Thuộc dự án giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản của Trung tâm Thông tin UNESCO - Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, hai bài diễn đã mang đến những sắc màu văn hóa mới lạ và giàu bản sắc tại một trong những lễ hội mùa hè lớn nhất Tokyo.
“Thiên Linh Diệm Vũ” của đội Kumoyo kết hợp nghệ thuật Yosakoi để kể một câu chuyện dựa trên dân gian Nhật Bản và phong tục cầu mưa. Tục lệ này không chỉ được truyền qua các thế hệ mà còn hiện diện trong nhiều loại hình nghệ thuật, từ văn học và hội họa đến biểu diễn nghệ thuật và nghi lễ tôn giáo. Đây là một chủ đề phổ biến, thể hiện chiều sâu tâm linh và văn hóa của người Nhật, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của xứ sở mặt trời mọc. Đại diện đội Kumoyo chia sẻ: “Việc sử dụng chính nét văn hóa của Nhật Bản để sáng tạo và biểu diễn trước khán giả bản địa là một thách thức rất thú vị. Chúng mình tự hào mang bài diễn "Thiên Linh Diệm Vũ," tác phẩm bản quyền của đội, lên sân khấu lễ hội Super Yosakoi 2024, với lá cờ Tổ quốc tung bay cao.”
Trong khi đó, “Bàn Vương Xướng – Quá Sơn Chi Ca” của đội Hanuyo kể về sự hình thành dân tộc Dao, dựa trên truyền thuyết Bàn Vương Long Khuyển, nhân vật được cho là thủy tổ của người Dao ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Bài diễn đã tạo ra một sự kết hợp độc đáo giữa Yosakoi và văn hóa dân tộc thiểu số của Việt Nam, giúp giới thiệu đến khán giả Nhật Bản không chỉ truyền thuyết Bàn Vương mà còn những nét văn hóa đặc sắc của người Dao. Đặc biệt, sau buổi biểu diễn ngày 24/8/2024, đội Hanuyo với tiết mục “Bàn Vương Xướng – Quá Sơn Chi Ca” đã được ban tổ chức chọn tham gia diễu hành trên con đường Omotesando vào chiều 25/8/2024, con đường diễu hành dài nhất trong lễ hội.
"Trước khi sang Nhật, bên cạnh việc chuẩn bị cho bài diễn, chúng mình cũng bảo nhau phải tập luyện thể lực thật tốt để sẵn sàng đối mặt với việc đi bộ nhiều, di chuyển liên tục tại lễ hội. Dù đã chuẩn bị khá kỹ, các thành viên trong đội vẫn xuống sức vì thời tiết nắng nóng của mùa hè Tokyo, vì những đêm thiếu ngủ để chuẩn bị cho lễ hội trước ngày diễn.
Những lời chào “Otsukaresamadesu” (Tạm dịch: Vất vả rồi / Bạn đã làm tốt lắm) của các bạn odoriko Nhật Bản mỗi lần lướt qua nhau, cùng những cốc nước tiếp sức và những chiếc quạt trao tay kịp thời của ban tổ chức lễ hội đã giúp chúng mình đỡ mệt hơn rất nhiều" - Hồng Trang, một diễn viên múa của đoàn giao lưu chia sẻ.
***
Khán giả tại lễ hội đã dành cho hai đội múa đến từ Việt Nam những lời khen ngợi, tràng vỗ tay nồng nhiệt, ánh mắt trìu mến và nụ cười rạng rỡ. Sự yêu thương từ khán giả chính là những "tấm huy chương" quý giá nhất mà hai đội Hanuyo và Kumoyo nhận được tại lễ hội lần này.
Các tiết mục Việt Nam tại lễ hội Harajuku Omotesandou Genki Matsuri Super Yosakoi 2024 đã góp phần thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Với những màn trình diễn đầy ấn tượng, Kumoyo và Hanuyo đã giúp người dân Nhật Bản hiểu hơn về văn hóa Việt Nam. Đây là một ví dụ tuyệt vời về cách nghệ thuật có thể kết nối các nền văn hóa và làm bền chặt hơn mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia.
Ảnh: Minh Đức, Nghĩa Nguyễn, Hiền Thu, Duy Nghĩa, Quốc Hoàn