Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 5: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hà Nội

Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 5: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hà Nội

Những mái nhà nhuốm màu thời gian, những di tích thâm trầm, cổ kính lọt thỏm giữa phố phường sầm uất. Phố cũ liền phố mới, những biệt thự cổ trầm mặc nằm kề những tòa nhà hiện đại cao chót vót. Chưa bao giờ, văn hóa Hà Nội đứng trước những thách thức và thay đổi trên quy mô lớn như hiện nay…

*****

Sự đồng hành và nguồn lực của UNESCO chỉ thật sự có ý nghĩa khi mỗi người làm văn hóa và người dân hiểu được bản chất của mối quan hệ này.

1. Trong cuộc gặp với UBND Hà Nội ngày 27/3/2023, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazarre Eloundou khẳng định rằng UNESCO sẽ đồng hành với Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, văn hiến và sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác hơn nữa trong thời gian tới. Buổi làm việc cũng thể hiện các cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong việc thực thi nghiêm túc Công ước Di sản thế giới. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy mối quan hệ hợp tác song phương bền chặt giữa UNESCO và Hà Nội.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, bởi thiếu những tuyên truyền đúng đắn, vẫn còn nhiều người dân, thậm chí cả những người đang công tác trên lĩnh vực văn hóa chưa hiểu đúng về ý nghĩa bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là đối với di sản văn hóa phi vật thể, cũng như về mối quan hệ đối tác lâu dài giữa địa phương và tổ chức UNESCO.

2. Quay trở lại năm 2019, khi truyền thông Việt Nam liên tục đưa tin về việc Nhà nước chuẩn bị hồ sơ để đệ trình tranh Đông Hồ với UNESCO. Hầu hết tất cả các nguồn tin đều đưa ra một số lý lẽ như: Tranh Đông Hồ có giá trị văn hóa cao và đang đứng trước nguy cơ thất truyền, vì vậy cần đệ trình UNESCO sớm để cứu nghề tranh Đông Hồ; tranh Đông Hồ sẽ được UNESCO giúp đỡ và hồi sinh...

Về vấn đề trên, tại hội thảo quốc tế “Vai trò của Ủy ban quốc gia UNESCO trong công tác bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên vì phát triển bền vững” năm 2019, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã bày tỏ quan điểm:“Tôi rất ngạc nhiên về các luận điểm trên truyền thông và tự hỏi tại sao ngành văn hóa các cấp, chính quyền địa phương, thậm chí Nhà nước Việt Nam không tự cứu lấy tranh Đông Hồ mà phải chờ để UNESCO thay chúng ta làm điều này? Tôi không tin rằng chỉ nhờ vào danh hiệu Di sản Thế giới thì sẽ cứu được nghề tranh này, cũng không tin rằng có được cái mà có người thậm chí còn gọi là ‘thương hiệu’ UNESCO thì người dân đang sống trong thế kỷ 21 sẽ mua nhiều tranh Đông Hồ hơn để trang trí ở nhà vào dịp Tết như nước nhà 1-2 thế kỷ trước đây.”

Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 5: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hà Nội ảnh 1

Theo ông, đứng trước nguy cơ thất truyền, thì ngành văn hóa và các cơ quan có trách nhiệm cần đưa ra các giải pháp chuyên môn, mà trước hết là cần hướng dẫn các nghệ nhân Đông Hồ phải biết cách tự bảo tàng hóa nghề tranh của mình, tức phải ghi chép, ghi hình, viết sách và truyền dạy có định hướng, thậm chí biến làng tranh thành một điểm hội tụ du lịch, đưa lĩnh vực mỹ thuật dân gian này vào các trường mỹ thuật. “Đó trước hết phải là việc mà Nhà nước và nhân dân cùng làm trước khi chúng ta cầu cứu UNESCO bằng việc làm ngược đời là tôn vinh Tranh Đông hồ là Di sản phi vật thể tầm thế giới. Bởi cần đề phòng rằng có sự đánh tráo bằng một nguy cơ để dành lấy một niềm tự hào và thành tích”, ông Thắng nhấn mạnh.

Mục đích cuối cùng của sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là bảo tồn để giới thiệu nền văn hóa dân tộc với bạn bè quốc tế năm châu và để thu hút khách du lịch.

3. Lĩnh vực bảo tồn và bảo tàng của thế giới đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử văn minh nhân loại. Nếu soi chiếu rộng ra, Anh quốc có Bảo tàng Quan tài, Nga có Bảo tàng Tang lễ, Pháp có Bảo tàng Ma cà rồng, Mỹ có Bảo tàng Thỏ, Hàn Quốc có Bảo tàng Kimchi hay Nhật Bản có Bảo tàng Mì gói. Những bảo tàng không chỉ trưng bày vô số bức tranh, mô hình hay không gian sắp đặt theo chủ đề, mà còn có rất nhiều những sản phẩm kèm theo mang nét đặc trưng của từng nơi. Rõ ràng rằng, không có giới hạn nào cho việc “bảo tàng hóa” và biến nét đặc trưng địa phương thành những điểm du lịch gây tò mò, thu hút du khách, đặc biệt là giới trẻ từ mọi quốc gia trên thế giới, thông qua những ứng dụng tìm kiếm thông tin du lịch quốc tế như TripAdvisor hay Klook. Việc quảng bá một cách bài bản dựa trên những tiến bộ công nghệ chắc chắn sẽ đem lại những kết quả tốt cho cả phát triển du lịch cũng như gìn giữ, thậm chí làm dày hơn những giá trị văn hóa Thủ đô.

Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Bảo tàng giờ đây không chỉ là nơi trưng bày để phô trương các khối tài sản quý giá của quá khứ và hiện tại, mà nơi đây đã trở thành một cánh cửa để thế hệ công dân có điều kiện mở rộng kiến thức lịch sử văn hóa, mở rộng tầm nhìn vào cả bề sâu và bề rộng của quá khứ, hiện tại và tương lai.” Ông cũng chỉ ra một thực trạng rằng bảo tàng ở Việt Nam nói chung còn tương đối đơn điệu, ít được cập nhật các hiện vật đa dạng và có giá trị, đa số các bảo tàng địa phương đều tuân theo một khuôn mẫu cứng nhắc, duy trì một nền tảng hiện vật tương đối giống nhau. Điều này đã làm hạn chế sức thu hút và hấp dẫn của bảo tàng trong mắt công chúng.

Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 5: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hà Nội ảnh 2

Điều cần làm tiếp theo chính là tìm kiếm những nét văn hóa đặc thù, đầy bản sắc, đầy chất thơ, hoặc những nét độc đáo, thú vị và trẻ trung của Hà Nội để khai thác và phát triển.

4. Năm 1999, Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, năm 2019 Hà Nội chính thức tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo (TPST) của tổ chức này. Trong bảy lĩnh vực được xác định để UNESCO xét ghi danh trong Mạng lưới TPST, gồm: Thủ công và nghệ thuật truyền thống, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và âm nhạc, Hà Nội đã chọn Thiết kế - một khái niệm bao trùm nhiều khịa cạnh, lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Trong tham luận “Giải pháp phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo của thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới” (Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại”), TS. Nguyễn Văn Hoạt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội có chỉ rõ: “Tài nguyên văn hóa đô thị bao gồm di sản lịch sử, công nghiệp và nghệ thuật, bao gồm kiến trúc, cảnh quan đô thị hoặc địa danh. Chúng cũng bao gồm các truyền thống địa phương và bản địa về đời sống công cộng, lễ hội, nghi lễ hoặc câu chuyện cũng như sở thích và đam mê. Ngôn ngữ, ẩm thực và nấu ăn, các hoạt động giải trí, thời trang đều là một phần của tài nguyên văn hóa của thành phố, cũng như các nền văn hóa phụ và truyền thống tri thức có thể được sử dụng để thể hiện sự đặc biệt của một địa điểm. Hà Nội chọn Thiết kế là định hướng phát triển, thì nhân dân, những người sống và yêu Hà Nội, khách đến đây phải được trải nghiệm chất thiết kế lan tỏa, thấm đẫm và được tôn trọng trong mọi hoạt động kinh tế và văn hóa, trong mọi ngành nghề, cho dù đó là du lịch văn hóa, ẩm thực, thời trang, hay thủ công mỹ nghệ... Xây dựng thương hiệu TPST cho Hà Nội chính là tìm cho nó giá trị lõi, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh giá trị lõi đó và tạo điều kiện tốt nhất để mọi người có cơ hội trải nghiệm giá trị lõi đó.”

Câu hỏi đặt ra là nét văn hóa nào đủ độc đáo, mang tính ứng dụng cao và thể hiện được bản sắc văn hóa địa phương của Thủ đô ngàn năm văn hiến và đầy sức trẻ?

Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 5: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hà Nội ảnh 3

Hiện tại, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu, như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian bích họa Phùng Hưng, hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải)… Dù vậy, nhiều hoạt động được thực hiện bởi các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, chưa có các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng. Có những lĩnh vực thiếu vắng vai trò quản lý nhà nước, mặc dù về ý tưởng thì vô cùng thú vị, như Ngày hội “Bách hoa Bộ hành” năm 2022, tề tựu hàng trăm nam nữ thanh niên yêu thích Việt phục (áo dài, Ngũ thân, Nhật Bình...) cùng bách bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Điều Hà Nội thiếu có vẻ là sức mạnh tổng thể để tạo nên tiếng vang lớn cho một thành phố sáng tạo trong Mạng lưới của UNESCO.

5. Mới đây, Lễ hội Bánh mì lần đầu tiên vừa được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh (30/3-02/4/2023), nhằm tôn vinh giá trị ẩm thực Việt, đặc biệt là món bánh mì, món ăn đã đi vào từ điển Oxford với định nghĩa là một món ăn đường phố độc đáo của Việt Nam. Lễ hội đã thu hút được 100.000 lượt khách tham quan, cùng những hoạt động nổi bật: Vinh danh kỷ lục nhận “Top Thương hiệu Bánh mì lâu đời và nổi tiếng trên 50 năm tại Việt Nam”; Hội thảo chuyên đề “Hành trình phát triển Bánh mì Việt Nam”; Công diễn giới thiệu 105 món ăn kèm bánh mì; bánh mì làm từ rau củ quả các loại... Mục tiêu thiết thực của sự kiện là góp phần quảng bá sự độc đáo của bánh mì Việt Nam đến đông đảo người dân, du khách quốc tế sinh sống tại Việt Nam, cũng như du khách thế giới. Học hỏi từ mô hình của thành phố Hồ Chí Minh, việc lên ý tưởng xây dựng một bảo tàng mô hình, tư liệu về ẩm thực địa phương Hà Nội cũng có thể là một sáng kiến tiềm năng để phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo.

Tương tự như lễ hội kể trên, Hà Nội cũng có thể thiết kế và quảng bá những sự kiện thú vị để thu hút du khách nội địa cũng như quốc tế, theo mô hình vui nhộn như những lễ hội nổi tiếng trên thế giới, có thể kể đến Lễ hội ném bột màu Holi (Ấn Độ), Lễ hội hoá trang Rio Carnival (Brazil), Lễ hội ném Cam (Italia), Lễ hội Té nước Songkran (Thái Lan). Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý đến công tác an ninh để tránh những trường hợp dẫm đạp đáng tiếc như Lễ hội Halloween năm 2022 tại Hàn Quốc, cũng như công tác bảo vệ cảnh quan, môi trường đô thị xanh sạch đẹp.

Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 5: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hà Nội ảnh 4

6. Theo kế hoạch, trong năm 2023, Hà Nội sẽ phải hoàn thành cam kết với UNESCO như trong Hồ sơ khi gia nhập Mạng lưới các TPST ở lĩnh vực thiết kế, song đến nay, nhiều nội dung vẫn chưa được triển khai như: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; Tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo, diễn đàn mạng lưới TPST Đông Nam Á, mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ.

“Hà Nội cũng nên xác định rõ ‘danh hiệu’ này không phải được trao tặng vĩnh viễn, mà để bảo vệ được thương hiệu này, Hà Nội sẽ phải thực hiện những cam kết của mình như đã thể hiện trong Hồ sơ đăng ký như những thành phố thành viên khác”, TS. Nguyễn Văn Hoạt nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.