Tính đến đầu tháng 11/2020, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, sân bay quốc tế Vân Đồn đã phục vụ hơn 3.000 chuyến bay cất hạ cánh an toàn, với hơn 370.000 lượt khách, trong đó có hơn 40.000 lượt khách quốc tế.
Nhưng có lẽ hành khách và người dân cả nước biết đến thương hiệu sân bay Vân Đồn nhiều hơn kể từ khi sân bay này trở thành 1 trong 3 sân bay đầu tiên của cả nước được Cục Hàng không và Chính phủ “chọn mặt gửi vàng” khi trao trách nhiệm quốc gia sâu nặng nghĩa tình, đó là đón các chuyến bay chở người Việt và chuyên gia nước ngoài từ các vùng dịch về Việt Nam.
Ở thời điểm này nhìn lại, khi mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, quy trình vận hành trơn tru, có lẽ ít ai hình dung được những khó khăn mà đội ngũ lãnh đạo và nhân viên sân bay phải đối mặt tại thời điểm tháng 2 – tháng 3 đầu năm khi đón những chuyến bay đầu tiên từ vùng dịch, cũng là lúc Covid-19 đang gieo nỗi sợ hãi lên toàn thế giới về tốc độ lây lan và số người thiệt mạng.
“Trong hoàn cảnh nguy hiểm đó, ai cũng lo lắng. Nhưng nếu mình không làm thì ai làm. Với vai trò lãnh đạo, chúng tôi có trách nhiệm tìm ra giải pháp an toàn nhất, đưa ra chỉ đạo, hướng dẫn rõ ràng để nhân viên yên tâm. Tôi cũng luôn khích lệ anh em, chia sẻ đây là công việc mang ý nghĩa cộng đồng và xã hội”, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Sân bay quốc tế Vân Đồn chia sẻ.
Xác định 3 mũi nhọn tạo nên sức mạnh là: con người tinh nhuệ, phương tiện hiện đại và quy trình đặc biệt, đến nay, sân bay non trẻ nhất Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Nhà nước và nhân dân giao phó, đón hơn 150 chuyến bay đặc biệt từ vùng dịch với gần 29.000 lượt hành khách, đảm bảo an toàn tuyệt đối và không để xảy ra bất kỳ trường hợp lây nhiễm dịch bệnh nào ra cộng đồng.
Bước vào giai đoạn mới, song hành với trách nhiệm xã hội đón các chuyến bay đặc biệt, sân bay Vân Đồn đang dần nối lại các chuyến bay thương mại, tiếp tục nhiệm vụ đặt ra ngay từ ngày đầu vận hành là kết nối vùng đất di sản nói riêng và cả vùng Đông Bắc nói chung với cả nước và thế giới.
Là sân bay thứ 3 trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện rõ nét nhất, hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại nhất trong 4 Vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, sân bay quốc tế Vân Đồn là mảnh ghép cuối hoàn thiện mạng lưới sân bay “3 chân kiềng” của vùng, tương ứng với tam giác kinh tế hạt nhân Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Với vị trí chiến lược trong kết nối giao thương như vậy, sân bay Vân Đồn thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của lãnh đạo Quảng Ninh cũng như Tập đoàn Sun Group, khi dọn đường cất cánh cho vùng đất di sản vốn nhiều tiềm năng về công nghiệp, du lịch và thu hút đầu tư, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để Quảng Ninh trở thành TP trực thuộc TƯ vào năm 2030.
Cũng trong những ngày đầu tháng 11, vượt qua hàng loạt ứng viên “nặng ký” của khu vực, Sân bay quốc tế Vân Đồn của Việt Nam đã giành 2 giải thưởng danh giá tại giải thưởng “Oscar của ngành du lịch” - World Travel Awards (WTA) 2020: "Sân bay khu vực hàng đầu châu Á" và "Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á".
Trước đó, vào năm 2019, Sân bay quốc tế Vân Đồn cũng đã được WTA trao tặng 2 giải thưởng là “Sân bay mới hàng đầu châu Á” và "Sân bay mới hàng đầu thế giới", bên cạnh nhiều giải thưởng quan trọng khác trong nước. Hàng loạt giải thưởng quốc tế đến với sân bay Vân Đồn trong 2 năm qua – tương ứng với khoảng thời gian hình thành và phát triển của sân bay, không phải ngẫu nhiên mà là kết quả của cả quá trình nỗ lực không ngừng.
Với những hành khách chọn lựa sân bay Vân Đồn trong “checklist” điểm đến của mình thời gian này, có lẽ sẽ choáng ngợp với màu xanh mát mắt phủ khắp từ lối vào, sảnh chính, các tiểu cảnh bên ngoài đến từng ngóc ngách bên trong nhà ga sân bay. Màu xanh rì của những tán bàng Đài Loan, thảm cỏ được các công nhân tỉ mỉ chăm sóc, cắt tỉa; màu xanh non tơ của những cây chuối mỏ két nở hoa đỏ chót trong khu giếng trời hay phòng chờ thương gia… tiệp với màu xanh biếc của núi rừng, biển đảo Vân Đồn tạo nên bức tranh thủy mặc hiếm có về một sân bay có vị trí, cảnh quan đẹp hàng đầu Việt Nam, quyện hòa với cảm hứng nguyên bản về Di sản thiên nhiên thế giới - vịnh Hạ Long mà đội ngũ kiến trúc sư Singapore đã tinh tế lồng ghép khi thiết kế sân bay.
Chẳng những thế, với mục tiêu biến mỗi chuyến bay trở thành một kỷ niệm đáng nhớ, biến quá trình chờ đợi làm thủ tục thành một hành trình trải nghiệm, khám phá của du khách, sân bay Vân Đồn không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Chủ đầu tư Sun Group đã trang bị hệ thống kỹ thuật hiện đại, nhập khẩu từ những thương hiệu hàng đầu thế giới nhằm tối ưu hóa các tiện ích cho hành khách, hạn chế tối đa thời gian chờ đợi trong các khâu làm thủ tục, bên cạnh dịch vụ đón, tiễn khách theo tiêu chuẩn VIP.
Riêng phòng chờ thương gia VIP, CIP Lounge có diện tích gần 1.400m2, bao gồm sảnh đón tiếp, khu phục vụ buffet và cocktail, khu vực trung tâm, phòng hút thuốc, toilet và phòng tắm riêng được thiết kế theo phong cách sang trọng, hiện đại. Toàn bộ thiết bị và vật liệu nội thất đều được nhập khẩu từ các hãng danh tiếng quốc tế, đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn khắt khe của các hãng hàng không 5 sao nổi tiếng.
Dễ hiểu tại sao, sân bay Vân Đồn đã thỏa mãn một cách xuất sắc các tiêu chí đánh giá khắt khe về thiết kế tổng thể sân bay, hệ sinh thái xanh, chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng để giành các giải thưởng lớn, theo đánh giá của WTA.
Ông Phạm Ngọc Sáu cho biết thêm, hàng loạt giải thưởng mang tầm quốc tế được trao tặng là minh chứng cho sự trưởng thành và nỗ lực phát triển của sân bay, giúp sân bay ghi tên vào bản đồ hàng không thế giới. "Đó cũng là niềm tự hào và động lực để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ trong hành trình kiến tạo một sân bay sinh thái xanh – sạch – hiện đại nhằm đem tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất", ông Sáu chia sẻ.
Hà Dung