Nữ ‘chiến binh’ 9.0 IELTS và hành trình khám phá cái đẹp

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Là dân nghiên cứu nhưng Quỳnh không khô khan mà lại bay bổng, thích ví von, so sánh. Cô gọi thời tuổi trẻ của mình là một hành trình khám phá cái đẹp của cuộc sống và con người, còn bản thân cô là một người lữ hành…
Nữ ‘chiến binh’ 9.0 IELTS và hành trình khám phá cái đẹp

Giúp người khác đẹp, mình cũng đẹp hơn

Nguyễn Hương Ngọc Quỳnh bắt đầu được biết đến khi đạt điểm số tuyệt đối 9.0 trong kỳ thi IELTS. Từ trước đến nay, chỉ có 7 người ở Việt Nam làm được điều này. Nhưng Quỳnh thích nói về những trải nghiệm trong 10 năm làm tình nguyện viên cho các tổ chức của Liên Hợp Quốc hơn. Với cô, đó mới là món trang sức đẹp và quý giá nhất.

Trong 10 năm ấy, Quỳnh đã đi hàng chục nước trên thế giới, gặp hàng ngàn người từ các nền văn hóa khác nhau để triển khai các dự án thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ sức khỏe sinh sản và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Quỳnh gọi đó là hành trình khám phá vẻ đẹp của cuộc sống và con người. Còn cô là một người lữ hành đầy nhiệt huyết. Cái đẹp đâu nhất thiết phải lấp lánh, tinh xảo hay mỹ miều, kiêu sa. Nhiều khi cái đẹp lại nằm sau lớp áo rách rưới của người vô gia cư, hay trong những ngôi nhà thổ tối tăm.

Quỳnh đã gặp và giúp đỡ cho rất nhiều phụ nữ hành nghề mại dâm ở nhiều nước khác nhau. Cô khá bất ngờ khi phần lớn đều hiền lành, lịch sự chứ không xù xì, gai góc như mình tưởng tượng. Nhưng họ chọn nghề này vì phải nuôi cả một gia đình, chữa bệnh hiểm nghèo cho người thân, gánh một khoản nợ từ trên trời rơi xuống, hay đơn giản là bị lừa. Thất học từ nhỏ, muốn làm nghề khác cũng không ai nhận.

Quỳnh hiểu, họ không xấu, nhưng buộc phải chôn vùi cái đẹp của mình để sinh tồn. Đó là ví dụ điển hình cho sự bất công trong đối xử và phân chia cơ hội cho nhóm người yếu thế. Vì vậy nên Quỳnh mới cống hiến hết mình cho các dự án phát triển xã hội. Cô mong rằng ai cũng có thể được sống đẹp theo cách mà họ muốn. Quỳnh luôn tin đó là giá trị lớn nhất mà người làm phát triển xã hội có thể đem lại cho cộng đồng.

“Trước kia, mình cũng e dè khi gặp người nghiện hay gái mại dâm. Nhưng càng tiếp xúc nhiều, mình càng tự gột rửa hết mọi phán xét, định kiến để biết cách lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm với họ”, Quỳnh tâm sự, “khi giúp người khác đẹp, bản thân mình cũng trở nên đẹp hơn”.

Nữ ‘chiến binh’ 9.0 IELTS và hành trình khám phá cái đẹp ảnh 1
Nguyễn Hương Ngọc Quỳnh cùng các tình nguyện viên nước ngoài tại Ethiopia năm 2013.

Tìm về với cội nguồn

Nhưng hành trình khám phá cái đẹp của Quỳnh có một ngã rẽ bất ngờ, dẫn thẳng vào trái tim của mình.

Năm 2010, khi mới 20 tuổi, Quỳnh giành suất học bổng toàn phần tới thành phố New York (Mỹ) để thực tập cho Liên Hợp Quốc. Thời gian đầu ở New York, Quỳnh hạnh phúc vô cùng. Cuộc sống, công việc, con người, cái gì cũng mới, cũng thú vị. Cô bắt đầu so sánh nước Mỹ với quê hương của mình. Một đất nước đang phát triển làm sao có thể sánh bằng với cường quốc văn minh và giàu có nhất thế giới. Sự bồng bột của tuổi trẻ khiến cô tin rằng mình thuộc về nước Mỹ, chứ không phải Việt Nam.

Nhưng đến một ngày, Quỳnh cảm thấy trống rỗng khi trở về căn phòng trọ ở Manhattan. Nhìn qua cửa sổ, cô thấy những tòa nhà chọc trời bỗng lạnh lẽo, khô khốc chứ chẳng còn nguy nga, tráng lệ. Cô chợt thấy những người nước ngoài trở nên xa lạ vô cùng. Sao tìm mãi mà không thấy cảm giác gần gũi, thân thiết như với người Việt Nam? Sao bỗng dưng mình lại cảm thấy cô đơn đến thế? Ngày qua ngày, cô tự dày vò bản thân trong những câu hỏi đó.

Rồi Quỳnh cũng hiểu ra rằng, tất cả là vì cô chưa từng thừa nhận bản sắc dân tộc Việt Nam là một phần của mình. Cô coi mọi thứ thuộc về Việt Nam đều nhàm chán, lỗi thời và bỏ lại tất cả để chạy theo ảo vọng về một “giấc mơ Mỹ”. Nhưng bỏ sao được, khi dòng máu người Việt lúc nào cũng chảy trong huyết quản? Để tự chữa lành, Quỳnh quyết tâm bắt đầu một hành trình mới: hành trình tìm về với cội nguồn của dân tộc.

Năm 2014, Quỳnh về Việt Nam sinh sống và làm việc trong 1 năm. Trừ khi làm việc, cô cố gắng dành thật nhiều thời gian để tự mình khám phá, trải nghiệm. Lúc ấy, cô mới hiểu Việt Nam đẹp đến nhường nào. Quỳnh yêu những vạt nắng dịu dàng của mùa thu Hà Nội, yêu những triền hoa tam giác mạch ngập trong sắc hồng ánh tím ở Hà Giang, yêu cả một buổi chiều được về Bắc Ninh nghe hát quan họ trên hồ. Cô yêu những món ăn truyền thống như phở Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng hay cháo lươn xứ Nghệ. Ngay cả một gánh hoa bán rong trên yên xe đạp ở phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) cũng làm Quỳnh xao xuyến.

Nhưng điều Quỳnh yêu nhất là con người Việt Nam. Sự tình cảm, chân thành, hào phóng và ấm áp của người Việt khiến cô cảm thấy mình đang ở nhà. Không còn cô đơn, lạc lõng, trống rỗng nữa. Mọi cánh cửa đóng kín trong trái tim cô đều đã mở ra.

“Mình tin rằng chỉ cần luôn nhớ mình là ai, thì sẽ không lạc lối dù ở bất cứ đâu. Sau tất cả, mình cũng đã trở về quê hương để sinh sống và làm việc. Mình đã trở về Nhà,” Quỳnh hạnh phúc.

Người lữ hành sẽ tiếp tục đi…

Hiện tại, Quỳnh đang sống và làm việc tại Đà Nẵng. Ngoài số điểm IELTS tuyệt đối, Quỳnh còn có bằng Thạc sĩ loại xuất sắc ngành Phát triển Xã hội tại University College London (nằm trong top 8 trường đại học tốt nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds - Anh Quốc), và sở hữu một trung tâm dạy tiếng Anh của riêng mình. Ở tuổi 34, với bảng thành tích ấy, nhiều người nghĩ Quỳnh sẽ tập trung vào đào tạo và giảng dạy tiếng Anh. “Nhưng đó là những người chưa hiểu mình thôi”, Quỳnh cười, “cuộc hành trình của mình còn dài lắm.”

Tự hào và biết ơn, nhưng Quỳnh không muốn mình bị “đóng khung” vào số điểm 9.0 IELTS. Lòng khao khát được cống hiến cho cộng đồng, được khám phá vẻ đẹp của cuộc sống vẫn luôn cháy bỏng trong cô. Quỳnh vẫn miệt mài tham gia và tư vấn cho các dự án phát triển xã hội ở cả Việt Nam lẫn quốc tế. Cô còn dự định chinh phục tiếp tấm bằng Tiến sĩ ngành Phát triển xã hội, để chắp cánh cho cho ước mơ ấp ủ đã lâu.

Nữ ‘chiến binh’ 9.0 IELTS và hành trình khám phá cái đẹp ảnh 2

Nguyễn Hương Ngọc Quỳnh luôn mơ ước sẽ tự thành lập được một tổ chức chuyên triển khai các dự án giúp đỡ, hỗ trợ nhóm trẻ em thiệt thòi ở Việt Nam.

“Mơ ước lớn nhất của mình là tự thành lập được một tổ chức chuyên triển khai các dự án giúp đỡ, hỗ trợ nhóm trẻ em thiệt thòi ở Việt Nam như trẻ khuyết tật, trẻ đường phố, trẻ bị bạo hành,… Mình muốn được tự tay xây dựng, điều hành những dự án phát triển xã hội của riêng mình”, Quỳnh nói, giọng chắc nịch. Cô đã dành cả tuổi thanh xuân để tìm kiếm và khám phá cái đẹp. Đã đến lúc cô lan tỏa điều đó tới cộng đồng.

Nhưng dường như qua ước mơ ấy, Quỳnh còn muốn bày tỏ lòng biết ơn với mảnh đất nơi cô đã sinh ra và lớn lên. Cô muốn bù đắp lại những ngày tháng bồng bột, thiếu chín chắn khi còn ở Mỹ. Để sau này, dù đi đến phương trời nào, cô cũng không bao giờ cảm thấy lạc lõng và cô độc nữa.

Vậy là người lữ hành lại tiếp tục đi…

TIN LIÊN QUAN
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.