Sáng ngày 11/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu lại tên của dự thảo Luật bảo đảm bao quát phạm vi điều chỉnh bao gồm cả người và phương tiện kỹ thuật; cũng như cân nhắc nội dung tại điều luật về giải thích từ ngữ LLDBĐV là gì.
Theo đại biểu Phương Tuấn, cần xây dựng cơ chế phù hợp trong xây dựng và quản lý dự bị động viên. Những quân nhân dự bị phần lớn là thanh niên xuất ngũ về địa phương, những người này làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, khi huy động tham gia lực lượng dự bị động viên sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của những doanh nghiệp này, từ đó gây khó khăn tới việc phân công lao động của doanh nghiệp.
“Mỗi lần động viên, các công ty, doanh nghiệp không muốn nhả người vì ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu người lao động là quân nhân dự bị chấp hành thời gian huấn luyện sẽ bị chủ doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng, dẫn tới mất việc làm, nếu không chấp hành thời gian huấn luyện sẽ vi phạm luật, buộc các cấp có thẩm quyền phải xử lý theo quy định của pháp luật”- đại biểu Phương Tuấn giải thích thêm.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ) cũng cho rằng đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến LLDBĐV là chưa sát với nội dung của dự thảo luật cũng như phạm vi điều chỉnh, do đó cần điều chỉnh lại đối tượng áp dụng là “Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng, huy động LLDBĐV, liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách, đảm bảo kinh phí trong xây dựng, huy động LLDBĐV” để bảo đảm tính bao quát.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát để có quy định cân đối giữa quyền và nghĩa vụ của quân nhân dự bị bởi dự thảo luật có quy định về nghĩa vụ mà không có quy định về quyền. Mặc dù nội dung dự thảo có quy định về chế độ, chính sách dành cho LLDBĐV nhưng việc thiếu vắng điều luật về quyền là chưa thể hiện được hết tinh thần của Hiến pháp là bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân, tạo ra sự mất cân bằng về quyền và nghĩa vụ, do đó cần có bổ sung cho phù hợp.
Trao đổi thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sĩ Hội (Nghệ An) cho biết, Hiến pháp quy định Nhà nước xây dựng lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực, có lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp là nòng cốt cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Pháp lệnh LLDBĐV thực hiện 20 năm đã đi vào cuộc sống, thực hiện ổn định có quy định LLDBĐV gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã xếp trong kế hoạch trong bổ sung lực lượng thường trực quân đội. Do đó, nội hàm và các thể hiện của dự thảo Luật về LLDBĐV là hợp lý.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), dự thảo luật vẫn có quy định quản lý LLDBĐV theo phương thức truyền thống, thủ công như sổ đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký… Để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, góp phần khắc phục hạn chế trong công tác quản lý quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định thiết lấp cơ sở dữ liệu và thực hiện số hóa thông tin về LLDBĐV, giao Bộ Quốc phòng xây dựng cập nhật và theo dõi cơ sở dữ liệu và các cơ quan đơn vị, địa phương phối hợp cập nhật, theo dõi, bổ sung cơ sở dữ liệu.
Cũng trong sáng nay, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tiếp sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao./.