Những nút thắt gây khó cho người lao động nếu gỡ trần làm thêm 40 giờ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Người lao động sẵn sàng làm thêm để cùng doanh nghiệp gánh vác khó khăn, tuy nhiên yêu cầu làm rõ khung giờ tăng ca, thời hạn áp dụng trần mới, cũng như quyền lợi tương xứng với sức lao động bỏ ra.
Những nút thắt gây khó cho người lao động nếu gỡ trần làm thêm 40 giờ

Trên đây là tổng hợp chia sẻ của những người lao động đang làm việc tại một số khu công nghiệp (KCN) lớn của Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM, trước thông tin Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tổng hợp ý kiến, hoàn thiện dự thảo gỡ bỏ giới hạn làm thêm tối đa 40 giờ mỗi tháng, áp dụng tổng số giờ làm thêm tối đa 200-300 giờ mỗi năm cho tất cả các ngành nghề.

Dự thảo trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, khối doanh nghiệp cần tăng sản lượng để giao hàng đúng hạn, đảm bảo chuỗi cung ứng cho những tháng tiêu dùng cao điểm cuối năm.

Tuy nhiên, việc tuyển nhân sự để đạt mục tiêu trên vô hình trung sẽ chất thêm gánh nặng cho các công ty vốn đã chịu tổn thất vì COVID-19. Trong khi đó, một bộ phận người lao động sẵn sàng tăng ca để có thêm thu nhập, bù đắp phần nào thâm hụt kinh tế sau những tháng vừa qua.

“Gỡ trần công nhân được gì?”

Đó là câu hỏi được chị Lê Thị Hồng Gấm, công nhân của một nhà máy linh kiện điện tử tại KCN Tràng Duệ, Hải Phòng đưa ra khi nghe về dự thảo bỏ giới hạn làm thêm 40 giờ. Bởi trên thực tế, dù chưa có chỉ thị ‘gỡ trần’, công ty chị và nhiều đơn vị xung quanh đã và đang kêu gọi người lao động tăng ca vượt 40 giờ một tháng.

Chị Gấm kể, khi sản xuất phục hồi sau nhiều tháng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chị và đồng nghiệp không còn xác định được ngày nào làm tăng ca, ngày nào được về đúng giờ, tất cả đều phải làm đủ 12 tiếng.

Cụ thể, sau 8 tiếng hành chính, chị Gấm phải ở lại làm thêm 4 tiếng ngoài giờ, vị chi là 12 giờ mỗi ngày. Tuần làm việc 6 ngày, 24 giờ tăng thêm một tuần. Nghĩa là chị Gấm cùng đồng nghiệp đang lao động xấp xỉ 100 giờ trong tháng, nhiều hơn gấp đôi quy định của nhà nước.

“Tôi thấy việc gỡ trần rất bình thường vì chưa gỡ chúng tôi vẫn phải làm vượt thời gian để đảm bảo tiến độ đơn hàng. Trong khi đó, công xá, chế độ bồi dưỡng chưa được cải thiện, lương ngoài giờ vẫn ở mức 150%. Nên tôi muốn hỏi, nếu gỡ trần thì công nhân như chúng tôi được hưởng lợi gì?”, chị Gấm cho biết.

Những nút thắt gây khó cho người lao động nếu gỡ trần làm thêm 40 giờ ảnh 1
COVID-19 ‘hạ nhiệt’ khiến người lao động rơi vào tình trạng phải làm ngày làm đêm để bù tiến độ. Ảnh: Mai Thương.

Cũng chung hoàn cảnh phải làm thêm như chị Gấm, anh Đỗ Tuấn Vị, Tổ trưởng Tổ cắt của một đơn vị may mặc xuất khẩu tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội, kể lại ‘trận ốm nhớ đời’ sau thời gian thực hiện ‘3 tại chỗ.’

Theo đó, vào cuối tháng 7 vừa qua, anh Vị đăng ký tham gia vào đội sản xuất ‘3 tại chỗ’ của công ty. 40 ngày sau đó, anh ăn, ở và làm việc tại công ty theo chế độ làm việc 12 giờ một ngày và làm đủ 7 ngày trong tuần để bù vào phần thiếu hụt từ các lao động không tham gia ‘3 tại chỗ’.

Thông thường, mức lương tổ trưởng của anh Vị vào khoảng 15 triệu đồng một tháng, riêng tháng làm ‘3 tại chỗ’, anh lĩnh gần 30 triệu đồng. Lương tăng gấp đôi, nhưng sau thời gian tăng ca triền miên, vượt quá ngưỡng chịu đựng, anh Vị thấy cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi. Sau khi vào viện kiểm tra tổng thể, anh được chẩn đoán mắc chứng suy nhược thần kinh phải nghỉ ngơi dài ngày và uống thuốc bồi bổ. Hiện tại, chưa tính chi phí nghỉ làm để tĩnh dưỡng, số tiền anh Vị bỏ ra để khám và mua thuốc đã mất gần 10 triệu đồng.

