Phát biểu từ Nhật Bản ngày 24/6, Tổng thống Philippines thuật lại cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe về việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong các vấn đề tranh chấp trên biển rằng: “Chúng tôi kêu gọi các nước tuân thủ hoàn toàn Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) và cùng Trung Quốc hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)”.
Tổng thống Aquino cho biết Philippines đang trao đổi với các nước đối tác trong ASEAN, “đặc biệt là 4 nước có liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông (gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei), từ đó tổ chức một cuộc họp giữa các bên đang căng thẳng với Trung Quốc để tìm ra tiếng nói chung”.
Tàu tuần duyên Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, đêm 24/6, khi được hỏi về phản ứng trước việc Trung Quốc đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển lân cận, Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore nhấn mạnh "luật pháp quốc tế phải là công cụ quan trọng để giải quyết tranh chấp". Singapore không phải là nước có tranh chấp trên Biển Đông.
Cũng trong ngày 24/6 đến 25/6, cuộc họp lần 11 giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc về việc thi hành Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) diễn ra ngày tại Bali, Indonesia.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông leo thang sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông hồi tháng 5/2014.
Chính quyền Philippines cũng cáo buộc Trung Quốc cải tạo đất và xây công trình trái phép tại quần đảo Trường Sa. Ông Ei Sun, nhà nghiên cứu tại trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajartnam (SSIS, Singapore) nhận định các nước ASEAN có thể sẽ ủng hộ Philippines và Việt Nam để kiềm chế các hoạt động của tàu Trung Quốc trong Biển Đông.
"Một mặt Trung Quốc tỏ ra tích cực theo đuổi hoàn thành COC, mặt khác nước này không chấp nhận thỏa hiệp. Do vậy COC chỉ là một phần trong việc đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông", ông Ei Sun trả lời báo South China Morning Post.