Theo thống kê vừa được Tổng cục Thuế gửi tới các địa phương, tính tới 31/8, tổng tiền thuế nợ từ 5 triệu đồng trở lên của doanh nghiệp tại 16 địa phương có số thu điều tiết về ngân sách Trung ương là hơn 45.800 tỷ đồng, 47 địa phương còn lại có số nợ là hơn 12.000 tỷ đồng.
Trong số các địa phương, có số nợ lớn nhất là Hà Nội với hơn 13.530 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách là Thành phố Hồ Chí Minh hơn 9.890 tỷ đồng.
Ngoài ra, một loạt địa phương còn tổng nợ lớn như: Hải Phòng (trên 2.340 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (hơn 1.601 tỷ đồng), Bình Dương (khoảng 1.153 tỷ đồng), Thái Bình (1.191 tỷ đồng),…
Qua đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị cục trưởng các cục thuế giao trách nhiệm đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế từng đồng chí lãnh đạo cục thuế, trưởng phòng, chi cục trưởng và từng cán bộ, công chức quản lý nợ thuế.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các đơn vị với khoản tiền thuế nợ từ 1-30 ngày, thực hiện gọi điện thoại, nhắn tin và gửi thư điện tử cho chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế thông báo về số tiền thuế nợ.
Đối với khoản tiền thuế nợ từ ngày thứ 31 trở lên, ngành thuế lưu ý các địa phương ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi đến người nộp thuế yêu cầu nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Cơ quan chức năng sẽ ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp với khoản nợ thuế từ 91-120 ngày.
“Đổi với khoản tiền thuế nợ từ 121 ngày trở lên và đã ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản nhưng quyết định cưỡng chế đã hết hiệu lực (quá 30 ngày), doanh nghiệp chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ thì thực hiện ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng,” văn bản ngành thuế hướng dẫn./.