Theo TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân Công đoàn, thực tế cho thấy người lao động làm việc 10 giờ trở lên mỗi ngày sẽ dẫn đến tình trạng năng suất giảm, tai nạn lao động tăng. Ông đề xuất chỉ nên tăng trần làm thêm tối đa 30%, từ 40 giờ lên 52 giờ mỗi tháng.

“Khi tôi bước chân vào cửa, vợ và mẹ ai cũng sốc vì chỉ đi hơn một tháng, người ngợm rạc hết cả. Bản thân tôi cũng thấy trong người không ổn, mềm mệt, chán ăn nên chủ động đi khám và được bác sĩ nói là bệnh suy nhược thần kinh. Nguyên nhân do tôi làm thêm nhiều quá, rồi thức đêm ca kíp, hàng lại gấp nên mình bị stress. Một điều nữa là môi trường ăn ở ngay trong phân xưởng, dù đã được công ty quan tâm cải tạo, nhưng cũng không sao bằng ở nhà. Tôi lại là người không quen ngủ ở nơi ồn ào, lắm người qua lại, cộng thêm cảm giác bức bí vì không được ra ngoài cả tháng trời”, anh Vị nói.

Ngưỡng 35 ám ảnh

Chị Đinh Thị Thu, đại diện Mạng lưới Hành động vì lao động di cư M.net cho biết, kể từ tháng 7, khi các nhà máy tại TPHCM đình trệ bởi COVID-19, rất nhiều đơn hàng đã được chuyển ra các cụm công nghiệp phía Bắc nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng. Điều này có mặt lợi là giúp người lao động phía Bắc có thêm thu nhập, nhưng cũng đẩy họ đến tình thế phải tăng ca vượt trần 40 giờ để kịp tiến độ.

Đa số người lao động, công nhân tại các KCN là dân di cư từ các tỉnh ngoài, nên mục tiêu kiếm tiền để trang trải cuộc sống thường được họ đặt lên hàng đầu, việc nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động đôi khi chưa được chú ý đúng mức. Nhiều gia đình, sau khi gửi con cho ông bà ở quê, hai vợ chồng sẽ lao vào làm việc để gia tăng thu nhập. Bên cạnh khoản tiền gửi về nhà hàng tháng, tiền ăn, tiền trọ và những chi phí phát sinh cũng chiếm phần lớn trong quỹ lương của họ.

“Vì làm thêm nhiều quá nên nhiều người không có thời gian để nghỉ, chưa nói đến việc tham gia các hoạt động nâng cao kỹ năng hay nắm bắt thông tin mới. Tôi biết nhiều cặp vợ chồng, trọ cùng nhà, làm cùng công ty, nhưng người làm sáng, người làm tối đến nỗi đôi ba tuần họ mới có dịp ngồi cùng mâm cơm”.

Những nút thắt gây khó cho người lao động nếu gỡ trần làm thêm 40 giờ ảnh 2

Dịch bệnh khiến đời sống của người lao động càng thêm khó khăn. Ảnh: TTXVN.

Chị Thu cũng nhấn mạnh, được làm thêm giờ là ước mơ và khao khát của người lao động. Đặc biệt vào năm nay khi kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch, họ càng mong được làm thêm giờ để tích lũy và trang trải cho cái Tết sắp tới.

“Bên cạnh ngưỡng để đảm bảo làm việc an toàn, người lao động còn có một cái ngưỡng đầy ám ảnh là phải phấn đấu kiếm càng nhiều tiền càng tốt trước tuổi 35. Bởi sau độ tuổi này, nếu không lên được cấp quản lý họ sẽ không còn được công ty trọng dụng, nhiều nơi còn thải hồi vì cho khả năng lao động của họ đã giảm sút. Nên đa số người lao động khi được hỏi cho biết họ sẵn sàng hy sinh tuổi xuân, sức khỏe để đổi lấy tiền bạc. Số tiền này vừa là mưu sinh, vừa được tích lũy để sau tuổi 35 họ có đồng vốn chuyển sang nghề khác”, chị Thu lý giải.

Đừng biến làm thêm thành thước đo ý thức

Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động được sử dụng lao động làm thêm giờ nếu nhận được sự đồng ý của người lao động. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế, điều này đang bị một số công ty coi nhẹ, “lách luật” bằng những quy chế quản trị nội bộ, nhằm buộc người lao động phải tăng ca quá thời gian quy định.

Ở nhiều nơi, nếu người lao động từ chối làm thêm hoặc không làm thêm đủ yêu cầu, họ sẽ bị đánh giá rất thấp, buộc phải thuyên chuyển sang bộ phận khác, thậm chí là nghỉ việc. Bỏ qua yếu tố tự nguyện, nhiều công ty đang coi việc người lao động làm thêm là thước đo chính đánh giá mức độ hoàn thành công việc, ý thức kỷ luật, là tiêu chí hàng đầu trong bình xét lương thưởng cuối năm.

Bên cạnh đó, khi dịch COVID tạm lắng, đơn hàng trở lại, nhiều doanh nghiệp điều động công nhân tăng ca để kịp tiến độ nhưng vẫn chưa đưa ra cách tính lương thêm giờ thỏa đáng. Điều này khiến người lao động chưa thể yên tâm làm việc. Họ sợ rơi vào tình cảnh “há miệng mắc quai” nếu cuối tháng công ty viện cớ khó khăn, chỉ trả mức tối thiểu 150% dù bản thân đã đánh đổi thời gian, sức khỏe để tăng ca vượt trần.

Theo khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương làm thêm giờ, trong đó, người lao động sẽ nhận ít nhất bằng 150% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường.

Ví dụ trường hợp của chị Nguyễn Kiều Nhi, công nhân công ty sản xuất thiết bị điện tại KCN Tân Thới Hiệp, TPHCM. Đầu tháng 10 vừa qua, chị Nhi được công ty điều động làm thêm từ 20h đến 22h hàng ngày để kịp giao hàng cho đối tác. Chị Nhi chấp thuận, nhưng đề đạt lên bộ phận nhân sự để hỏi khoảng thời gian thêm giờ này sẽ được tính như thế nào, đồng thời chị đề đạt với 2 tiếng làm thêm mỗi tối, công ty cần trả cho chị trên mức 150%.

Trong mong muốn của chị Nhi cũng như rất nhiều người lao động khác, nếu thời gian làm hành chính từ 7h30 đến 16h30 lương là 100%; từ 17h đến 20h là 150%; thì từ 20h trở đi số lương cần đạt mức 160%, 170% hoặc 190% tùy thỏa thuận. Do ở khung giờ này, người lao động phải hy sinh thời gian cá nhân, chịu đựng mệt mỏi sau một ngày làm việc kéo dài.

Tuy nhiên những thắc mắc và đề xuất của chị Nhi chỉ nhận được câu trả lời “đã tiếp thu ý kiến” của bộ phận nhân sự. Công đoàn hoàn toàn đứng ngoài lề trong trường hợp này. Chị được yêu cầu tiếp tục hoàn thành công việc, sau thời gian tính toán và đưa ra mức lương hợp lý, họ sẽ ra thông báo chính thức.

Những nút thắt gây khó cho người lao động nếu gỡ trần làm thêm 40 giờ ảnh 3
Cần những chính sách phù hợp để người lao động yên tâm tăng ca, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua "con sóng dữ COVID-19". Ảnh: TTXVN.

Tạm kết cho cuộc trao đổi xung quanh dự thảo gỡ bỏ giới hạn làm thêm tối đa 40 giờ mỗi tháng với phóng viên Ngày Nay, chị Hoàng Thị Quyên, một lao động có 17 năm làm việc ở KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội chia sẻ: “Là một người lao động từng đau ốm do tăng ca quá nhiều trong quá khứ, tôi hiểu thời gian dành cho gia đình, sức khỏe bản thân là những thứ một khi mất đi thì tiền bạc bao nhiêu cũng không thể lấy lại. Tuy nhiên khi công ty đối mặt với khó khăn, chúng tôi rất đồng cảm và mong muốn cùng chủ doanh nghiệp chung vai để ổn định lại tình hình.”

“Trong thời điểm hiện tại, việc tăng trần là cần thiết và người lao động như chúng tôi đều đã sẵn sàng. Tuy nhiên, chúng tôi mong thay vì giữ nguyên mức 40 giờ, khiến doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động, gánh chi phí tuyển dụng, đào tạo, bảo hiểm, thì nhà nước cho họ tăng trần lên một mức hợp lý. Đồng thời, đề xuất doanh nghiệp dùng một phần trong những chi phí đáng lẽ phải mất kia cải thiện bữa ăn ca, lương ngoài giờ hoặc bồi dưỡng thêm cho người lao động để chúng tôi an tâm và có động lực làm việc.”

*Tên nhân vật tham gia phỏng vấn đã được thay đổi.

Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Viết về một định kiến
Viết về một định kiến
(Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.
Ảnh minh hoạ.
TP HCM: Chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét
(Ngày Nay) - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, năm 2024 TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét.