Phần lớn các đại biểu đều ủng hộ chủ trương đổi mới theo cách thức mà năm 2015 đã triển khai, nghĩa là chỉ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả để tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, năm 2016 Bộ cần có một số điều chỉnh, vừa thuận lợi hơn cho thí sinh vừa giúp các trường chủ động hơn trong khâu tuyển sinh.
Đổi mới mạnh khâu xét tuyển
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đưa ra ý tưởng tổ chức kỳ thi năm 2016 với sáu điểm mới dưới đây để lấy ý kiến xã hội.
Thứ nhất, thay vì tổ chức thi bốn ngày, kỳ thi năm 2016 dự kiến tổ chức thi trong ba ngày. Thời gian vào các ngày 13, 14, 15-6, sớm khoảng nửa tháng so với năm 2015.
Thứ hai, tiếp tục tổ chức các cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015 nhưng thí sinh vùng giáp ranh giữa các cụm thi được linh hoạt lựa chọn cụm thi. Các vùng khó khăn sẽ được xem xét để đặt các điểm thi thuận lợi cho thí sinh.
Thứ ba, đề thi tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa tốt hơn để đánh giá khách quan năng lực thí sinh, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi.
Thứ tư, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện hệ thống phần mềm trên nguyên tắc tăng cường ứng dụng CNTT vào các khâu của kỳ thi, khắc phục những vấn đề kỹ thuật, tăng thêm các cổng công bố kết quả thi để tạo thuận lợi hơn cho thí sinh, tránh nghẽn mạng như năm rồi.
Thứ năm, Bộ GD&ĐT sẽ có một số điều chỉnh chế độ ưu tiên của các đối tượng thí sinh cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ sáu, việc xét tuyển vào ĐH-CĐ dựa trên kết quả thi THPT quốc gia sẽ có một số điều chỉnh trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tuyển sinh năm 2015, theo hướng tăng quyền chủ động cho các trường. Sau khi có kết quả thi, các trường ĐH-CĐ tự chủ tổ chức tuyển sinh. Bộ chỉ đưa ra thời điểm bắt đầu xét tuyển, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.
“Bộ có thể quy định các đợt xét tuyển trên cơ sở các mức điểm khác nhau của thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp để giảm rủi ro cho thí sinh và giảm thí sinh ảo. Mỗi đợt xét tuyển sẽ diễn ra 5-7 ngày. Các cơ sở đào tạo có thể quy định các hình thức, điều kiện, thời gian đăng ký xét tuyển của thí sinh” - ông Ga nói.
Các thí sinh trong ngày đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015. Ảnh: Lê Qúy |
Tổ chức hai lần thi/năm
Ông Lê Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, đề xuất một năm không nhất thiết tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp và vào ĐH. “Có thể tổ chức một kỳ thi vào tháng 6, vài tháng sau lại có một kỳ thi nữa, để những em nào không dự thi đợt 1 thì đợt sau lại thi tiếp. Như thế giãn được tải trọng ra cũng như sự tập trung của xã hội, đồng thời học sinh chuẩn bị tốt hơn” - ông Minh đề xuất.
Ngoài ra, việc nhập học của sinh viên cũng không nên quy định trong một giai đoạn rất ngắn mà mở rộng cả năm. “Tôi thấy sinh viên Việt Nam rất khổ, hì hục thi, hì hục vào ĐH, vì quy chế đang rất chặt chẽ trong việc bắt buộc học sinh đến thời điểm đó phải thi tốt nghiệp, đến thời điểm đó phải vào ĐH-CĐ. Cho nên cần có những thay đổi cởi mở hơn về thời gian để tạo điều kiện cho thí sinh đi thi và các trường ĐH tuyển sinh” - ông Minh nói.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, đề nghị nên có điều chỉnh phương án thi và tuyển sinh theo hướng tích hợp hơn nữa. Ngoài ra, cần điều chỉnh cấu trúc đề thi, độ phân hóa cao hơn để phục vụ cho kỳ thi đa mục đích, tăng quyền chủ động cho các trường trong tuyển sinh. Ông Sơn cho biết ĐH Quốc gia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và dùng chung kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia nếu các trường có nhu cầu.
Điều chỉnh số nguyện vọng đăng ký
GS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, kiến nghị Bộ cần cải tiến công tác tuyển sinh theo hướng đảm bảo tính ổn định, nghĩa là vẫn giữ nguyên các vấn đề cơ bản như ổn định về quy chế và hình thức tổ chức xét tuyển. Vấn đề cần phải quan tâm khắc phục là việc ứng dụng công nghệ thông tin và vai trò kết hợp của các sở GD-ĐT. Đề thi cần có sự phân hóa rõ hơn. Thời gian tổ chức thi nên như cũ (đầu tháng 7) do theo kế hoạch của các trường hiện nay đến 30.6 mới kết thúc năm học.
Trong khi đó, PGS-TS Lê Hải An, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho rằng điều mà Bộ có thể làm tốt hơn là phần mềm tuyển sinh. Thậm chí nếu vẫn duy trì cách thức giới hạn nguyện vọng như năm nay thì từ năm sau có thể cho thí sinh thay đổi nguyện vọng thông qua hình thức nhắn tin trên điện thoại.
Tiến sĩ Lê Sĩ Đồng, Phó hiệu trưởng ĐH Ngân hàng, cho rằng cần khắc phục một số điểm của đợt xét tuyển vừa qua như: thời gian xét tuyển đợt 1 quá dài, cách đăng ký nguyện vọng dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên học xong năm thứ nhất sẽ bỏ học... Chỉ nên cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển vào 1 - 2 ngành, tránh trường hợp thí sinh cố vào bằng được ĐH ngành không yêu thích. Còn ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Hà Nội, đề nghị Bộ nên nới rộng khoảng cách điểm “sàn” ĐH và CĐ, bởi nếu để biên độ chỉ từ 12 - 15 điểm như hiện nay thì các trường CĐ rất thiếu nguồn tuyển. Hoặc nếu không thì Bộ nên để cho các trường CĐ tự xây dựng phương án tuyển sinh cho chính mình.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng nhận định cho phép thí sinh đăng ký tới 4 nguyện vọng như năm 2015 là quá nhiều. Trong khi đó, các trường công bố ngưỡng điểm xét tuyển chưa sát với điểm trúng tuyển thực tế cũng gây nhiều khó khăn cho thí sinh khi đăng ký. Nếu khắc phục những điểm này, kỳ xét tuyển năm tới sẽ thành công.
Thí sinh đăng ký một ngành ở nhiều trường
Tại điểm cầu TP.HCM, nhiều đại biểu đề nghị nên tổ chức chỉ một loại cụm thi do trường ĐH chủ trì, thay vì tổ chức hai cụm thi (một cụm thi địa phương chỉ để xét tốt nghiệp THPT, một cụm thi do các trường ĐH chủ trì để xét tuyển ĐH, CĐ - PV) như vừa rồi.
GS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng phương thức đăng ký xét tuyển hiện nay chỉ đảm bảo cho thí sinh được vào ĐH mà chưa đảm bảo tiêu chí định hướng nghề nghiệp cho thí sinh. Theo đó, bà Quỳ kiến nghị nên có những tổ hợp và nhóm tổ hợp các môn thi phù hợp để thí sinh có thể đăng ký vào một ngành mình thích của nhiều trường, thay vì thí sinh đăng ký vào nhiều ngành ở một trường như hiện nay sẽ dẫn đến tình huống các em phải học ngành không mong muốn.
thí sinh Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM), đề xuất: Các môn thi THPT quốc gia năm 2016 tạm giữ nguyên như cũ (tám môn) nhưng từ năm 2017 nếu sẽ thi theo các môn tích hợp thì từ bây giờ cần xây dựng ngân hàng đề thi kỹ lưỡng để khi triển khai không bị lúng túng. Đồng thời, thay vì thi tám môn thì chỉ nên thi năm môn gồm: toán, tiếng Việt và ngữ văn (thi tự luận); ba môn còn lại là ngoại ngữ (thi trắc nghiệm, bỏ phần viết vì khó đánh giá), môn khoa học tự nhiên và môn khoa học xã hội (thi trắc nghiệm).
Giảm điểm ưu tiên
Liên quan tới điểm ưu tiên, PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết chế độ ưu tiên khu vực là cần thiết nhưng hiện nay khoảng cách ưu tiên giữa các khu vực là 0,5 điểm là khá xa. Bộ cần rút ngắn khoảng cách này hơn nữa. Tiến sĩ Lê Sĩ Đồng cũng đề nghị nên giảm khoảng cách điểm ưu tiên tuyển sinh xuống mức thấp hơn, cụ thể là 0,25 chứ không phải 0,5 điểm như hiện nay. Cùng nhận định, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng với cách ra đề thi năm nay, mặt bằng điểm bài thi cao trong khi điểm ưu tiên tuyển sinh khá cao nên gây mất công bằng cho thí sinh. Vì vậy, cần thay đổi từ cách ra đề thi và cách tính điểm xét tốt nghiệp.
PGS-TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đề nghị cần cụ thể hóa hoặc có thông tư hướng dẫn rõ về đối tượng ưu tiên để các sở GD-ĐT thu hồ sơ phổ biến với thí sinh ngay từ đầu. Vừa qua có rất nhiều thí sinh vào học rồi mới biết bị rớt vì xác định không đúng đối tượng ưu tiên.
Trả lời về việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết trong kỳ tuyển sinh năm tới Bộ sẽ điều chỉnh lại chế độ ưu tiên. “Bộ sẽ ngồi lại cùng một số cơ quan ban ngành có liên quan để có sự điều chỉnh phù hợp nhất với tình hình hiện nay”, ông Ga khẳng định.
Quy định điểm chuẩn với trường tốp đầu
Khá nhiều ý kiến cho rằng, việc xét tuyển năm nay rất thuận lợi cho các trường tốp đầu nhưng lại gây khó khăn cho trường tốp sau vì lý do trường tốp đầu lấy điểm đầu vào quá thấp. Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, một số lãnh đạo các trường ĐH, CĐ khu vực này đề nghị Bộ cần có quy định các đại học nhóm trên có chuẩn điểm cao hơn để phân tầng, xét tuyển sẽ hợp lý hơn và thí sinh chọn được trường phù hợp.
Xem thêm:
- Những điều chỉnh mới trong kì thi THPT quốc gia năm 2016
- Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 có gì mới?
Tuấn Minh (t/h)