Những ngày qua, lưu thông Bắc Nam cũng như nhiều tuyến huyết mạch qua TP. Biên Hòa, Đồng Nai đã phải dừng lại và tìm hướng di chuyển khác do hai nhịp cầu Ghềnh bị sà lan hết hạn kiểm định và người lái không có bằng gây ra. Đây là vụ sập cầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bên hành lang Quốc hội sáng 22/3, đại biểu (ĐB) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: “Giao thông đường thủy hiện nay rất quan trọng, nhất là đường thủy nội địa. Qua vụ việc sập cầu Ghềnh, không những ảnh hưởng đến giao thông đường thủy mà còn ảnh hưởng lớn đến đường bộ và đường sắt, chúng ta có thể thấy đây là một vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận lại”.
Các văn bản liên quan đến việc bảo vệ đường thủy cũng như cấp bằng cho các lái tàu đã có rất đầy đủ. Thế nhưng vẫn tồn tại những người lái thuyền, phà không có bằng dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Chính điều này cũng khiến vị đại biểu đoàn Hải Phòng hết sức ngạc nhiên.
ĐB Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh: “Từ giờ cho đến khi khôi phục lại được cầu Ghềnh cũng phải mất nhiều tháng. Như vậy, tuyến đường sắt Bắc Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Có thể thấy, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra của chúng ta hiện nay chưa được thường xuyên. Chúng ta phải hết sức rút kinh nghiệm. Vì những vụ việc như thế này gây hậu quả rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến lưu thông đường thủy, mà còn ảnh hưởng đến giao thông đi lại nói chung và kinh tế, xã hội.
ĐB Trần Ngọc Vinh quan ngại về công tác quản lý khi còn tình trạng tàu hết hạn kiểm định vẫn hoạt động, người lái tàu không có bằng lái.
Tôi cho rằng, ngoài vấn đề rút kinh nghiệm thì chúng ta cũng phải quy trách nhiệm tới từng lĩnh vực, từng cá nhân, đặc biệt là truy đến cùng trách nhiệm của các cá nhân. Còn nếu không có chế tài xử lý nghiêm thì theo tôi không thể khắc phục tình trạng này”.
Liên quan đến một số thông tin về việc hai người lái tàu không có bằng lái, tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh cũng hết hạn kiểm định, ĐB Trần Ngọc Vinh đặt nhiều câu hỏi: “Trước hết phải điều tra làm rõ nguyên nhân từ đâu. Sai phạm thuộc trách nhiệm của ngành nào thì ngành đó phải chịu trách nhiệm. Vì sao, phương tiện hết hạn kiểm định, chưa được kiểm định lại mà các cơ quan chức năng vẫn không kiểm soát được và để cho chiếc tàu đó lưu thông gây ra hậu quả nghiêm trọng? Tại sao những người không có bằng vẫn lái được như vậy? Thêm nữa, tôi được biết, con tàu này đã hết hạn kiểm định không phải chỉ ngày một ngày hai”.
Trước cầu Ghềnh có cả vụ cầu An Thái ở Hải Dương bị tàu đâm sập, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì đến nay, vẫn chưa có một ai chịu trách nhiệm chính về sự việc.
ĐB Trần Ngọc Vinh thẳng thắn cho rằng: “Nếu nói đến trách nhiệm thì Thanh tra xây dựng cũng không phải người đứng đầu mà người đứng đầu là Giám đốc Sở Giao thông Vận tải. Khi quy trách nhiệm là phải quy người đứng đầu, sau đó, người đứng đầu mới phân bổ đến những người đứng đầu của lĩnh vực nào đó và quy cho từng người.
Theo tôi phải có chế tài xử lý, không xử lý là không được. Các văn bản pháp luật của Nhà nước là tương đối đầy đủ. Nhưng trên thực tế có thực hiện được hay không và, khi xảy ra chuyện gì lại có tình trạng “không chết ai” là không được. Ở các nước trên thế giới, tất cả các sự việc đều được quy trách nhiệm đến cùng, kể cả với những người đã về hưu vẫn bị truy trách nhiệm, hồi tố. Chúng ta không thể để tình trạng cứ “hạ cánh an toàn” là thôi”.
"Muốn kỷ luật đúng người phải có các bước thanh tra, kiểm tra kết luận đơn vị nào, con người chính là ai. Tôi muốn nói là phải xử lý những người đã được giao trách nhiệm mà để xảy ra sự việc như vậy”, ĐB Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Có ý kiến cho rằng, nên có những phương án thay thế ngay từ trước khi xảy ra sự cố, nhất là với cầu Ghềnh có đường sắt Bắc – Nam đi qua, ĐB Trần Ngọc Vinh đưa quan điểm: “Do nền kinh tế của Việt Nam chưa đủ khả năng làm phương án thay thế, mà vẫn phải sử dụng cầu cũ đã tồn tại hàng trăm năm. Phương án thay thế có thể đã được nghĩ đến nhưng vấn đề kinh tế cũng là điều cần phải thông cảm”.
Dương Thu