Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Mẫu Sơn cách thị trấn Cao Lộc khoảng 35km. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Thiếu đủ thứ
Trông có vẻ bạo dạn nhất nhóm, cô bé Dương Múi Nảy chia sẻ, em thích học nội trú hơn vì về nhà phải đi chăn trâu. Nảy đang học lớp 4 ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Em là một trong số 86 đứa trẻ đang học nội trú ở đây.
Trường có 107 học sinh cả cấp tiểu học và THCS thì 100% là người dân tộc thiểu số. Cách đây 2 năm, trường Mẫu Sơn vẫn còn 5 điểm lẻ, có nơi cách điểm chính tới 19km. Có cô giáo từng bật khóc trên đường vào nhà học sinh vì quá xa và vất vả.
Cố gắng đưa tất cả học sinh điểm lẻ về điểm chính, 86 học sinh phải sinh hoạt vỏn vẹn trong 2 căn phòng, mỗi phòng chưa đến 30m2. Mỗi phòng được xếp 10 chiếc giường tầng sát nhau. Cứ 2 giường ghép lại thì mỗi tầng ngủ được 4-5 học sinh.
Mỗi phòng có 10 chiếc giường tầng được xếp sát nhau để nằm 4-5 đứa trẻ/ giường. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Không gian sinh hoạt chỉ có thế, khu vực vệ sinh tắm rửa còn chật chội hơn. Một nhà vệ sinh 2 gian nam nữ nằm ở cuối dãy phòng học nhưng lại xa dãy phòng nội trú, nên khi “đi nhẹ” các em vẫn sử dụng nhà vệ sinh cũ không có mái che, không có cửa, bên trong lẫn đầy rác.
Nơi tắm rửa có vẻ là một cái bếp củi cũ. Ở trong góc chỉ có một vòi nước mà nếu không được giới thiệu thì không ai nghĩ đây là nơi tắm rửa hằng ngày của 86 đứa trẻ.
Thiếu thốn là thế nhưng khi được hỏi, đứa nào cũng bảo thích đi học hơn. Ít nhất, đến trường chúng được ăn đủ ngày 3 bữa, có thịt có rau, lại có bạn bè để cùng chơi, cùng học. Ở nhà, có khi bạn còn không có mà chơi vì mỗi quả đồi chỉ có 2-3 hộ dân, cơm thì bữa đực bữa cái.
Qua lời kể của các thầy cô Mẫu Sơn, hầu hết học sinh của trường đều thuộc diện hộ nghèo, trừ con em một số cán bộ xã.
Trong câu chuyện của các thầy cô, họ vẫn nhớ như in hoàn cảnh cùng cực của những học sinh mà mình đã từng đến thăm nhà. “Có em nhà chẳng có gì, lấy tre dựng lên làm giường ngủ. Cả nhà có 2 cái nồi thì 1 cái đứt quai - một để xào rau, một để nấu cơm. Hỏi ‘Sao không đi học?’, em bảo bố mẹ đi làm ở Trung Quốc, em phải nghỉ ở nhà chăm lợn gà. Mà lợn nuôi thuê, không phải của mình. Đến Tết thì người ta trả công một nửa con lợn”.
Có nhà nghèo đến mức cô giáo đến vận động đi học, quý lắm mới nấu nồi cơm và đĩa măng xào, còn bình thường chỉ ăn cháo.
Cô Chỏi - một giáo viên lâu năm ở Mẫu Sơn - nói, mặc dù đi học không mất gì, tiền ăn, học phí đã có Nhà nước hỗ trợ nhưng nhiều gia đình ít người, không có người làm, vẫn muốn con ở nhà. Với người dân ở đây, cho con đi học không mất gì đã là mất đi một nhân công để lên nương rẫy.
Vì thế, những đứa trẻ lên lớp, ăn ở từ đầu tuần tới cuối tuần, ngoài bộ sách giáo khoa, chẳng có gì hết.
Nhà vệ sinh cũ vẫn được đám trẻ sử dụng vì gần khu phòng ở hơn. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Phòng tắm của 86 đứa trẻ ở nội trú. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Ngoài giờ học chính khóa và học phụ đạo mỗi buổi chiều, tối, các em tha thẩn chơi ở sân trường. Ngoài cổng, mấy cậu bé say mê chơi bắn bi bằng hạt cây rừng. Một cậu nhỏ ôm khư khư chiếc chai nhựa đựng đầy hạt như một kho báu, ngay cả lúc ăn cơm cũng không chịu rời.
Cô Hoàng Thị Tám - giáo viên Tiếng Anh - mới lên Mẫu Sơn được một tháng nhưng đã cảm nhận được sự thiếu thốn cùng cực của những học sinh nghèo nơi núi cao. Cô Tám kể, một hôm mang chiếc bánh mỳ đến lớp nhưng để quên, nguội ngắt. Cô định mang đi bỏ thì có em xin cô bánh mỳ. “Thấy thương vô cùng. Trẻ dưới xuôi thì bắt ăn từng thìa mà trên này các em thèm cả chiếc bánh mỳ nguội ngắt”.
“Những ngày đầu lên trường, tôi mua mấy gói kẹo chia cho các em. Chia xong, các em vẫn xúm xít quanh cô. Nghĩ mà rơi nước mắt”.
Đám con trai chơi bắn bi bằng hạt rừng. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Chai đựng hạt rừng là "kho báu" của cậu bé. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Học 10 chỉ biết 2, 3
Khi được hỏi về những khó khăn nhất của Mẫu Sơn, các thầy cô không nói nhiều về thiếu thốn vật chất, mà lo lắng đến khả năng tiếp thu của các em. Cô Lăng Thúy Mười – giáo viên dạy Tiếng Anh của trường – cho biết: “Nếu như trẻ dưới kia học đến đâu biết đến đó thì trẻ ở đây dạy 10 chỉ biết 2, 3. Khả năng tiếp thu của các em chậm, vì thế các thầy cô phải nỗ lực gấp nhiều lần”.
"Cô bảo phải viết 2 lần bài thơ này" - cậu bé lớp 2 nói. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Tiết 'Văn hóa đọc' ngoài giờ được dạy ở khoảng sân trước phòng nội trú vì không có đủ phòng học. Ảnh: Nguyễn Thảo |
7 năm công tác ở Mẫu Sơn, thầy Đức cho rằng có 2 nguyên nhân chính khiến khả năng tiếp thu của các em không tốt bằng học sinh những trường khác, thậm chí là trong cùng huyện.
Thứ nhất là phạm vi tiếp xúc xã hội của trẻ ở đây quá hẹp. Tivi không có, báo đài không xem, tất cả những gì các em biết chỉ là người thân trong gia đình. Thậm chí, bạn bè cũng hiếm vì mỗi quả đồi chỉ có 2-3 hộ dân.
Nguyên nhân thứ 2 là yếu tố dân trí. “Ngày trước, dân ở đây ít, anh chị em, họ hàng lấy nhau rất phổ biến, con sinh ra bị khuyết tật. Hiện nay, trường Mẫu Sơn có 3 em thuộc diện thiểu năng trí tuệ vì bố mẹ kết hôn cận huyết. Ngoài ra, tuổi kết hôn sớm của bố mẹ (14,15 tuổi) cũng ảnh hưởng tới trí não của các em”.
Dân trí thấp dẫn tới nhiều hệ quả khác. Trời rét, các cô gọi bố mẹ mang quần áo lên cho con nhưng chẳng thấy đâu. Cô lại phải tìm quần áo từ thiện cho con mặc. “Ngày vẫn còn điểm lẻ, con đang ở trong lớp, bố mẹ xuống gọi về đi chăn trâu là chuyện bình thường” – cô Chỏi kể.
Thầy Đức nói thêm, nếu như học sinh dưới xuôi được bố mẹ kèm cặp, hướng dẫn học hành nhiều thì ở đây các em học được gì trên lớp thì biết cái đó. Về nhà, các em có trình độ cao nhất, không ai dạy được. Hầu như người dân Mẫu Sơn chỉ đạt trình độ xóa mù, thậm chí vẫn còn những người không biết chữ.
Những cô bé tha thẩn chơi ở sân trường. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Thời điểm tôi trở về cũng là lúc 5 phòng học của trường được phá dỡ để xây lên 8 phòng học mới. Đó là niềm vui lớn của thầy trò Mẫu Sơn. Nhưng trong gần một năm học tới đây, các em phải học tạm trong những căn phòng công vụ của thầy cô, còn thầy cô phải ở tạm phòng bảo vệ, phòng họp. Theo thầy Đức, 2 năm nữa phòng nội trú của các em sẽ được xây mới lên 8 phòng theo dự án THCS dành cho những trường khó khăn.
“Những năm trước, tỷ lệ học sinh học tiếp lên cấp 3 rất ít. Nhưng năm ngoái, nhờ vận động, tuyên truyền, 100% học sinh của trường học tiếp lên phổ thông hoặc học nghề. Trường có mời các thầy trường nghề về tư vấn trực tiếp cho các em”.
Mong muốn của thầy Đức chỉ đơn giản là tiếp tục duy trì loại hình nội trú và nhận được sự đầu tư lớn hơn về cơ sở vật chất để thầy cô và các em có chỗ ăn học khang trang, rộng rãi hơn.
Bữa cơm trưa ngày thứ Sáu trước khi về với gia đình. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Một cô bé được mẹ đến đón. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Balo của cậu bé lớp 1 này là chiếc túi lưới được bố mẹ tự khâu. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Những đứa trẻ lớp 1 ôn lại bảng chữ cái: