Chị Trịnh Thị Hồng, sinh năm 1965 tại một huyện nghèo Tiên Phước, Quảng Nam. Vào năm 2011, khi chứng kiến cảnh xe chở rác bị hỏng 4 ngày không thu gom được dẫn đến tình trạng hôi thối cho cả khu dân cư vì lượng rác hữu cơ thực vật phân hủy. Lúc đó chị trăn trở, giá như có thể biến rác thải thành tiền thì sẽ giải quyết tốt công tác bảo vệ môi trường cũng như giúp dân làm giàu.
Sau một thời gian tìm hiểu, chị nhận thấy việc đô thị hóa đồng nghĩa với đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Lực lượng lao động (đặc biệt là phụ nữ) có độ tuổi từ 35 trở lên không có việc làm vì không tiếp thu được công nghệ sản xuất theo hướng công nghiệp. Tình trạng hộ nghèo gia tăng và vấn đề đói nghèo, thoát nghèo, tái nghèo trở thành vòng luẩn quẩn. Nếu có việc làm, người dân sẽ thoát nghèo để đi lên.
Ngoài ra, thực tế chị thấy hầu hết chất tẩy rửa ở Việt Nam là hóa chất tổng hợp. Mặc dù chưa ai khẳng định hóa chất này có gây hại cho sức khỏe con người hay không nhưng việc sử dụng sản phẩm từ tự nhiên đang trở thành nhu cầu đặc biệt.
"Tôi nghĩ người giàu hay nghèo đều có quyền được bảo vệ sức khỏe như nhau. Tôi mong muốn mang đến cộng đồng người Việt sản phẩm sinh học sạch để bảo vệ sức khỏe và gia đình họ", chị Hồng chia sẻ và cho biết đã đưa ra quyết tâm nghiên cứu biến rác thải thành các loại sản phẩm hữu ích như nước rửa chén, nước lau nhà... cho người tiêu dùng cũng như tạo công ăn việc làm cho người nghèo.
Thời gian đầu nghiên cứu để cho ra thành phẩm, chị đã gặp sự phản đối từ nhiều phía. Chồng chị bảo ý tưởng đó là điên rồ, các con thì cho rằng suy nghĩ của chị hão huyền, viển vông, còn xã hội nhìn nhận sản phẩm mà chị nghiên cứu ra chỉ là lừa đảo vì làm gì có sản phẩm tốt mà giá thành lại rẻ, đặc biệt là người nông dân lại đi nghiên cứu sản phẩm thay cho các giáo sư, tiến sĩ...
"Ai nói cứ nói, việc tôi, tôi cứ làm. Nếu thành công, tôi sẽ đóng góp được vào việc giúp môi trường trở nên tốt hơn, nhiều người có thêm việc làm", chị tâm sự.
Sau 75 ngày vật vã nghiên cứu và ngốn hết 200 triệu đồng, chị Hồng cũng đã cho ra đời hai loại sản phẩm là nước rửa chén và nước lau nhà với giá đến tay người tiêu dùng 25.000 đồng mỗi chai (800ml).
Quy trình làm cũng khá đơn giản, chỉ với 3 kg rác thải (rau già, vỏ củ, quả, cát), rửa sạch, hòa 3gam đường vào 10 lít nước, ủ 30 ngày, lọc qua hệ thống lọc điều chỉnh PH. Sau đó, chị phối trộn bột dừa và chất hữu cơ từ dừa sẽ cho ra thành phẩm.
Với các đặc tính vượt trội như nước rửa chén có công dụng rửa sạch, khử độc, khử mùi, thông cống, không kích ứng da, tiết kiệm nước, tiết kiệm thời gian. Mỗi một chai nước rửa chén có thể pha thành 3 chai, có lợi cho người tiêu dùng. Trong khi đó, sản phẩm nước lau nhà của chị có công dụng làm sạch các vết bẩn bám trên bề mặt sàn nhà, gạch men, khử mùi kể cả nước tiểu chó, mèo... Lau nhà xong có thể dùng tưới cây làm tăng độ mùn cho đất, giúp cây phát triển tốt.
Cũng khá may mắn với chị là ngoài những sự phản bác kể trên thì chị đã có những nguồn động viên to lớn từ Hội liên hiệp phụ nữ các cấp. Sau đó, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hỗ trợ chị kinh phí kiểm định chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa (sở hữu trí tuệ).
Cuối năm 2015, chị được Viện nghiên cứu phát triển kinh tế, xã hội gửi thông báo về ý tưởng tham gia vào Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng. Sau nhiều lần xét duyệt, phỏng vấn, dự án của chị được chọn là một trong 8 dự án được ươm tạo khóa 1 tại vườn ươm.
"Vườn ươm dạy tôi biết cách kinh doanh, biết xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, đã biến tôi từ một nông dân trở thành giám đốc để quản lý doanh nghiệp giảm bớt rủi ro, đồng thời giúp tôi kết nối với nhà đầu tư, các kênh thông tin để sản phẩm lan tỏa đến cộng đồng", chị Hồng cho hay.
Tốt nghiệp vườn ươm vào tháng 7/2016, chị thành lập doanh nghiệp với số vốn điều lệ là 500 triệu đồng, chủ yếu dùng mua máy móc, thiết bị và trả tiền cho nhân công. Doanh thu hiện nay của công ty chị dao động khoảng 70-90 triệu đồng mỗi tháng (tức tầm trên dưới một tỷ đồng mỗi năm) với số lượng nhân viên 5 người. Hiện công ty thu gom, xử lý 94.500kg rác thải hữu cơ thực vật mỗi tháng.
Với mong muốn giúp ích cho cộng đồng và xóa nghèo bền vững cho người dân nơi chị sinh sống, trung bình 2 tháng chị tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất cho dân một lần. Sau 30 ngày chị sẽ kiểm tra và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với những người sản xuất thành công. Những hộ chưa thành công thì sẽ được hướng dẫn lại cho đến khi làm được. Hiện số hộ nghèo tham gia sản xuất là 85 hộ, thu nhập từ 2,4 đến 5 triệu đồng mỗi tháng, thời gian làm việc 30 phút mỗi ngày.
Dự tính đến năm 2020, chị Hồng hy vọng sẽ giải quyết cho 2.275 lao động thuộc hộ nghèo, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo.