Các trang viết của bà đã thu hút hàng chục triệu độc giả, nhưng khi "Nhật ký Vũ Hán" sắp được xuất bản ở nước ngoài bằng nhiều ngôn ngữ, tác giả Fang Fang lại phải đối mặt với một phản ứng dữ dội đến từ chính dư luận Trung Quốc.
Các nhà phê bình cho rằng nữ nhà văn 64 tuổi, người từng được trao giải thưởng Lỗ Tấn năm 2010, đang tiếp tay cho các quốc gia phương Tây trong việc chỉ trích các biện pháp phòng dịch của Trung Quốc.
Fang Fang bắt đầu ghi lại cuộc sống ở Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân và là nơi khởi phát của dịch COVID-19, kể từ khi chính quyền áp đặt lệnh phong tỏa vào ngày 23/1.
Tác giả Fang Fang, tên thật là Wang Fang (64 tuổi), từng giành giải thưởng văn học Lỗ Tấn năm 2010. Các tác phẩm của bà thường phản ánh cuộc sống của người lao động nghèo trong xã hội Trung Quốc hiện đại. |
Trong tác phẩm của mình, Fang Fang đã viết về nỗi sợ hãi, sự tức giận và hy vọng của người dân sống trong cảnh bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Trong một mục, nữ nhà văn đã đề cập đến việc nhìn thấy khung cảnh của một hồ Đông trống rỗng của Vũ Hán và mô tả nó như một "vùng nước hoang vu và yên bình".
Bà cũng nhắc tới việc người dân Vũ Hán giúp đỡ lẫn nhau và niềm vui đơn giản khi thấy mặt trời chiếu sáng căn phòng của mình.
Nhưng Fang Fang cũng chạm vào các chủ đề nhạy cảm về chính trị như cảnh tượng bệnh viện quá tải buộc phải từ chối bệnh nhân, tình trạng thiếu thốn vật tư y tế và cái chết của nhiều người xung quanh.
"Một người bạn bác sĩ đã nói với tôi: trên thực tế, các bác sĩ đều biết rằng căn bệnh này lây nhiễm từ người sang người, chúng tôi đã báo cáo điều này với cấp trên, nhưng không ai cảnh báo mọi người", theo lời kể của Fang Fang.
Những lời đe dọa tới tính mạng
Hàng chục triệu độc giả đã đổ xô vào đọc những trang viết trong "Nhật ký Vũ Hán", trong bối cảnh các thông tin về cuộc sống của người dân tại thành phố này không được ghi lại đầy đủ trong những ngày "phong thành".
Nhưng có không ít người đã phản đối "Nhật ký Vũ Hán" của Fang Fang, đặc biệt trong bối cảnh nổ ra tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc, khi phía Washington cáo buộc Bắc Kinh đã thiếu minh bạch trong việc cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, khiến toàn thế giới mất đi "thời gian vàng" để phòng ngừa.
"Hoan hô Fang Fang. Bà đang cấp thêm đạn dược cho các nước phương Tây để nhắm vào Trung Quốc. Bà đã để lộ bản chất phản bội của mình", một tài khoản trên Weibo bày tỏ quan điểm.
Một người thậm chí buộc tội Fang Fang kiếm tiền từ sinh mạng của gần 4.000 nạn nhân tại Vũ Hán: "Bà đã bán cuốn nhật ký này với giá bao nhiêu?"
Bất ngờ trở thành tâm điểm chỉ trích trên mạng, nữ nhà văn đã viết trên mạng xã hội Weibo rằng bà là nạn nhân của những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc.
Và trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên trang tin Caixin, tác giả của "Nhật ký Vũ Hán" cho biết bà đã nhận được không ít lời đe dọa tới tính mạng khi địa chỉ nhà riêng của mình bị đăng công khai.
Cách nhà xuất bản HarperCollins của Mỹ giới thiệu cuốn sách - sẽ được ra mắt vào tháng 6 và có tựa đề ngắn gọn là "Nhật ký Vũ Hán" - như "đổ thêm dầu vào lửa".
"Sự thật phũ phàng của hiện trạng tàn khốc này khiến Fang Fang buộc phải lên tiếng chống lại sự bất công xã hội, tham nhũng, lạm dụng và các vấn đề chính trị mang tính hệ thống, cản trở việc ứng phó với dịch bệnh", nhà xuất bản mô tả về cuốn sách.
Theo nhà xuất bản, "cuốn sách pha trộn giữa sự kỳ quái và phản địa đàng (dystopian)" cũng như đem tới "một cái nhìn độc đáo về cuộc sống bị giam cầm".
Quyên góp tiền bản quyền
Hu Xijin - tổng biên tập tờ Global Times của Trung Quốc, cho biết ấn phẩm tiếng nước ngoài của cuốn sách "không thực sự hợp thời" khi Bắc Kinh đang trong giai đoạn đối đầu với Washington.
"Cuối cùng, sẽ chỉ có người Trung Quốc, bao gồm cả những người ủng hộ Fang Fang ngay từ đầu, là những người sẽ trả giá cho sự nổi tiếng của bà ấy ở phương Tây", ông Hu bình luận trên mạng xã hội.
Một bài báo trên tờ Global Times nói rằng với nhiều người Trung Quốc, cuốn sách hoàn toàn "lệch lạc và chỉ phơi bày mặt tối ở Vũ Hán".
Theo Fang Fang, các nhà xuất bản ở Trung Quốc, vốn từng rất hứng thú với tác phẩm của bà, hiện đã tỏ ra do dự khi chứng kiến làn sóng tranh cãi về "Nhật ký Vũ Hán".
"Tại sao không xuất bản cuốn sách này? Chỉ vì một số có thể lợi dụng chúng ta?" Fang Fang đặt câu hỏi. "Nếu mọi người thực sự đọc nhật ký của tôi, họ sẽ khám phá ra các biện pháp hiệu quả mà Trung Quốc đã thực hiện để chống lại dịch bệnh".
Fang Fang nói rằng bà sẽ quyên góp "tiền bản quyền" mà mình nhận được và "trao tặng cho gia đình của các nhân viên y tế làm việc ở tiền tuyến và đã qua đời".
Trên mạng xã hội Weibo, nhiều người hâm mộ Fang Fang cũng không tiếc lời bảo vệ nữ nhà văn.
"Fang Fang chẳng nợ ai cả", một người bình luận. "Bạn có thể tự do viết một cuốn nhật ký đi ngược lại những gì bà ấy đã viết, dịch nó và xuất bản nó ra nước ngoài!".