Đưa cổ tích Việt Nam vào âm nhạc lễ hội

Đưa cổ tích Việt Nam vào âm nhạc lễ hội

Cổ tích Việt Nam Công & Quạ kể chuyện hai loài ngồi vẽ cánh cho nhau, trong khi Công kiên nhẫn chờ điểm tô, Quạ lại sốt sắng nhảy vội vào thùng sơn đen xì. Từ đó, Công có bộ cánh đẹp đẽ, còn Quạ thì lại xấu hổ, lủi thủi ở những nơi hoang vu, vắng vẻ. Nhưng lễ hội chẳng phải là chốn vui tươi dành cho tất cả giống loài hay sao? Dù là đôi cánh rực rỡ, hay bộ lông vũ đen tuyền, muôn loài đều có thể hoan ca, thu hút ánh nhìn của thiên hạ.

_____________________

Đây là phần giới thiệu mở đầu cho bài diễn thể loại yosakoi của đội múa Nakama Yosakoi mang tên “Irodori” (tiếng Nhật, nghĩa là “Tô màu”).

Theo tiếng địa phương của vùng Tosa (ngày nay là Kochi), Yosakoi bắt nguồn từ khẩu ngữ “yosshakoi”, có nghĩa là “Đêm nay mời bạn đến”. Kể từ 2007, Yosakoi cùng Lễ hội mùa xuân tháng Tư đã trở thành một món ăn tinh thần quen thuộc đối với các bạn trẻ Việt Nam yêu văn hóa Nhật Bản nói riêng và công chúng Thủ đô nói chung. Theo thời gian, loại hình này ở Việt Nam đã được đưa vào vô số những chủ đề, chất liệu đậm chất Việt Nam thay vì thuần Nhật như thuở ban đầu.

Bài diễn “Irodori” dựa trên câu chuyện cổ tích Việt Nam Công & Quạ đã được giới thiệu tại nhiều sân khấu Việt Nam và sẽ chính thức trình diễn tại Tokyo, Nhật Bản mùa hè này.

Đưa cổ tích Việt Nam vào âm nhạc lễ hội ảnh 1

Các phiên bản cổ xưa của những câu chuyện cổ tích kinh điển thế giới lẫn Việt Nam không thiếu những nội dung và kết cục có phần đen tối. Như cái kết gây tranh cãi cho hai mẹ con Cám trong cổ tích Tấm Cám, hay những người chị kế của cô bé Lọ Lem Cinderella (trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Pháp Charles Perrault, 1697) đã gọt đi gót chân và ngón chân của mình để xỏ vừa đôi giày thủy tinh, khiến hình ảnh thử giày tìm kiếm người thương của hoàng tử trở nên đẫm máu. Hay Nàng tiên cá (1837) của Andersen vốn có một mối tình đơn phương đầy khổ đau, cuối cùng đã gieo mình xuống đại dương và tan thành bọt biển.

Khi kết hợp những câu chuyện cổ tích vào các loại hình nghệ thuật khác (phim điện ảnh, hoạt hình, truyện tranh hay âm nhạc), những chi tiết này thường được thay đổi để góp phần tạo nên một thế giới tuổi thơ trong sáng cho trẻ em, nhấn mạnh vào tính chất giáo dục, giúp các em hiểu được các giá trị đạo đức, biết phân biệt được đúng – sai. Không nằm ngoài xu thế, đối với tác phẩm múa “Irodori”, đội múa Nakama Yosakoi đã thay đổi đi cái kết về một loài chim quạ “xấu xí chẳng ai chơi”, luôn phải lủi thủi đầy cô quạnh.

Đưa cổ tích Việt Nam vào âm nhạc lễ hội ảnh 2
Đưa cổ tích Việt Nam vào âm nhạc lễ hội ảnh 3
Đưa cổ tích Việt Nam vào âm nhạc lễ hội ảnh 4

Yosakoi được mệnh danh là "Điệu múa của nụ cười"

Theo Phan Tiến Dũng, đại diện Nakama Yosakoi, đội đã cố gắng đưa phần lớn cốt truyện cổ vào trong bài múa, từ khoảnh khắc ban đầu khi mọi loài chim đều không có sắc màu, cho đến khi Quạ vẽ nên một bộ lông đầy màu sắc cho Công, và cả khoảnh khắc Quạ quá nóng vội mà đổ nguyên cả thùng mực đen lên người: “Truyện cổ Công và Quạ trên thế giới có nhiều phiên bản, nhưng theo tìm hiểu của Nakama Yosakoi, chỉ có bản Việt Nam lý giải lý do vì sao hai con vật lại có màu lông như hiện tại. Riêng ở Việt Nam cũng có hai dị bản, một bản Quạ do mải chạy theo đàn chim đi tìm đồ ăn, nên đã giục Công đổ hết cả mọi màu mực lên người, và một bản là khi Công luống cuống lỡ đổ nguyên màu đen lên người Quạ.”

