Nghề nguy hiểm
Cách UBND phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy vài trăm mét có hai điểm thu mua phế liệu nằm sâu trong ngõ 165 Dương Quảng Hàm. Tất cả đều nằm sát nhà dân. Chẳng cần vào tận nơi, chỉ cần đi qua ngó vào cũng thấy núi phế liệu chất cao đến sát trần nhà. Căn nhà khoảng chừng 60m2 ở đầu ngõ 165 có những ngày cao điểm không đủ để hàng, nhiều phế liệu chất đống ra đường. Nhiều người dân ái ngại mỗi khi đi qua trông thấy chủ hàng ngồi co ro giữa những lon chai chứa hóa chất độc hại, bụi sắt bụi giấy bay tứ tung khắp nhà. Những hôm nắng to, mùi phế liệu tồn kho lâu ngày bốc mùi khó chịu ra xung quanh.
Đầu ngõ số 1 đường Văn Tiến Dũng (Bắc Từ Liêm), một ngôi nhà thu mua phế liệu cũng ngày ngày hoạt động hết công suất. Hộ dân này có 5-6 thành viên đều được huy động làm việc tối đa, người cân đong sắt vụn, người buộc gọn đống thùng các tông… Có những buổi tối muộn, việc xử lý phế liệu vẫn ngổn ngang.
Khi được hỏi về cách phân biệt bom mìn với những phế liệu khác, đa số người thu mua sắt vụn đều chia sẻ chưa từng nhìn thấy bom mìn và khá lúng túng.
Người thu mua phế liệu chẳng buồn dùng khẩu trang, găng tay hay bất cứ vật dụng bảo hộ nào, dù sau lưng bà là hàng loạt sắt vụn hoen rỉ không rõ nguồn gốc, dăm ba thùng nhựa đen quánh dầu máy, những đồ vật có nguy cơ gây cháy nổ cao. Cách cơ sở thu mua phế liệu chỉ vài chục mét là một trường mầm non tư thục đông đúc trẻ nhỏ, hàng loạt nhà nghỉ, một dãy cửa hàng game lúc nào cũng kín sinh viên…
Người dân tổ 8 phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cũng đứng ngồi không yên vì các điểm thu mua phế liệu san sát nhau gần con mương nằm lọt thỏm giữa khu dân dân cư đông đúc, giáp ranh giữa khu đô thị mới Dịch Vọng và khu dân cư tổ 8. Theo người dân ở đây, dọc theo con mương từ cuối đường Thành Thái đến đường Dương Đình Nghệ tập trung nhiều cư dân ngoại tỉnh, họ chủ yếu sống trong những căn lều tạm và hành nghề thu mua phế liệu, ve chai. Bên cạnh những căn lều tạm bợ là cơ số tải chứa phế liệu được che đậy kín mít, tồn kho từ ngày này sang ngày khác.
Đi qua nhiều ngả đường Hà Nội, từ ven đô đến trung tâm thành phố, giờ không khó để bắt gặp những kho bãi phế liệu nhếch nhác ngay giữa khu dân cư. Phế liệu gom đủ chủng loại: từ nilon, sắt, thép, nhựa, tủ lạnh, tivi hỏng, máy giặt, bình gas… chất đống la liệt từ ngoài vào trong. Không chỉ thu mua, tập kết phế liệu, nhiều cửa hàng trên phố Phùng Khoang, Triều Khúc… còn cắt xẻ phế liệu tại chỗ. Ở gần các cơ sở này chẳng khác nào gần “thần chết”.
Nhưng bấy lâu nay, nhiều người nghèo xem đây như là một nghề kinh doanh dễ dàng. Ngay cả người đứng ra kinh doanh cũng xem đó là một cửa hàng kinh doanh, không ai nghĩ đến việc nó gây tai họa. Nhiều người nghĩ, đồ đã hỏng hóc, bỏ đi thì làm sao gây họa cho mọi người…
Chết vì bom đạn giữa thời bình
Đồ phế liệu hoen rỉ, cũ kỹ tưởng vô hại lại đang là “thủ phạm” gây các nhiều vụ việc đau thương nếu chủ cơ sở thu mua những vật liệu dễ gây cháy nổ.
Rạng sáng này 3/1, một vụ nổ bom “đinh tai nhức óc” tại một cơ sở thu mua phế liệu ở làng Quan Độ (xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) bất ngờ xảy ra khiến hai trẻ nhỏ tử vong và gần chục người khác bị thương. Ngôi nhà đằng sau cơ sở thu mua phế liệu bị phá hủy toàn bộ. Xung quanh bán kính 200m, toàn bộ những ngôi nhà bị vỏ đạn văng vào mái tôn thủng lỗ chỗ. Thậm chí có ngôi nhà cách đó nửa cây số cũng bị sức ép vụ nổ khiến vỡ tung toàn bộ lớp kính cường lực. Tang thương bắt nguồn từ một quả bom cũ chủ nhà mua về làm… sắt vụn.
Đây không phải là lần đầu xảy ra tai nạn ở các vựa phế liệu. Cách đây 1 năm, khoảng 3 giờ chiều ngày 19/3/2016, một vụ nổ lớn từng xảy ra tại khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội khiến 4 người chết, gần chục người bị thương, trong đó nhiều người đi đường bị “vạ lây”. Vào trước thời điểm xảy ra vụ nổ, chủ nhà mang một quả bom cũ ra vỉa hè và tiến hành cưa.
Nguyên nhân của cả 2 vụ việc trên đều do những chủ cơ sở buôn bán phế liệu tự ý cắt vật liệu, tích trữ vật liệu nổ để lấy sắt. Những cái chết không báo trước như một hồi chuông cảnh báo về mức độ mất an toàn của những cửa hàng phế liệu nằm xen kẽ trong các khu dân cư.
Trên thực tế, ngay sau khi vụ nổ ở Văn Phú xảy ra, C64 đã báo cáo Tổng cục Cảnh sát có văn bản gửi Công an các địa phương tiếp tục tuyên truyền về vũ khí, vật liệu nổ, bom mìn và rà soát toàn bộ cơ sở kinh doanh phế liệu để tuyên truyền cho người kinh doanh hiểu mức độ nguy hiểm để phòng tránh. Khi người dân thu mua phát hiện có bom mìn phải báo với cơ quan Công an, Quân đội để thu hồi; qua rà soát, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Chính phủ cũng đã có Nghị định quy định về việc quản lý vật liệu nổ nhưng không ít vụ việc liên quan đến vật liệu nổ như ở Hà Đông, Bắc Ninh… vẫn cứ xảy ra. Khảo sát của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh), mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 người chết và hàng ngàn người bị thương do tai nạn bom mìn.
Lần nào xảy ra vụ việc đáng tiếc cũng là hậu quả khủng khiếp. Những vụ việc đau lòng được cảnh báo liên tục, nhưng những người thu mua đồng nát vẫn chưa chịu… sợ. Ngay cả chính quyền địa phương cũng tỏ ra khá thờ ơ. Cả xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh có đến 500 hộ kinh doanh, mua và tái chế phế liệu nhưng khi phóng viên hỏi về công tác quản lý, kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán, tái chế hàng phế liệu của người dân trong vùng, ông phó chủ tịch huyện tỏ vẻ lúng túng…
Công tác quản lý bị bỏ ngỏ
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, hiện nay, phế liệu từ đời sống đô thị hiện đại rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Trong phế thải có cả phế liệu thông thường và loại gây nguy hại, gồm cả hữu cơ và chất thải vô cơ… không thể đánh đồng tất cả với nhau.
“Với những loại rác thông thường như lon bia, chai nước, đồ uống bằng kim loại thông thường thì không lo, nhưng với những loại phế liệu nguy hiểm như bao bì thuốc bảo vệ thực vật, ác quy, tivi, đồ điện tử hỏng có hàm lượng chì cao, hàm lượng kim loại nặng cao thì… khôn lường. Phế liệu nguy hại hoàn toàn có thể gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh theo nhiều con đường như thoát theo đường khí phát tán xung quanh, ngấm vào nước mưa chảy ra bên ngoài, ngấm xuống đất… Sau một thời gian nhất định, các địa điểm thu mua phế liệu sẽ ô nhiễm nghiêm trọng nếu không có bất cứ hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Bên cạnh đó, các cơ sở này không bảo đảm được an toàn cháy nổ, nguy cơ cháy nổ lúc nào cũng rình rập khu dân cư” – GS.TS Đăng nói.
Theo GS.TS Phạm Ngọc Đăng, việc để các điểm thu mua phế liệu nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư không thể chấp nhận được, nó tạo ra những khoảng tối trong đô thị: lộn xộn và nguy hiểm.
“Phần quản lý đô thị của chúng ta đang bị bỏ ngỏ. Cần phải có những động thái siết chặt lĩnh vực này. Một, yêu cầu các nơi thu gom phế liệu phải biết phân loại rác ngay từ đầu, tập trung những phế liệu nguy hại ra riêng một khu đặc biệt. Yêu cầu các điểm thu mua phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu như đảm bảo PCCC, lối thoát, không xả nước thải bữa bãi ra xung quanh… Hai, phải dần cách ly các điểm thu mua phế liệu ra khỏi khu dân cư để loại bỏ những hiểm họa bất ngờ cũng như những tác động lâu dài gây ra cho đô thị Hà Nội” – GS Đăng đưa quan điểm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Sở Tài nguyên môi trường cần phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các điểm thu mua, tái chế phế liệu nằm len lỏi trong khu dân cư.
Theo luật sư Đặng Hữu Anh, Hội Luật gia Hà Nội, những vụ việc nổ bom, đầu đạn… không chỉ để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà còn có dấu hiệu liên quan vi phạm pháp luật về hình sự bởi Bộ Luật hình sự có những quy định trách nhiệm hình sự với người mua bán trái phép vật liệu nổ; người liên đới có hành vi mua bán, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Đây cũng là bài học đắt giá cho các cơ quan chức năng khi chủ quan bỏ qua việc quản lý, kiểm tra đối với các hộ kinh doanh phế liệu nằm trong khu dân cư; thiếu sự tuyên truyền mạnh và có hiệu quả bằng những pano, áp phích mang tính trực quan cao về mối nguy hiểm chết người của những vật liệu nổ, các quy định có liên quan để người dân hiểu và đề cao cảnh giác, tự giác báo chính quyền hoặc giao nộp cho cơ quan CA khi phát hiện vật khả nghi.