thưởng thức những món nướng đặc trưng như cơm lam, ngô, trứng gà, chim cút... chắc chắn, bạn sẽ cảm nhận được sự thi vị và khám phá được thú vui ẩm thực độc đáo của vùng núi cao Tam Đảo.
Nấm hương
Tam Đảo không có nắng gắt, lại mát lạnh, ẩm ướt nên nấm hương rất mau mọc. Nấm hương nhồi giò giã, nấu nước gà luộc, tôm he khô, cùng với bóng bì, thịt thăn, su hào thái mỏng ăn vừa thơm, vừa ngon, vừa bổ dưỡng.
Trước kia người dân Tam Đảo chuyên lấy nấm hương mọc tự nhiên trên những thân cây gỗ xốp, nhiều nhựa như sung, mít, ngái, vải sắp mục. Ngày nay, nhiều người dân ở đây đã biết trồng. Người ta ngả những loại cây gỗ xốp, dùng loại búa chuyên dùng có mỏ vằm nệm vào than gỗ, khoét thành các hố to bằng miệng chén uống nước. Khi gỗ khô, ráo nhựa, mới cấy bào tử nấm vào các hố ấy, phủ một lớp mùn mỏng, rồi tưới nhẹ giữ độ ẩm cho nấm mọc lên.
Thịt tái bò kiến đốt
Món ăn lạ lùng này được người Tam Đảo chế biến khá công phu. Người ta cắt miếng thịt bê mới mổ còn nóng khoảng 1kg đem treo ngay cạnh các tổ kiến trên cây rừng rồi chọc cho lũ kiến trong tổ tức khí bung ra bâu kín vào miếng thịt. Hàng vạn con kiến hung dữ thi nhau cong đuôi đốt vào miếng thịt còn nóng đó cho thật chán chê càng nhiều càng tốt.
Nếu kỳ công hơn, mỗi miếng thịt đem treo vào tổ mỗi loài kiến khác nhau sẽ được nhiều hương vị khác nhau. Kiến vống đỏ có mùi thơm chua, kiến vống đen có mùi thơm hắc, kiến bồ nọt có vị cay ngọt, kiến ngạt có vị thơm mùi cà cuống. Sau khi để kiến đốt đến độ phù hợp, các miếng thịt đem về dội qua nước muối loãng cho sạch bụi bẩn, để ráo nước rồi đem thui trên bếp lửa than hồng cho chín tái và thưởng thức.
Thịt tài bò kiến đốt là món công phu từ nguyên liệu, cách làm đến cả các nguyên liệu ăn kèm và cách ăn. Ngoài các loại rau sống ăn kèm thì không thể thiếu được chuối xanh và rau ngổ. Người Tam Đảo dùng một loại tương làm từ ngô và đậu pha thêm gừng băm nhỏ và một chút đường để làm nước chấm cho món ăn đặc biệt này.