Dù là dị bản nào, thì cái kết của chim Quạ luôn là một mình, bị chê cười: “Chúng tôi muốn thay đổi đi cái kết, bằng cách thêm vào một phân đoạn mới. Loài Quạ sau giây phút hoảng hốt vì ‘hóa đen’, đã bình tĩnh tự nhận ra bản thân Đen cũng là một màu đầy kiêu hãnh. Màu sắc ấy khiến Quạ mang một vẻ vừa bí ẩn vừa ‘ngầu’ trong sự tán dương của chim Công. Và rồi cả hai loài Quạ, Công đều có thể nắm tay nhau vui mừng nhảy múa.”

Trong cái kết mới này, loài Quạ không còn cảm thấy xấu xí, mà có thể nhận ra vẻ đẹp huyền bí nơi đôi cánh đen tuyền, sau cùng hạnh phúc vì những gì mình có, xét cho cùng, đây cũng là một cái kết xứng đáng hơn cho những nỗ lực sáng tạo chăm chỉ của Quạ khi ngồi tô điểm cho chim Công.

Biên đạo nhảy Nguyễn Việt Hùng đã đưa vào những nét đặc trưng của những loài chim, cũng như cố gắng lột tả được hành động, cảm xúc của Công và Quạ ở từng phân cảnh: Cảnh vũ điệu không màu của hai loài; Cảnh Quạ vẽ cho Công với điệu múa chậm rãi, thướt tha; Cảnh Công vẽ cho Quạ với điệu bộ hối hả, pha thêm phần kịch tính; và Cảnh khi Quạ và Công cùng vui vẻ nắm tay nhau ngắm nhìn bộ cánh mới.

Đưa cổ tích Việt Nam vào âm nhạc lễ hội ảnh 5

Bài diễn "Irodori" đánh dấu tròn 10 năm kể từ lần đầu tiên Nakama Yosakoi tham dự lễ hội Nhật Bản tại Hà Nội

“Trước khi chính thức làm nhạc và biên đạo, chúng tôi đã cùng ngồi lại tìm hiểu về những dị bản của Công & Quạ, thậm chí nghiên cứu những đặc tính của hai loài chim. Có rất nhiều những mẩu kiến thức mới mẻ mà nhờ giai đoạn chuẩn bị cho bài diễn, Nakama mới nhận ra, ví dụ như trong trường hợp chim công, đuôi dài và đẹp là điểm đặc trưng nổi bật của chim đực, làm cho nó trông khác với con cái chứ không phải là của chung loài công, hay của riêng phái đẹp như nhiều người lầm tưởng. Hoặc chim quạ vốn là một loài thông minh và ‘thù dai’ nhất hành tinh,” Tiến Dũng hóm hình: “Nếu theo đúng mạch nguyên tác thì chắc quạ chẳng thể nào dễ dàng tha thứ cho Công thật.”

Bằng những động tác đầy dụng ý, gợi hình ảnh, biên đạo Việt Hùng đã khiến “Irodori” mở ra trước mắt người xem những trang sách về một miền cổ tích Việt vốn rất thân quen từ những ngày thơ ấu.

Thông qua bài múa, Nakama không chỉ muốn truyền tải tinh thần sống hết mình cho hiện tại, trân trọng tất thảy những gì mình đang có, mà còn gửi vào đó một thông điệp mang tính thời sự và rộng lớn hơn, cổ vũ chúng ta nhìn nhận tất cả mọi vẻ đẹp khác biệt trên đời, không phân biệt đối xử - như chiến dịch toàn cầu “Black Lives Matter” đang hướng đến (Black Lives Matter: Mạng sống của người da đen cũng đáng giá, chiến dịch bắt nguồn từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi, nhằm chống lại bạo lực và phân biệt chủng tộc có hệ thống đối với người da đen).

Đưa cổ tích Việt Nam vào âm nhạc lễ hội ảnh 6

Dù thế giới âm nhạc đa dạng muôn màu, nhưng nếu để ý ta có thể nhận thấy mỗi nước lại có màu sắc âm nhạc riêng. Chẳng hạn như chỉ với một đoạn nhạc ngắn, người nghe có thể lập tức gợi sự liên tưởng đến những hàng bạch dương của Nga, khung cảnh hoa anh đào Nhật Bản, hay đồng quê Việt Nam với sáo diều, bông lúa. Điều này là nhờ các nhạc sĩ có thể vận dụng biến hóa những kiến thức về scale (âm giai) – một dãy nốt nhạc thể hiện những cảm xúc buồn vui hay để tái hiện âm hưởng đặc trưng của mỗi vùng miền.

Major scale (âm giai trưởng) gồm một dãy nốt khi phát ra tạo ra cảm giác vui tươi, dễ chịu, minor scale (âm giai thứ) gồm một dãy nốt khi phát ra tạo cảm giác buồn, và còn có vô vàn âm giai trong thế giới âm nhạc như blue scales, jazz scales, pentatonic scale (âm giai ngũ cung, thường nghe thấy trong phim kiếm hiệp).

