Nhiều lần phát hiện hộ nuôi tôm bơm và xả nước mặn ra mương đồng, người dân xã Tiền Phong, TX.Quảng Yên (Quảng Ninh) đã thông báo, thậm chí kéo lên UBND xã đề nghị chính quyền ngăn chặn hệ lụy tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến vùng sản xuất lúa của bà con...Nhưng sự việc vẫn tiếp diễn, kéo dài vài tháng nay.
Ngay trong đêm 23.9, người dân thôn 4, xã Tiền Phòng, TX.Quảng Yên gọi điện trực tiếp cho PV Dân Việt thông tin về việc người dân tiếp tục phát hiện hộ ông Phạm Văn Thanh (hộ nuôi tôm nước lợ tại thôn 4), vào lúc 22h đang tiến hành bơm nước mặn vào mương dự trữ trên cánh đồng. Ngoài thông tin cho phóng viên, người dân còn thông báo cho thôn trưởng đến hiện trường chứng kiến vụ việc.
Sáng 24.9, trao đổi với PV Dân Việt, chị Đỗ Thị Khái (Thôn trưởng Thôn 4) xác nhận: “Vào khoảng 10 giờ đêm qua, nhận được thông báo của quần chúng nhân dân, tôi trực tiếp có mặt tại khu vực nuôi tôm của hộ ông Phạm Văn Thanh. Tại đây, chúng tôi phát hiện 1 máy bơm đặt tại bờ đê đang hoạt động, đường ống đấu nối vào máy bơm đang dẫn nước mặn từ biển vào lạch chứa trong cánh đồng”.
Cũng theo chị Khái, đây là lần thứ 3 chị cùng người dân phát hiện hộ nuôi tôm này bơm và xả nước mặn vào mương sát cánh đồng. “2 lần trước, chúng tôi (gồm Công an xã, Trưởng thôn và người dân) đã tiến hành lập biên bản tại hiện trường. Ngoài bơm nước mặn vào lạch dự trữ, họ còn bơm xả nước mặn khi thay nước trong ao nuôi tôm vào mương nước ngọt. Nước từ mương này chảy và xâm mặn trực tiếp ra cánh đồng thôn 4, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân trồng lúa”.
Có mặt tại cánh đồng các thôn 2,3,4 xã Tiền Phong vào chiều 24.9, ông Nguyễn Văn Xòe (thôn 4) dẫn chúng tôi tới những thửa ruộng nghi bị nhiễm mặn từ việc bơm, xả nước mặn phục vụ nuôi tôm của hộ ông Phạm Văn Thanh. Nhiều ruộng lúa đang xanh tốt bỗng ngả sang màu vàng và héo úa, xác xơ. Theo những hộ dân, trước đây tại vùng này, mỗi năm người dân canh tác 2 vụ lúa và 1 vụ màu với doanh thu hàng năm từ 60 – 70 triệu đồng/ha. Tuy nhiên vài tháng trở lại đây, diện tích lúa của bà con có hiện tượng kém phát triển, chất lượng lúa rất khác so với mọi năm do bị nhiễm mặn.
“Với hiện tượng lúa ngả vàng, héo úa như thế này, vụ chiêm năm nay hầu hết cách đồng này có nguy cơ mất trắng” – ông Nguyễn Văn Xòe nói.
Tiếp tục dẫn phóng viên tới vùng nuôi tôm rộng khoảng 5.000m2 của hộ ông Phạm Văn Thanh, người dân xã Tiền Phong cho biết: Trước đây khu nuôi tôm này là ruộng lúa, hộ ông Thành mua lại, tổ chức đào ao, quây đầm nuôi tôm thẻ chân trắng. Một phần diện tích được chủ hộ quây thành mương chứa nước mặn, giáp ranh với ruộng lúa của bà con.
Đường ống dẫn nước mặn từ ngoài đê vào khu nuôi tôm của hộ ông Thanh. |
“Số nước mặn chứa trong mương này được bơm từ bờ biển phía ngoài đê, rồi từ mương chứa hộ ông Thanh lại bơm vào các ao nuôi. Đến thời điểm phải thay nước, họ lại xả nước mặn ra mương. Những lần dân bắt được họ bơm hay xả nước thường là vào buổi đêm. Nhưng đâu phải đêm nào dân cũng đi canh được!” – chị Đỗ Thị Khái (Thôn trưởng Thôn 4), nói.
Trao đổi với PV Dân Việt vào chiều 24.9, ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho hay: “Về mặt chính quyền, chúng tôi đã xử lý lập biên bản, chuyển cho Công an thị xã. Hộ nuôi tôm cũng đã ký cam kết không tái phạm việc bơm nước mặn vào mương chứa. Hiện, hộ nuôi tôm đang hoàn thiện báo cáo kỹ thuật, trong đó trình rõ lấy nước mặn ở đâu, thải ra khu vực nào...”.
Tuy nhiên, khi được hỏi sự việc hộ nuôi tôm này tái diễn hút nước mặn vào đêm 23.9, ông Hoan trả lời: “Tôi đang đi tập huấn ngoài Hạ Long, chưa thấy ai nói gì về việc này cả” (?).
Thực tế cho thấy, việc đào ao nuôi tôm trong vùng nước ngọt ở một số địa phương hiệu quả và tính bền vững không cao. Về lâu dài, mô hình này còn ảnh hưởng đến môi trường, đất sản xuất, ô nhiễm nguồn nước ngọt, sẽ dẫn đến lún đất, nhiễm mặn vùng ngọt hóa. Ngay tại Quảng Ninh,thời gian gần đây một số vùng tại thị xã Đông Triều đã được cơ quan chức năng cảnh báo về hệ lụy nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt.