Trước đó, UBND TPHCM đã có quyết định về việc xếp hạng di tích cấp thành phố đối với 5 Di tích kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn. 5 di tích đó là: Trụ sở Cục Hải Quan TPHCM, Trụ sở UBND quận 1, Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, mộ cổ của Ông Binh bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ Lang họ Trần. Theo quyết định của UBND TPHCM, 5 di tích được lập hồ sơ di tích, xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích.
Tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo trong khuôn viên Đền thờ. Ảnh: Thanh Kiều |
Đối với hai di tích Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Chợ Bến Thành, UBND TPHCM yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao, UBND quận 1, UBND phường Bến Thành (quận 1), UBND phường Tân Định (quận 1) thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (số 36, đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1), được xây dựng năm 1932, là một trong những địa điểm tín ngưỡng linh thiêng của người dân Sài Gòn – TPHCM lâu nay. Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo được xây dựng trong khuôn viên rộng lớn của chùa Vạn An cũ.
Vào ngày 28/7/1957, theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bảo, Hội Bắc Việt tương tế đã khởi công xây dựng lại đền và hoàn thành vào ngày 11/7/1958. Về sau, đền còn được tu bổ nhiều lần để hình thành diện mạo như hôm nay.
Cổng chính Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Ảnh: Thanh Kiều |
Chợ Bến Thành là một địa danh gắn liền với sự phát triển đô thị Sài Gòn - TPHCM. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912, nằm bên bờ sông Bến Nghé. Nơi đây từng là một bến sông để quân lính và người dân ra vào thành Gia Định (Quy Thành, thành Bát Quái), vì thế nên gọi là Chợ Bến Thành.
Khoảng những năm 1912 - 1914, người Pháp cho xây lại Chợ Bến Thành mới tại vị trí ngày nay. Phía trước cửa chính hướng Nam của Chợ Bến Thành là Bùng binh Chợ Bến Thành, còn được gọi là Công trường Diên Hồng, Quảng trường Quách Thị Trang.
2 di tích kiến trúc nghệ thuật khác được xếp hạng lần này thuộc địa bàn Quận 1, gồm: Trụ sở UBND quận 1 (45 - 47, đường Lê Duẩn), Trụ sở Cục Hải quan TPHCM (2 đường Hàm Nghi và số 21, đường Tôn Đức Thắng).
Trụ sở UBND quận 1 được xây dựng vào năm 1876, đây là một trong số ít công trình xây dựng từ rất sớm, hiện còn tồn tại ở trung tâm TPHCM. Từ năm 1955 đến 1975, tòa nhà này là trụ sở của Bộ Tư pháp của chế độ Sài Gòn cũ. Từ năm 1975 cho đến nay là trụ sở của UBND quận 1. Trụ sở Cục Hải quan TPHCM được xây từ năm 1885 -1887 do kiến trúc sư người Pháp thiết kế.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ Lang họ Trần, tọa lạc tại hẻm 113, đường Trần Văn Đang (phường 11, quận 3).