Diện mạo mới của một vùng đất quen
Hiện tại, Đà Nẵng là cái tên quen thuộc với du khách nhưng “thành phố đáng sống” này trong quá khứ đã từng đối mặt với bài toán về việc phát triển tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hoạt động khai thác khoáng sản, khai thác thuỷ hải sản không bền vững và thói quen sinh sống của người dân địa phương.
Cho tới tận hơn 10 năm trước, du khách đến với Đà Nẵng vẫn chỉ loay hoay trong một vài điểm đến nằm về phía Đông Nam hoặc xuôi hẳn về Hội An. Trong khi đó, khu vực Tây Bắc, dù sở hữu tài nguyên thiên nhiên đa dạng, văn hoá bản địa độc đáo, nhưng những cản trở về các tuyến đường bộ cũ kỹ, bám đầy bụi than khiến bất cứ ai cũng dễ cảm thấy nản lòng. Cùng với đó là sự thiếu vắng của hệ thống lưu trú, nghỉ dưỡng tiêu chuẩn, các khu vui chơi giải trí ngày và đêm dành cho du khách.
Với đặc thù về văn hoá, tập quán bản địa, dù đã có những doanh nghiệp tư nhân tiếp cận để đầu tư vào khu vực này từ hơn một thập kỷ trước nhưng phải tới năm 2022, 2023 mới có thể bắt tay triển khai dần các hạng mục.
Tháng 4/2023, tại khu vực làng chài Nam Ô thuộc quận Liên Chiểu, Tây Bắc Đà Nẵng, một cụm điểm đến đã chính thức ra mắt người dân Đà Nẵng. Cụm công trình bao gồm Công viên Nguyễn Tất Thành, Khu nhà trưng bày mô hình làng Nam Ô với kiến trúc mang đậm bản sắc Việt, tác phẩm điêu khắc cổng vòm hướng ghềnh và tuyến phố ăn vặt dành cho du khách. Toàn bộ các hạng mục được đầu tư bởi Tập đoàn Trung Thuỷ với ngân sách lên tới hơn 50 tỷ đồng.
Diện mạo mới của khu vực làng chài Nam Ô. |
Được triển khai đồng bộ, cụm công trình không chỉ tạo nên diện mạo mới khang trang hơn cho khu vực làng chài Nam Ô mà còn góp phần hiện thực mong muốn biến khu vực Tây Bắc sớm trở thành một trụ cột quan trọng của kinh tế Đà Nẵng, trở thành một điểm “phải đến” dành cho du khách. Theo ghi nhận của đơn vị phụ trách triển khai, từ trung tuần tháng 4/2023, lượng khách ghé thăm mỗi ngày lên tới hơn 1000 lượt, chủ yếu vào chiều tối và buổi sáng sớm để ngắm hừng đông vì bãi biển làng Nam Ô vốn sở hữu view bao trọn vịnh Đà Nẵng.
Song hành thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường
Đối với đặc thù du lịch Tây Bắc Đà Nẵng, sáng tạo, đổi mới sản phẩm du lịch chính là giải pháp hàng đầu cho bài toán phát triển du lịch thông qua sự đầu tư của doanh nghiệp tư nhân. Song song với phát triển du lịch, các doanh nghiệp cũng công bố hàng loạt các hoạt động bảo vệ môi trường như thu gom rác tại khu vực bờ biển, điểm tham quan, đào tạo cư dân bản địa canh tác thuỷ hải sản theo hướng bền vững.
Bên cạnh những ưu đãi về thiên nhiên, việc chính quyền địa phương đặt niềm tin vào các doanh nghiệp tư nhân để triển khai các dự án du lịch đã giúp Tây Bắc Đà Nẵng có thể tái định vị một điểm đến du lịch, hoàn thiện chiến lược chuyển đổi phát triển trọng tâm vùng.
Quay lại câu chuyện đồng hành phát triển du lịch bền vững của Tập đoàn Trung Thuỷ tại làng Nam Ô, không thể không kể tới hành trình thay đổi diện mạo khu vực. Ghé thăm công trình Nhà trưng bày mô hình làng Nam Ô hiện nay, không có nhiều du khách biết rằng nơi mình đang đứng chỉ khoảng vài năm trước chỉ là một bãi đất đá ngổn ngang, nhếch nhác.
Mặc dù không thường xuyên đón tiếp du khách bốn mùa nhưng vào mùa rêu tháng 1 đến tháng 3 hằng năm, khu vực Ghềnh đá Nam Ô là điểm thu hút khá đông người dân Đà Nẵng, Quảng Nam tới tham quan, chụp hình. Du khách khi đến đây thường mang thức ăn và nước uống để vui chơi, cắm trại qua đêm mà lại “quên” dọn dẹp trước khi ra về. Rác vương vãi ở khắp mọi nơi, từ bãi biển đến khu vực ghềnh đá, gây mất mỹ quan của khu du lịch xinh đẹp này.
Hình ảnh Nam Ô ngày xưa. |
Hình ảnh Nam Ô hiện tại. |
Sau khi được UBND Thành phố Đà Nẵng phê duyệt việc triển khai phát triển công trình du lịch tại Nam Ô, Tập đoàn Trung Thuỷ đã sớm đưa ra các giải pháp để cải thiện tình hình môi trường tại đây như thu gom rác thải, bố trí thùng rác trong các khu vực đã triển khai thi công, xây dựng nhà vệ sinh khang trang, sạch sẽ phục vụ nhu cầu du khách.
Đặc biệt, để sẵn sàng ra mắt tuyến phố ăn vặt nằm dọc theo hàng dương của công viên Nguyễn Tất Thành, doanh nghiệp còn tiến hành cải tạo các lối đi, lối xuống biển gọn gàng, sạch đẹp mà vẫn đảm bảo tiêu chí giữ gìn nguyên vẹn hàng dương lâu năm, trồng thêm các loại dây leo phù hợp thổ nhưỡng và “ươm” thêm màu xanh cho khu vực. Đồng thời, các chương trình đào tạo, hướng dẫn tăng cường nhận thức bảo vệ môi trường tiếp tục được triển khai đồng bộ để người dân địa phương và du khách có thể đồng hành xây dựng một điểm đến xanh, sạch, đẹp.
Nam Ô triển khai các kế hoạch bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. |
Du lịch hiện nay được định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Phát triển du lịch dựa trên sự khai thác các yếu tố tài nguyên tự nhiên, môi trường và văn hóa của từng địa phương chính là chìa khoá để tạo nên chuỗi giá trị bền vững cho nhiều năm sau này.