Đưa cổ tích Việt Nam vào âm nhạc lễ hội ảnh 7

Yosakoi là điệu múa dành cho tất cả mọi người, không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề...

Trong bản nhạc sáng tác riêng cho “Irodori” của Nakama, producer Khang Nguyễn đã lựa chọn các âm giai làm nổi bật lên bốn màn chính: không khí đầy trong trẻo của bình minh khi muôn loài thức giấc với những đôi cánh xám trắng giống như nhau, không gian thấm đẫm nghệ thuật và sự thướt tha uyển chuyển khi loài công được điểm tô và hóa thân sang một màu sắc mới, âm sắc hối hả có phần kịch tính khi loài Quạ được vẽ lông rồi bị hất vội một màu đen tối, và chuyển sang màn cuối khi quạ tự nhận thấy vẻ đẹp của bản thân trong sự tán dương của Công, và hai loài cùng tưng bừng đi trảy hội.

Ngoài những âm giai gây liên tưởng đến Nhật Bản và loại hình nghệ thuật yosakoi, Khang Nguyễn đã đưa thêm vào nhạc cụ đàn tranh, sáo nhị, nguyệt cầm… trên giai điệu của âm giai nhạc Việt truyền thống, nhằm tạo ra được bối cảnh mang đậm nét Việt Nam cho câu chuyện cổ Công và Quạ.

Đưa cổ tích Việt Nam vào âm nhạc lễ hội ảnh 8

Irodori sẽ được biểu diễn tại Lễ hội Harajuku Omotesandou Genki Matsuri Super Yosakoi tại Tokyo trong hai ngày 27, 27/8/2023

“Khi đặt sáng tác bài hát cho Irodori, chúng tôi đã yêu cầu thể hiện được yếu tố Việt trong tổng thể một bài múa phong cách Nhật Bản. Yosakoi đã du nhập vào Việt Nam 16 năm, và Nakama cũng đã đi qua năm thứ mười hoạt động, việc có thể hài hòa giao thoa những nét Việt Nam vào loại hình đặc trưng của nước Nhật, sau đó diễn ở Nhật cũng là một trải nghiệm thú vị và nhiều ý nghĩa, đặc biệt khi 2023 đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản”, Tiến Dũng cho biết.

Thêm vào đó, để hòa hợp với âm nhạc và bầu không khí lễ hội tại một trong những sự kiện mùa hè “nóng” nhất Tokyo, Shjn - thiết kế phục trang của Nakama đã lựa chọn những màu sắc táo bạo hơn so với hình dung thông thường của công chúng về loài chim công, quạ. Sau khi trút bỏ lớp cánh màu xám, Công rực rỡ trong bộ cánh màu cam điểm xuyết ánh xanh, còn Quạ khoác trên mình bộ cánh tím đen. Để lý giải về sự đổi màu ấy, Nakama cho biết lựa chọn này phù hợp với một bài biểu diễn đường phố hơn, thay vì màu xanh lam và đen, đồng thời giữ một chút màu theo dải màu tự nhiên vốn có trên thân của hai loài công, quạ.

Đây không phải là lần đầu tiên Cổ tích Việt Nam được đưa lên những sân khấu kịch hay vào những giai điệu, ca từ. Những màn kết hợp tốn nhiều giấy mực nhất có thể kể đến ca khúc đình đám một thời “Bống Bống Bang Bang” (2016) dựa trên Tấm Cám của nhóm 365Daband hay album “Cổ tích” (2018) kể chuyện cổ tích bằng âm nhạc của KTS Nguyễn Thanh Minh.

Dù không phải là một hướng đi mới, nhưng sự kết hợp vừa mới lạ vừa thân thuộc với tuổi thơ luôn mang lại sự hào hứng, thích thú cho công chúng. Mang chuông đi đánh xứ người trong tháng Tám, Nakama Yosakoi cũng mong muốn có thể mang một chút hơi thở kỳ diệu của tuổi thơ Việt Nam, tỏa lan ra thế giới.

• Nakama Yosakoi là đội múa được bảo trợ bởi Trung tâm Thông tin UNESCO, thành lập từ tháng 5/2012 với mục đích tạo nên một sân chơi cho những người yêu thích văn hóa Nhật Bản nói chung và điệu múa Yosakoi nói riêng.

• Năm 2015, Nakama Yosakoi từng tham dự Lễ hội Harajuku Omotesandou Genki Matsuri Super Yosakoi tại Tokyo và vinh dự giành được giải Người mới xuất sắc với bài diễn “Mirai e” (Hướng đến Tương lai).

• Năm 2023, để đánh dấu chặng đường 10 năm hoạt động, đội múa đã mang bài diễn “Irodori” lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Việt Nam Công và Quạ, với mong muốn có thể lan tỏa được nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam ra thế giới. “Irodori” được biểu diễn lần đầu tại Liên hoan Việt Nam Yosakoi tại Hà Nội, tháng 4/2023. Bài diễn từng đạt Giải Nhì tại Yosakoi Dance Contest Hải Phòng tháng 7/2023.

TIN LIÊN QUAN
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.