Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: Tính đến ngày 25/3, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018. Tín dụng được tập trung cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tổng phương tiện thanh toán đến ngày 25/3 tăng 2,67% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,23%). Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, 9-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.
Trong 3 tháng đầu năm nay, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Nhờ đó, NHNN cho biết đã tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Theo ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), NHNN đã có công văn chỉ đạo định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng; trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với tổ chức tín dụng thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN.
Về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6,8% và lạm phát bình quân dưới 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, trong những tháng tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
"Chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn, phù hợp với diễn biến, tình hình kinh tế trong và ngoài nước nên luôn phải có nhiều điểm mới. Nhưng mục tiêu và phương châm điều hành xuyên suốt được NHNN kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ko chủ quan với lạm phát, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nói.
Ngoài ra, NHNN cũng đang hướng tới thu hẹp hoạt động cho vay ngoại tệ; chuyển quan hệ tiền gửi, cho vay sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Vì thế, NHNN đặt lộ trình đến 31/3 sẽ dừng tín dụng ngoại tệ ngắn hạn và đến 30/9 sẽ dừng nhu cầu tín dụng ngoại tệ dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, đến 31/01/2019, ước tính toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, ước đạt trên 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 (riêng năm 2018 xử lý được khoảng 113,4 nghìn tỷ đồng).
Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh. Do vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì dưới 2%.
Thí điểm cho người dân tham gia cho vay ngang hàng
“Cho vay ngang hàng (P2P lending) là hình thức giao dịch dân sự, pháp luật hiện hành chưa giao cho cơ quan chức năng nào quản lý hoạt động này. P2P lending có những điểm thuận lợi với người cho vay và người đi vay vì thời gian nhanh nhưng mặt tiêu cực có thể gây hệ lụy với người tham gia do chưa có cơ chế kiểm soát. Chính phủ đã giao NHNN đầu mối nghiên cứu và NHNN đã giao các vụ chức năng tham gia nghiên cứu, đánh giá, tham khảo kinh nghiệm các nước để trình Chính phủ, đề xuất cho thực hiện thí điểm và coi hoạt động này như ngành kinh doanh có điều kiện. Chúng tôi sẽ trình Chính phủ để các hoạt động này phù hợp với xu hướng mới nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.