Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà khoa học, một nhà lý luận, một trí thức lớn. Với phong cách ngôn ngữ thắm tình dân tộc, đậm chất văn chương nên ông đã vận dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ từ đời sống, đặc biệt là những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, để diễn đạt những vấn đề hệ trọng, lớn lao.
Vì thế, nhiều bài nói, bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư hết sức sâu sắc, gần gũi, có sức lay động, truyền cảm hứng cho mỗi đảng viên và mỗi người dân, củng cố niềm tin của Dân với Đảng và Nhà nước.
Một người con mang "hồn cốt của dân tộc"
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc, cùng học vấn chuyên sâu về văn hóa và ngôn ngữ được tiếp thu trong thời gian theo học tại Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sớm hình thành nên tình yêu văn hóa.
Năm 1967, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Đinh Gia Khánh, sinh viên Nguyễn Phú Trọng đã bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp về đề tài “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu” và là sinh viên duy nhất đạt điểm tối ưu duy nhất của khóa học đó.
Sau này, trải qua quá trình học tập, nghiên cứu và công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp cận, hấp thụ được các kiến thức tổng hợp về văn học, triết học, kinh tế chính trị, xây dựng Đảng, vì thế trong các bài nói, bài viết, bài phát biểu của ông đã vận dụng, thể hiện hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, giữa tri thức khoa học và tri thức văn hóa, giữa những định hướng chỉ đạo mang tầm khái quát chiến lược với những câu văn, lời nói giản dị, súc tích, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, truyền cảm hứng cho mỗi đảng viên và mỗi người dân, củng cố niềm tin của Dân với Đảng và Nhà nước.
Trân quý và thấu hiểu ca dao, tục ngữ, thành ngữ là sự hội tụ tinh hoa, là tiếng nói tình cảm và trí tuệ muôn đời của nhân dân; là những lời nói dễ hiểu, tác động nhẹ nhàng, lan tỏa tinh tế, thẩm thấu sâu sắc vào nhận thức, tình cảm người nghe, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khéo léo đưa những vấn đề chính trị thành những lời thiết thực, sinh động thông qua vận dụng ngôn ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân, qua đó góp phần khai thông tư tưởng, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Vận dụng ca dao, tục ngữ Việt Nam nhuần nhuyễn trong các bài viết, bài nói về xây dựng Đảng
Trong nhiều bài nói, bài viết, bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vận dụng lối nói dân gian để làm tăng giá trị, sức truyền cảm, sức hút của các nội dung thông điệp chính trị.
Về công tác cán bộ, trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng,” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vận dụng hai câu thành ngữ “nhìn gà hóa cuốc;” “thấy đỏ tưởng là chín” nhằm khuyến cáo các cấp ủy, người làm nhân sự không được phép nhầm lẫn trong việc đánh giá cán bộ.
Tổng Bí thư chỉ rõ: “Tiểu ban nhân sự phải là những cán bộ thật sự tin cậy, tuyệt đối trung thành, trung thực, trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường, (“đừng nhìn gà hoá cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”).
Trong nhiều lần chia sẻ với cán bộ về lẽ sống của người cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh phải làm sao giữ cho được, làm cho đúng tư cách, đạo đức, danh dự của người cán bộ, Đảng viên. Là người cán bộ, Đảng viên nếu không nêu gương sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân. “Cần phát huy hơn nữa cao độ tinh thần trách nhiệm nêu gương, gương mẫu về đạo đức lối sống trong công tác, trong cuộc sống, bản thân gia đình và người thân. Hết sức tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”, người ta không chịu đâu, anh phải gương mẫu trước đi đã.”
Tổng Bí thư luôn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nghiêm khắc với bản thân, giữ gìn liêm sỉ, lòng tự trọng bởi: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”. Câu nói “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu” vốn là câu nói cửa miệng của người nông dân xưa nhằm ám chỉ những kẻ cường hào, trọc phú tham lam, chỉ biết vơ vét cho đầy túi; nay được Tổng Bí thư nhắc lại như muốn đánh động, thức tỉnh lương tâm các quan chức chớ có bị cuốn vào dòng xoáy của đồng tiền tham ô, hối lộ làm nhơ nhớp phẩm giá con người, đến chết rồi mà vẫn chưa rửa hết “vết nhơ!”
Trong nhiều hội nghị, Tổng Bí thư nhắc lại những câu thành ngữ mang ý nghĩa phê phán, như “cua cậy càng, cá cậy vây,” “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” để cảnh báo thực trạng nhiều tổ chức, cơ quan thiếu sự phối hợp chặt chẽ, có biểu hiện vừa co kéo quyền lợi, vừa ảo tưởng sức mạnh quyền lực của tổ chức, cơ quan mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Khi có vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì các cơ quan cùng ngồi lại bàn bạc, tìm tiếng nói chung, thống nhất để cùng triển khai thực hiện, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây.”
Một trong những vấn đề được Tổng Bí thư thường xuyên nêu ra là phải chú trọng giữ gìn sự đoàn kết thống nhất. Tổng Bí thư đã sử dụng hàng loạt thành ngữ, như "Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt," mang nội hàm gắn bó mật thiết nhằm làm sâu sắc hơn vai trò, giá trị, sức mạnh của tinh thần đoàn kết.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quyết tâm biến nghị quyết thành hiện thực. Đây là một phương thức, cách làm mới, bài bản, khoa học, với tinh thần như tôi đã nói là: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt”, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi mới.”
Chủ trì Phiên họp lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mượn hình ảnh “cái lò, que củi” gắn liền với việc khơi than đốt lò của người nông dân, để khẳng định sự quyết tâm: “Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công.”
