Tác hại khôn lường của ô nhiễm khói bụi
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, ô nhiễm khói bụi hiện được xem là mối nguy hại lớn đến sức khỏe con người khi nó tác động trực tiếp đến đường hô hấp, tai mũi họng, da và tác động gián tiếp đến tim mạch.
Tác động đối với đường hô hấp
Bình thường, với lượng bụi trong giới hạn cho phép, biểu mô đường hô hấp là biểu mô hình trụ, có lông chuyển và các tuyến chế tiết đồng thời có hệ thống thảm nhầy trên bề mặt chứa các tế bào đại thực bào có nhiệm vụ bắt giữ bụi bẩn và tạo thành rử mũi. Khi bụi vượt quá ngưỡng cho phép, cơ chế bảo vệ không còn đủ khả năng làm sạch không khí nữa, lúc này, các tác nhân trong khói bụi hít vào đường thở sẽ kích thích và gây bệnh.
Tai mũi họng
Những người sẵn có cơ địa dị ứng rất dễ xuất hiện viêm mũi họng dị ứng như hắt hơi từng tràng, chảy nước mũi trong và ngạt tắc mũi thường xuyên; ngứa họng, ho kèm theo đờm trong hoặc đặc; khàn tiếng, nói khó; đau rát họng nhất là khi đi ra nơi nhiều bụi.
Đường hô hấp dưới: khí, phế quản, phế nang, nhất là những người sẵn có bệnh lý hô hấp mạn tính (tâm phế mạn, hen phế quản, viêm phế quản mạn…) sẽ có cảm giác ngực mình nặng hơn, xuất hiện ho nhiều về đêm giai đoạn đầu, sau đó ho liên tục cả ngày kèm theo khạc đờm vàng xanh.
Tác động lên da
Da là cơ quan có bề mặt lớn nhất trong cơ thể, đây cũng chính là bộ phận có khả năng tự đào thải độc tố hiệu quả. Cơ chế đào thải độc tố của cơ quan này là thông qua việc “đổ mồ hôi” khi lỗ chân lông mở và thoát những “giọt” lấm tấm trên da mang theo những chất độc trong cơ thể ra bên ngoài. Khi quá nhiều bụi, lớp biểu bì phủ trên cùng của da không đủ thời gian tạo mới sau khi bị bụi bít lấp toàn bộ các lỗ chân lông, không còn khả năng cho các tuyến mồ hôi thực hiện chức năng thải độc.
Ngoài ra, bụi bám trên da cũng có thể gây tình trạng dị ứng da ở những người có cơ địa dị ứng, có thể biểu hiện dưới dạng ban đỏ từng nốt hoặc từng mảng da bị bong tróc.
Ảnh hưởng đến tim mạch
Theo nhiều nghiên cứu, bụi là yếu tố gián tiếp gây ra các bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp, viêm thành mạch dị ứng...
Các cách tự vệ trước ô nhiễm khói bụi
Theo PGS.TS Đào, trong điều kiện không khí ô nhiễm, mọi người khi ra đường cần phải đeo khẩu trang đúng cách, đúng loại; tăng cường uống nước, khoảng 2,5 lít/ngày; hạn chế hút thuốc đặc biệt hút trong nhà; đóng cửa khi nhiều khói bụi…
Bên cạnh đó, cần phải tăng cường khả năng giải độc của da bằng cách tích cực vận động, tập thể dục để làm thoát mồ hôi nhiều hơn; tắm hơi, tắm với nước muối magie sunphat loãng cũng là những cách hữu hiệu để có thể kích thích tuyến mồ hôi hoạt động hiệu quả và bài tiết chất thải cơ thể ra bên ngoài; làm sạch da bằng cách tắm nước ấm và hạn chế sử dụng xà phòng tắm để tránh làm bít kín các lỗ chân lông.
Ngoài ra, các bộ, ban, ngành cũng nên khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện giao thông công cộng, sử dụng xăng sinh học cho những phương tiện cá nhân; tăng diện tích trồng cây xanh; sử dụng máy lọc không khí ở những nơi nồng độ bụi cao; thiết lập hệ thống mưa nhân tạo…