Đã bao lâu rồi bạn không dự lễ chào cờ?
Có thể là đã rất lâu. Tính bằng năm, hoặc nhiều năm.
Lần cuối tôi đứng lên hát Quốc ca và chào cờ, cách đây ba năm, khi cùng đồng nghiệp xem một trận tuyển Việt Nam thi đấu qua TV. Lúc đặt tay lên ngực trái, đứng nghiêm và hát Đoàn quân Việt Nam đi..., tôi suýt khóc.
Chúng ta thực sự luôn đặt Tổ quốc trong tim mình. Dẫu gian khó của cuộc sống có thể khiến mỗi người trở nên chai sạn, thậm chí gian ngoan hay cường bạo, nhưng đứng trước trách nhiệm với Tổ quốc, tôi tin mỗi người đều nhớ ra Tổ quốc ở trong tim mình.
Nhưng có những người không lúc nào, không một phút giây nào quên rằng Tổ quốc trong tim họ, Tổ quốc ngay nơi họ đứng, Tổ quốc như mây trên đầu. Họ không được quên, không được lơ là, không được lùi bước, không được quay lưng buông trách nhiệm. Họ là người lính.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong cuốn "Đảo Chìm" viết một chuyện rất hay. Những năm 80, Trường Sa còn nghìn trùng khó khăn tiếp viện, vị tướng già đi kiểm tra các đảo. Đến một đảo nổi nhỏ xíu, vị tướng già thấy một anh lính hải quân đang ngâm mình trong nước, dùng xẻng bẩy những hòn đá dưới biển lên, kè quanh rìa đảo giữ cho cát khỏi bay. Vị tướng già hỏi anh lính đang làm gì, anh cười nói: "Báo cáo bố, con đang mở mang bờ cõi ạ."
Cái mẩu chuyện (chứ không phải truyện) ấy, khái quát được tinh thần của người lính, ở Trường Sa, hay bất cứ nơi nào trên Tổ quốc Việt Nam này.
Tôi từng chứng kiến một buổi sáng đi qua cổng trường tiểu học ở Hà Nội, đúng thứ Hai chào cờ. Khi bài Tiến quân ca vang lên, một người lính trẻ đang rảo bước trên vỉa hè liền đứng lại, hướng về ngọn quốc kỳ bên kia bức tường và nghiêm chào. Tôi không bao giờ quên hình ảnh đó, tự nhắc mình không bao giờ được quên.
Khi những người lính trẻ nghiêm ngắn kỷ luật triển khai việc giới nghiêm Tp. Hồ Chí Minh, những người dân lương thiện đều hiểu, đó là một giải pháp cần thiết. Giải pháp cho 10 triệu dân Tp.HCM - đô thị lớn nhất cả nước. Nếu hữu hiệu (mà chắc chắn sẽ phải hữu hiệu), đó sẽ là giải pháp cho toàn miền Nam, cho toàn quốc. Trong cuộc chiến chống dịch này, làm gì có cái gọi là kinh nghiệm quốc tế, khi mà ngay cả các quốc gia hùng mạnh nhất, y học phát triển nhất, cũng trả giá bằng hàng trăm nghìn sinh mạng.
Ảnh: VnExpress |
Mang quân đội vào cuộc chiến chống dịch, quốc gia đã chọn đến những đứa con ưu tú nhất của mình. Những thanh niên ấy được đào luyện, có kỷ luật, sức mạnh, chịu được gian khổ, và tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân.
Họ sẽ đứng gác 24/24 không ngồi duỗi chân tay hay bỏ gác. Họ sẽ đếm từng củ khoai, cân chính xác từng lạng gạo trong các khẩu phần cứu trợ. Và họ sẽ đến từng nhà, hai tay, cúi đầu, lễ phép chào hỏi đưa từng túi đồ ấy cho nhân dân, như thể đó là ông bà, cha mẹ, anh chị của họ. Đó là tác phong quân kỷ của quân đội nhân dân Việt Nam.
Ủng hộ quân đội của mình lúc này, và bất cứ lúc nào, là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của một dân tộc độc lập tự chủ. Bạn có quyền say đắm với những ngôi sao nước ngoài trong quân phục nước họ, nhưng nên thấy xấu hổ khi cười cợt so sánh với quân nhân của quốc gia mình (ở đây tất nhiên là nói những quân nhân thực sự, chứ không phải một vai diễn trong MV ca nhạc của ai đó, đến cái cổ áo còn chưa biết bẻ cho đàng hoàng).
Không người lương thiện nào sợ quân nhân, chắc chắn là như vậy. Không ai biết những giá trị của hòa bình mà không biết trân trọng giá trị của người lính, điều đó còn chắc chắn hơn.