Sau này, cụm từ “Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy” được liên tục nhắc đến như biểu thị sự hưởng ứng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng. Rõ ràng, quan điểm nhất quán, không khoan nhượng với tệ tham nhũng, tiêu cực trong các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng có thêm sức nặng bởi các câu văn, thơ, ca dao, tục ngữ được sử dụng rất “đắt”, thấm sâu vào lòng người và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Trong công tác đối ngoại, trong bài phát biểu chỉ đạo kéo dài hơn 60 phút tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc diễn ra ở Hà Nội sáng 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đi thông điệp quyết tâm xây dựng trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam. "Cây tre Việt Nam gốc thì vững chắc, cành thì uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Không có cơn gió nào quật ngã được", Tổng Bí thư nói và nêu lại câu thơ: "Thân gầy guộc, lá mong manh/Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?"
Tại hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, ngày 15/9/2021, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sử dụng nhiều câu thơ, tục ngữ để nói lên tư tưởng, chỉ đạo của mình: Chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hoà thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà): “Trên kính dưới nhường”, tôn ti trật tự, không thể vô lễ, vô phép, “cá mè một lứa”, “thượng hạ bằng đẳng”...; không có cái kiểu “Nhà kia lỗi phép con khinh bố/Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” như cụ Tú Xương đã từng phê phán; như thế là một gia đình vô phúc. Một làng, một xã, một dòng họ cũng có hương ước, quy ước, lệ làng; một cơ quan, một công sở phải có “nội quy”; một tổ chức, đoàn thể phải có “quy chế”, có “điều lệ”... Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân, cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước. Mà muốn thế thì phải có các cơ quan nội chính.”
Trong công tác đối ngoại, trong bài phát biểu chỉ đạo kéo dài hơn 60 phút tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc diễn ra ở Hà Nội sáng 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đi thông điệp quyết tâm xây dựng trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam. "Cây tre Việt Nam gốc thì vững chắc, cành thì uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Không có cơn gió nào quật ngã được," Tổng Bí thư nói và nêu lại câu thơ: "Thân gầy guộc, lá mong manh/Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?"
Sử dụng ngôn ngữ dân tộc để diễn đạt những vấn đề hệ trọng, lớn lao
Cùng với vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo nhiều tục ngữ, thành ngữ, ca dao, trong nhiều bài phát biểu, bài viết, bài nói của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn trích dẫn, sử dụng nhiều câu triết lý, danh ngôn, văn thơ của các danh nhân, nhà văn, nhà thơ lớn.
Danh nhân văn hóa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trích dẫn nhiều câu từ nhất chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nhiều bài nói, bài phát biểu, bài viết, Tổng Bí thư đã nhắc lại nhiều câu từ, ý tứ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, thực hiện bổn phận “đầy tớ”, “công bộc” của dân; về chống chủ nghĩa cá nhân, đề phòng cảnh giác với những “viên đạn bọc đường”; phê phán thói cửa quyền, hách dịch của những “quan cách mạng”, “ông vua con” ức hiếp quần chúng; về việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật theo phương châm “chặt một cành sâu để cứu cả cái cây."
Đại thi hào Nguyễn Du cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trích dẫn, vận dụng khá nhiều. Ngày 26/6/2006, sau khi được Quốc hội khóa XI bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, ông đã lẩy hai câu Kiều “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn hay không.”
Sau này, phát biểu khi nhậm chức Chủ tịch nước ngày 23/10/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tâm sự rằng, lẩy hai câu Kiều đó trong ngày đầu giữ trọng trách trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào vì ông cảm thấy vừa mừng, vừa lo, phần lo nhiều hơn vì không biết có hoàn thành nhiệm vụ không. Lời bộc bạch ấy thể hiện đức tính khiêm nhường của một nhân cách lớn.
Khẳng định sức mạnh vô địch của nhân dân, của “thế trận lòng dân” trong cuộc trường chinh đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy gian lao mà vĩ đại của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không quên nhắc lại câu nói bất hủ của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi từ thế kỷ XV đã đúc kết: “Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước; nước có thể chở thuyền, nhưng nước cũng có thể lật thuyền.”
Khi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/9/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại câu thơ trong bài “Dậy mà đi” của Tố Hữu viết từ năm 1941: “Mỗi lần ngã là một lần bớt dại” nhằm động viên, nhắc nhở đội ngũ cán bộ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh càng trong gian khó càng phải nung nấu ý chí quyết tâm, làm việc tốt hơn, không sợ khuyết điểm, vì có làm mới có khuyết điểm, miễn là khuyết điểm đó không bắt nguồn từ động cơ vụ lợi. Bài học cần rút ra là không vì sai phạm của một số cán bộ của Thành phố bị kỷ luật, xử lý hình sự mà cán bộ đương chức nản lòng, nhụt chí, vì sai lầm của người khác chính là kinh nghiệm để mình không vấp váp như họ.
Dùng ý tứ câu nói bất hủ “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...” trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai A.Ostrovsky, Tổng Bí thư nhắc lại với nội hàm sâu sắc hơn, tha thiết hơn, phù hợp hơn với nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của cán bộ, đảng viên thời nay và có sức truyền cảm, lay động tâm can con người: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo.”
Có thể khẳng định rằng, qua phong cách ngôn ngữ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện trong các bài nói, bài viết, bài phát biểu, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn về chân dung một nhà lãnh đạo không chỉ có tầm cao trí tuệ, tư tưởng chính trị, mà còn là nhà văn hóa thân dân, trọng ngôn ngữ dân tộc, thấm đượm tình yêu văn chương.
Những bài viết, bài nói mang tính lý luận, khoa học đó đã được làm “mềm” đi bằng những áng thơ, bài văn; bằng kho ca dao, tục ngữ phong phú của dân tộc nên càng trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ nhớ, dễ hiểu. Đó chính là sự độc đáo, riêng có của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.