Theo các nhà khoa học, một loại vi khuẩn vừa được phát hiện trong suối nước nóng của một núi lửa có thể “ăn tươi nuốt sống” carbon dioxide (CO2) với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc.
Loại vi khuẩn mới, thuộc họ vi khuẩn lam, được phát hiện vào tháng Chín năm ngoái, trong các vết nứt núi lửa gần đảo Vulcano của Italy, tại những khu vực có hàm lượng CO2 trong nước ở mức cao.
Theo các nhà nghiên cứu, loài sinh vật này biến CO2 thành sinh khối nhanh hơn bất kỳ loại vi khuẩn lam nào khác mà nhân loại từng biết tới.
Vào tháng Hai, nhóm cũng đã khám phá ra các vi khuẩn tương tự tại một số suối nước nóng ở dãy núi Rocky thuộc vùng Colorado, Mỹ. Những kết quả thu được từ Mỹ vẫn đang được phân tích.
Các nhà nghiên cứu cho biết toàn bộ dữ liệu về vi khuẩn của họ sẽ được công bố và cung cấp cho các nhà khoa học khác, dưới dạng cơ sở dữ liệu ghép nối các chuỗi DNA với những mẫu vi khuẩn được lưu trữ.
Tiến sỹ Braden Tierney đến từ Đại học Y Weill Cornell và Trường Y Harvard chia sẻ: “Cộng tác viên chính của chúng tôi tại Harvard đã phân lập được sinh vật này. Nó phát triển nhanh đáng kinh ngạc so với các loại vi khuẩn lam khác."
Dự án được tài trợ bởi công ty công nghệ sinh học Seed Health. Công ty này đã thuê Tierney làm cố vấn.
Seed Health chuyên bán men vi sinh hỗ trợ sức khỏe con người và hiện đã phát triển một loại men vi sinh cho ong. Công ty cũng đang nghiên cứu việc sử dụng các enzym vi sinh vật để phân hủy nhựa.
Giám đốc điều hành công ty là Raja Dhir cho biết: “Seed Health được thành lập dựa trên niềm tin rằng bằng cách khai thác tiềm năng to lớn của hệ vi sinh vật, chúng tôi có khả năng tạo ra những bước chuyển lớn đối với sức khỏe con người và toàn hành tinh. Công việc của chúng tôi với tiến sỹ Tierney hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh đó và có thể giúp mở khóa các mô hình mới để thu giữ carbon.”
Ý tưởng sử dụng vi khuẩn để thu giữ CO2, có khả năng được tăng cường nhờ kỹ thuật di truyền, là một lĩnh vực nghiên cứu tích cực. Một đánh giá gần đây cho rằng vi khuẩn có thể tạo ra các hóa chất hữu ích, cũng như giữ lại CO2.
Theo đánh giá này, sử dụng vi khuẩn để quản lý CO2 có thêm lợi ích là tạo ra các sản phẩm phụ hữu ích trong công nghiệp như nhiên liệu sinh học, hợp chất dược phẩm và nhựa sinh học.
Công ty LanzaTech của Mỹ là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới sử dụng vi khuẩn để chuyển đổi CO2 thành nhiên liệu và hóa chất thương mại.
Trong khi đó công ty CyanoCapture có trụ sở tại Vương quốc Anh, được Shell và tỷ phú Elon Musk hậu thuẫn, đang khai thác vi khuẩn lam để sản xuất sinh khối và dầu sinh học.
Nhiều công ty khác cũng đang nghiên cứu việc sử dụng tảo để sản xuất nhiên liệu sinh học, mặc dù ExxonMobil mới đây đã kết thúc nghiên cứu về vấn đề này.
Bản thân các nhà khoa học đứng sau nghiên cứu mới cũng cảnh báo các vi khuẩn vừa được tìm thấy không phải là “viên đạn bạc” giúp giải quyết những khó khăn lớn nhất trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Ở diễn biến khác, vài loại vi khuẩn được tìm thấy trong hang động cũng đã được chứng minh có thể biến CO2 thành khoáng chất.
Các nhà khoa học đang nhắm đến việc sử dụng vi khuẩn để cắt giảm lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất ximăng.