Càng chửi càng xem
Phát sóng từ đầu tháng 5/2018 và đến nay đã được gần 50 tập, “Gạo nếp gạo tẻ” thu hút hàng triệu lượt xem. Phim gây bàn tán về các tình tiết ngược đạo lý cũng như mối quan hệ đầy căng thẳng giữa mẹ với con ruột, vợ - chồng, mẹ vợ - con rể... Phim xoay quanh gia đình bà Mai (NSND Hồng Vân) và ông Vương (Mai Huỳnh). Trải qua thời làm dâu lo toan, khổ cực, bà Mai muốn hai con gái - Hương, Hân - sau này sống sung túc, lấy được chồng giàu. Thế nhưng, khi cô con gái tên Hương có bầu ngoài ý muốn với một chàng trai nghèo, bà Mai bực tức, gièm pha cuộc sống túng thiếu của con. Bà quay sang thiên vị và yêu thương cô em (Hân) vì lấy được chồng đại gia…
Phim được mua bản quyền từ “Gia tộc họ Wang” (Wang’s Family) - tác phẩm truyền hình có đề tài gia đình ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2013. Tuy nhiên, khi “nhập khẩu” về Việt Nam, theo đạo diễn Hoàng Anh, bộ phim đã Việt hóa từ lời thoại đến các tình tiết để làm sao phim mang phong vị đậm đặc của gia đình Việt qua hình ảnh mâm cơm ngày giỗ, ẩm thực, tranh Đông Hồ... Những phân cảnh đời thường, những cuộc tranh cãi giữa mẹ - con, con dâu đuổi ba chồng về quê, trọng giàu khinh nghèo, mẹ vợ xúi con rể ly dị con gái… cứ cuốn người xem đi hết từ cảm xúc này đến cảm xúc khác.
Phim “Thương nhớ ở ai” |
Nhiều khán giả thẳng thừng chửi bà Mai trên mạng xã hội vì quá… bức xúc. Bất cứ mâu thuẫn nào trong gia đình bà Mai cũng khiến người xem... nóng ruột. Càng nhiều người chửi, phim lại càng được nhiều khán giả… dán mắt vào màn hình theo dõi. Trên kênh YouTube, các tập phim “Gạo nếp gạo tẻ” đều cán mốc vài triệu lượt xem. Điển hình là tập phát sóng đầu tiên đạt 7,1 triệu view chỉ sau 3 tuần đăng tải, tập 39 đạt gần 3 triệu lượt xem chỉ sau vài ngày...
Phim "Gạo nếp gạo tẻ" |
Bộ phim “Cả một đời ân oán” phát sóng trên VTV3 cũng khiến nhiều khán giả lao đao nếu lỡ bỏ mất một tập phim nào đó. Bộ phim níu chân được khán giả tới hơn 70 tập dù chỉ xoay quanh những câu chuyện đời thường trong gia đình. Những ân oán, tranh chấp, hiềm khích tồn tại trong gia đình đã tạo nên những hiểu lầm không thể hóa giải và đẩy những người thân thiết trở nên hận thù, xa cách. “Cả một đời ân oán” xoay quanh những câu chuyện trong Vũ Gia, một công ty gia đình có tầm ảnh hưởng lớn trên thương trường. Bộ phim được mua kịch bản và chuyển thể từ bộ phim nổi tiếng của Đài Loan (Trung Quốc) “Cô dâu bạc triệu” nhưng có những thay đổi để phù hợp hơn với văn hóa Việt Nam. Khán giả bị kéo theo dàn diễn viên với những mối quan hệ được coi là rất nhạy cảm: vợ cả - vợ lẽ, con chung - con riêng, anh chồng - em dâu... mà không thể nào dứt ra nổi.
Bộ phim sitcom “Gia đình 4.0” lên sóng kênh VTV2 từ đầu tháng 8/2018 với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng trong đó có NSƯT Minh Vượng, NSƯT Đức Khuê… cũng đang được nhiều khán giả quan tâm. Bộ phim cũng đề cập đến vấn đề nóng hổi hiện nay là các vấn đề của gia đình trong thời đại 4.0. “Gia đình 4.0” là series phim Việt lần đầu tiên xuất hiện trên giờ vàng của kênh VTV2 và nhanh chóng được người xem đón nhận. Chỉ 30 phút/tập, “Gia đình 4.0” là những câu chuyện nhẹ nhàng, hài hước mà ở đó, các mâu thuẫn, sự khác biệt trong tư tưởng, tình cảm gia đình được giải quyết bằng tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ, và sự quan tâm của các thành viên trong nhà dành cho nhau. Một khán giả hào hứng chia sẻ trên trang cá nhân: “Đúng bộ phim mà mình đang tìm!”.
Chẳng bao giờ… hết chuyện
Trước phim “Gạo nếp gạo tẻ”, sitcom “Gia đình 4.0”… cơn sốt phim “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”… lúc nào cũng khiến các trang mạng, diễn đàn sôi nổi bàn luận. Bộ phim đã “gây bão” màn ảnh nhỏ Việt khi đề cập tới chuyện hôn nhân gia đình, đặc biệt khai thác mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu.
Thời nào cũng thế, từ những bộ phim Việt cũ như: “Người đẹp Tây Đô”, “Người Hà Nội”, “Những người sống bên tôi”, “Của để dành”… đến “Chuyện nhà Mộc”, “Gió qua miền tối sáng”, “Đồng tiền xương máu”… Tất cả đều khiến người xem sống cùng cảm xúc nhân vật. Những bộ phim phản ánh đề tài hôn nhân gia đình, các mặt sáng tối của cuộc sống... dường như chưa bao giờ có dấu hiệu hết “hot” dù chỉ mãi xoay quanh những câu chuyện muôn thuở trong gia đình: mẹ chồng – nàng dâu, con anh – con em, con bác – con chú… Nhiều bộ phim mua bản quyền của nước ngoài nhưng vẫn khiến khán giả Việt quan tâm theo dõi bởi những mâu thuẫn trong gia đình được Việt hóa, hết chuyện nọ đến chuyện kia, chẳng bao giờ có hồi kết.
Đôi khi, để tạo cao trào, nút thắt cho bộ phim, nhiều đạo diễn đẩy tình tiết đến khiên cưỡng, nhân vật bà Mai trong “Gạo nếp gạo tẻ” hay Diệu trong “Cả một đời ân oán” có những cư xử, hành động hơi phi lý, thiếu thực tế, khiến khán giả ức chế, nhưng khán giả vẫn chấp nhận, vẫn theo dõi đến cùng. Đó là sức hút mà có lẽ chỉ phim đề tài gia đình mới có được.
Ngay sau “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”, một quả bom nổ chậm của truyền hình tiếp tục được khai ngòi, đó là “Thương nhớ ở ai”. Dù là bộ phim với cốt truyện của thời cũ, đưa người xem trở về những năm sau kháng chiến, nhưng những tình cảm yêu thương, những mối quan hệ chằng chịt khó nói vẫn chưa bao giờ cũ. Dù có nhiều phân cảnh bị khán giả đưa ra “mổ xẻ”, bàn tán, lời chê tiếng vào, nhưng ội dung phim ám ảnh, với hậu trường kỹ xảo chuyên nghiệp, hoành tráng... khiến đa số khán giả không ngớt lời khen ngợi.