Theo ông Trí, 2 người Rục phát hiện các hóa thạch tê giác Rhinoceros siensis là ông Trần Xuân Báo, Trần Xuân Lê đã dẫn ông Đinh Huy Trí đến hang động có lòng hang rộng 2m, chiều cao 15m, chiều dài 20m, cuối hang có 1 vũng nước ngầm từ dưới lên.
Mẫu vật thứ nhất và mẫu vật thứ 2 là 2 chiếc chiếc răng động vật cỡ lớn, mẫu thứ 3 là đoạn xương hàm có 4 cái răng và 3 cái lỗ chân răng, phần xương hàm có màu đen.
Sau khi tiếp nhận mẫu vật, ông Đinh Huy Trí đã đề nghị Hội Khảo cổ học Việt Nam tại Hà Nội giám định tên loài và niên đại của các mẫu vật trên.
Hội Khảo cổ học Việt Nam đã giám định và trả lời bằng Văn bản số 20/CV-KHCHVN do PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội ban hành vào cuối tháng 9-2019 khẳng định cả 3 mẫu vật thu được ở bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đều là răng hàm hóa thạch của loài tê giác Rhinoceros siensis (Owen) thuộc họ tê giác Rhinocerotidae và bộ guốc lẻ (Pesissodactyla).
Ông Đinh Huy Trí (áo trắng) tiếp nhận bộ hàm tê giác hóa thạch từ người dân bản Yên Hợp. Ảnh: VQG PN-KB cung cấp. |
Theo PGS. TS Nguyễn Lân Cường: “Loài tê giác này đã tìm thấy trong các địa điểm thuộc trung kỳ và hậu kỳ Cánh tân (Pleistocene) có niên đại từ vài chục vạn đến vài vạn năm như; Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng (Lạng Sơn), Hang Hùm (Yên Bái), Thẩm Ồm (Nghệ An), Nhẩm Dương (Hải Dương) và nhiều địa điểm thuộc văn hóa Hòa Bình.
Nhưng tìm thấy 1 đoạn hàm như mẫu vật số 3 thì tới nay chỉ có địa điểm Kéo Lèng (Lạng Sơn), Nhẫm Dương (Hải Dương).
Vì vậy, mẫu số 3 của Yên Hợp là 1 mẫu vật vô cùng quý giá. Dựa vào độ nặng của hóa thạch, độ cứng của trầm tích, chúng tôi cho rằng cả 3 hóa thạch này có niên đại cách nay từ 5 đến 3 vạn năm”.
Theo ông Đinh Huy Trí, cuối tháng 10-2019, Hội Khảo cổ học Việt Nam sẽ vào khảo cổ hang động này ở Yên Hợp, tên bản địa của hang động hiện không được tiết lộ nhằm tránh các sự tò mò không đáng có với mục đích bảo tồn nguyên trạng bên trong nó.
Được biết, hang động trên thuộc địa phận Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng .