“Một khi vẫn còn khách hàng, thì tôi phải có trách nhiệm duy trì công ty. Tôi cảm thấy an tâm khi giờ đã lựa chọn người thừa kế’, ông chủ Nagao Shiko điều hành một nhà máy gồm 6 nhân viên tại khu công nghiệp Nishi thuộc tỉnh Nagoya chia sẻ.
Theo báo Mainichi, việc lựa chọn một người kế thừa nước ngoài thay vì thành viên gia đình trong một doanh nghiệp như trên là cực kỳ hiếm gặp. Đây được coi là trường hợp tiên phong trong bối cảnh Nhật Bản càng ngày lệ thuộc lực lượng lao động nước ngoài.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Nagao thành lập công ty vào năm 1969, phục hồi công việc kinh doanh mà cha ông từng thất bại. Phần lớn đơn hàng của công ty là màng chất dẻo dùng trong việc sản xuất tã giấy. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh này lại bị đe dọa khi các nhà sản xuất chuyển sang dùng sản phẩm nhập khẩu. Nhanh trí, ông Nagao chuyển sang cung ứng sản phẩm cho ngành sản xuất ô tô, thực phẩm. Kể từ đó, nhà máy của Nagao làm ăn phát đạt.
Khi ở độ tuổi ngoài 60, Nagao bắt đầu tìm người thừa kế. Con trai cả của ông làm một công việc khác và không hứng thú với việc tiếp quản công ty. Sau nhiều lần suy nghĩ cẩn trọng, ông chủ Nhật Bản đã lựa chọn người kế tiếp có đủ năng lực quản lý công ty là anh Nguyen Duc Truong, 34 tuổi đến từ Việt Nam.
Anh Truong tới Nhật Bản từ năm 2005 với vai trò là một thực tập sinh kỹ thuật. Anh được thường trú vĩnh viễn sau khi cưới một phụ nữ Nhật Bản. Năm 2008, sau khi tìm thấy công ty qua văn phòng giới thiệu việc làm “Hello Work”, anh Truong bắt đầu vào nhà máy làm việc. Mặc dù ban đầu thiếu kinh nghiệm song Truong tỏ ra là một người có năng lực, tay nghề giỏi và học rất nhanh. Chàng thanh niên 34 tuổi hoàn toàn chiếm được lòng tin của ông chủ người Nhật bằng những lần đại tu máy hỏng, sửa chữa những vết rò rỉ trong nhà máy và chủ động làm thêm việc.
Cách đây vài năm, khi được Nagao hỏi liệu anh có sẵn lòng tiếp quản công ty, Truong tỏ ra ngạc nhiên đồng thời cũng cảm thấy nhiều áp lực. “Nhưng tôi rất vui khi thấy ông Nagao đặt nhiều niềm tin cho mình, và tôi quyết định bảo vệ công ty này”, Truong chia sẻ.
Khoảng 95% các doanh nghiệp vừa, nhỏ tại "đất nước Mặt trời mọc" là doanh nghiệp gia đình. Câu hỏi cấp thiết ai sẽ là người thừa kế công việc kinh doanh luôn gây khó cho những người quản lý hiện nay.
Theo một khảo sát của Viện nghiên cứu Tokyo Shoko Research năm 2016-2017 với sự tham gia của 4.303 doanh nghiệp vừa và 3.984 doanh nghiệp nhỏ, có đến 30% công ty trả lời không có người thừa kế hoặc chưa quyết định sẽ làm gì để chọn. Trong khi đó, có khoảng 2,1% doanh nghiệp vừa và 17,2% doanh nghiệp nhỏ tỏ thái độ bi quan khi cho rằng thế hệ hiện tại sẽ là ban quản lý cuối cùng của công ty.
Giáo sư Hirokazu Hasegawa thuộc Đại học Kinh doanh và Tài chính Waseda chỉ ra rằng “Nếu người đứng đầu công ty không thể tìm người kế nghiệp từ người thân, lẽ tự nhiên họ sẽ chọn nhân viên mà họ tin tưởng nhất, dù cho người đó có quốc tịch gì”.
Ông Nagao khẳng định sẽ “tiếp tục làm việc miễn là còn đủ sức khỏe”, nhưng ông hy vọng rất nhiều vào anh Truong. “Khả năng hoàn thành công việc và tính cách khiến tôi lựa chọn anh ấy. Tôi không thể đòi hỏi thêm gì từ anh ấy với vai trò một người thừa kế”.